10 điều bạn cần biết về viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Khi con được chẩn đoán bị viêm khớp dạng thấp và bác sĩ nói trẻ có thể phải sống suốt đời với căn bệnh này, là cha mẹ, bạn sẽ rất lo lắng và có rất nhiều câu hỏi cần giải đáp.

Tuy nhiên, có đến hàng nghìn bài viết nói về vấn đề này, làm sao bạn có thể đọc cho hết? iMediCare đã tổng hợp thành 10 điều bạn cần biết về viêm khớp dạng thấp thiếu niên như sau:

1. Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là gì?

  • Viêm khớp dạng thấp thiếu niên, còn được gọi là viêm khớp thiếu niên, là viêm khớp ở trẻ em dưới 16 tuổi kéo dài hơn 6 tuần. Nếu không được điều trị đúng có thể dẫn đến tổn thương khớp trầm trọng.
  • Viêm khớp dạng thấp thiếu niên không phải là một căn bệnh mà là một thuật ngữ dùng để mô tả nhiều rối loạn tự miễn và tình trạng viêm mà trẻ em có thể mắc phải.
  • Các dạng viêm khớp dạng thấp thiếu niên bao gồm viêm da cơ thiếu niên, lupus vị thành niên, xơ cứng bì thiếu niên, bệnh Kawasaki và rối loạn mô liên kết hỗn hợp.

2. Viêm khớp dạng thấp thiếu niên có phải là bệnh phổ biến cho trẻ em không?

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là một loại viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em dưới 16 tuổi. Ở Việt Nam chưa có thống kê về bệnh này, nhưng một số thống kê ở Mỹ và châu Âu cho thấy, lứa tuổi mắc bệnh ở khoảng từ 2–16 tuổi, với tỷ lệ 1/1.000 trẻ mỗi năm, nữ gặp nhiều hơn nam. Thật may là phần lớn trong số đó thường có diễn biến nhẹ, chỉ khoảng 1/10.000 trường hợp bệnh sẽ tiến triển nặng dần.

3. Những trẻ nào có nguy cơ cao bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên?

  • Trẻ gái có nguy cơ cao hơn trẻ trai
  • Trẻ da trắng có nguy cơ bị cao hơn trẻ da đen và da vàng
  • Tiền sử gia đình có các bệnh lý về mắt
  • Trẻ bị viêm cột sống dính khớp
  • Trẻ bị viêm ruột mạn tính
  • Tiền sử gia đình có người bị bệnh vẩy nến.

4. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp thiếu niên?

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là do rối loạn miễn dịch. Bình thường hệ thống miễn dịch giúp chống lại vi khuẩn và vi rút. Nhưng khi bị rối loạn miễn dịch thì hệ thống miễn dịch tấn công lại một vài tế bào và mô khỏe mạnh của cơ thể.

Các nhà khoa học không biết nguyên nhân và cái gì xảy ra làm rối loạn hệ miễn dịch. Có vài quan niệm cho rằng để đứa trẻ bị viêm khớp thì đầu tiên là do trẻ mang gen di truyền từ bố mẹ có khuynh hướng dễ bị viêm khớp và sau đó nhiễm một số loại vi rút làm đứa trẻ đó bị rối loạn hệ thống miễn dịch và phát bệnh viêm khớp.

5. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên?

Các triệu chứng thường gặp nhất là đau sưng và cứng khớp mà không mất đi. Thường ảnh hưởng khớp gối, bàn tay và bàn chân nặng vào buổi sáng hoặc sau giấc ngủ ngắn (buổi trưa). Các dấu hiệu khác bao gồm:

viem-khop-o-tre-em1

  • Đi khập khễnh vào buổi sáng vì cứng khớp gối
  • Quá vụng về
  • Sốt cao và phát ban
  • Sưng hạch lympho ở cổ và phần khác cơ thể.

Trẻ em bị viêm khớp sẽ có những đợt cải thiện không có triệu chứng (thuyên giảm) hoặc trầm trọng hơn (bùng phát).

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể dẫn đến viêm mắt và các vấn đề về tăng trưởng. Nó có thể làm cho chân tay phát triển không đều.

6. Khi nào bạn phải đưa con đi khám bác sĩ?

Nếu con của bạn bị đau khớp, cứng khớp và sưng hơn một tuần, nhất là có kèm theo sốt, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ.

7. Bác sĩ sẽ làm thế nào để chẩn đoán con bạn đã bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên?

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể khó khăn vì đau khớp cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác. Chẩn đoán sớm sẽ giúp điều trị tốt hơn và cho tiên lượng tốt hơn.

Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thiếu niên, các bác sĩ sẽ khám sức khỏe, kiểm tra các triệu chứng của con bạn và bệnh sử gia đình, cũng như yêu cầu một số xét nghiệm và chụp X-quang.

8. Viêm khớp dạng thấp thiếu niên điều trị như thế nào và có thể điều trị khỏi hẳn không?

Thật không may, không có cách chữa lành hẳn viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Nhưng có thể điều trị để trẻ vẫn sống bình thường như bao trẻ khác. Điều trị bao gồm sử dụng thuốc, hoạt động thể chất và chăm sóc bản thân để giảm viêm, giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng.

9. Bạn có thể giúp con bạn đã bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên sống tốt với bệnh mãn tính suốt đời này?

Trẻ em bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể bị bạn bè của chúng bắt nạt bởi không hiểu về tình trạng này. Điều quan trọng là bạn phải giúp đỡ và đối xử với trẻ như những trẻ khác.

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên của con bạn ảnh hưởng tới cả gia đình bạn. Nó có thể ảnh hưởng đến khả năng tham gia hoạt động xã hội của trẻ sau hoạt động ở trường, và nó làm cho việc học của trẻ trở lên khó khăn. Các thành viên trong gia đình có thể giúp trẻ cả về mặt hoạt động thể chất lẫn đời sống tinh thần bằng những việc sau đây:

  • Chăm sóc trẻ tốt nhất có thể
  • Bạn nên tìm đọc thông tin về bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên càng nhiều càng tốt
  • Điều trị cho trẻ về bình thường nhất có thể
  • Khuyến khích trẻ tập thể dục và các bài tập hỗ trợ phục hồi vận động
  • Làm việc gần trường của trẻ
  • Nói chuyện và tâm sự với trẻ nhiều
  • Phối hợp với nhóm chuyên gia điều trị cho trẻ.

10. Con bạn nếu bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên phải giới hạn hoạt động?

Tuy việc di chuyển có hơi khó khăn với trẻ em bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên, nhưng điều quan trọng là trẻ em nên năng hoạt động. Các bài tập có thể giúp trẻ kiểm soát các triệu chứng và cải thiện phạm vi chuyển động của các khớp xương. Trẻ có thể giảm đau nhờ vào bơi lội hoặc tham gia các hoạt động dưới nước.

Trong giai đoạn bùng phát của bệnh, bác sĩ sẽ khuyên con bạn giới hạn một số hoạt động nhất định, tùy theo khớp bị ảnh hưởng. Sau khi qua giai đoạn bùng phát, con bạn có thể trở lại các hoạt động thông thường.

Điều quan trọng nhất cần nhớ khi con bạn bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên là hãy hỗ trợ chúng. Bạn có thể giúp con quản lý đời sống tình cảm, xã hội bằng cách trò chuyện với con và giúp con nói ra được những cảm xúc của mình. Bạn có thể giúp việc học hành của con bớt căng thẳng hơn bằng cách nói chuyện với giáo viên và ban giám hiệu trường của con. Hãy nhớ là hỗ trợ con chứ đừng quá bao bọc con. Hãy để con bạn được là chính mình.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top