Bệnh nhược cơ là căn bệnh khá hiếm gặp, tuy nhiên vì chủ quan nên không ít người bệnh phải nhập viện trong tình trạng khó thở và suy hô hấp nặng. Sau đây là những kiến thức cần nắm về bệnh nhược cơ và cách điều trị bệnh đơn giản tại nhà hiệu quả nhất.
Bệnh nhược cơ là gì?
Bệnh nhược cơ là một bệnh lý rối loạn thần kinh cơ tự miễn. Trong đó các tự kháng thể gây tổn thương và làm rối loạn dẫn truyền qua Synap thần kinh, dẫn đến sự suy yếu các hệ cơ trong cơ thể và nhiều khó khăn trong vận động cơ.
Bệnh gây nhiều bất thường tới tuyến ức như tồn tại tuyến ức, tăng sản tuyến ức và u tuyến ức. Đồng thời, gây ảnh hưởng tới hệ cơ mắt, cơ thuộc hành tủy (cơ hô hấp, cơ hàm), cơ ở chi và thân. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ chỉ chiếm khoảng 0.5/100000 dân số.
Có hai thể chính là nhược cơ thông thường và nhược cơ cấp.
Nhược cơ thông thường: đối tượng mắc bệnh thường là trẻ em dưới 10 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 40. Biểu hiện của bệnh là mỏi cơ sau hoạt động, sụp mí mắt…
Nhược cơ cấp: So với nhược cơ thông thường, đây là thể bệnh nặng hơn, thường kèm với các triệu chứng khó thở, sặc khi ăn uống…
3 giai đoạn của bệnh nhược cơ:
Giai đoạn 1: chỉ xuất hiện biểu hiện yếu cơ ở một nhóm cơ, vùng cơ mắt thường là nơi bắt đầu của bệnh.
Giai đoạn 2: các hệ cơ trên cơ thể bị xâm nhập dần
Giai đoạn 3: hệ cơ suy yếu hệ kèm theo các rối loạn họng và hô hấp.
2.Nguyên nhân gây bệnh nhược cơ
Nhược cơ là do giữa thần kinh và cơ mất liên lạc, từ đó dẫn đến giảm trương lực cơ. Cơ chế gây bệnh được các nhà khoa học giả thiết là do 3 nguyên nhân cốt lõi sau đây:
Thứ nhất, trong cơ thể người bệnh tự sản sinh ra các kháng thể đặc biệt để chống lại và phá hủy các thụ thể acetylcholin (ACh), khiến các ACh không thể gắn vào màng sau synap nên không thể dẫn truyền xung thần kinh đến cơ.
Thứ hai, trong cơ thể người bệnh xuất hiện các kháng thể chống lại enzyme kinase đặc hiệu cơ. ACh sẽ khó được biệt hóa và hình thành, khiến số lượng thụ thể ACh bị giảm đi đáng kể.
Thứ ba, hệ miễn dịch quá mẫn cảm khiến tuyến ức phát triển quá mạnh và tự sinh ra kháng thể chống lại ACh.
3.Dấu hiệu nhận biết bệnh
Bệnh thường tiến triển âm thầm với những triệu chứng thoáng qua, chỉ có một vài trường hợp có sự phát triển nhanh chóng. Bệnh thường khởi phát sau một stress hay bệnh nhiễm trùng (thường là nhiễm trùng hô hấp); khi mang thai, khi gây mê.
Bệnh nhược cơ có dấu hiệu đặc trưng là yếu cơ. Có thể bị yếu một cơ hoặc toàn bộ các cơ trong cơ thể.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng đầu tiên xuất hiện ở các cơ mắt, cơ mặt, cơ nhai, cơ cổ với triệu chứng thoáng qua. Sau đó, tái lại và toàn bộ các cơ trong cơ thể sẽ bị tổn thương khi đi đến giai đoạn cuối.
Các cơ bị yếu mỏi và thường xảy ra trong buổi chiều. Càng vận động lại càng thấy đau nhức. 4 triệu chứng bệnh nhược cơ thường gặp nhất:
-Sụp mi: Đây là triệu chứng khởi đầu của đa số các trường hợp. Các cơ vận động nhãn cầu bị tổn thương và dẫn đến sụp mí mắt. Có thể bị sụp mi một bên kèm với mắt còn lại mở to hoặc bị sụp mí cả 2 mắt gây ảnh hưởng tới tầm nhìn. Nhiều bệnh nhân còn kèm theo chứng nhìn đôi, lác do cơ vận nhãn bị yếu.
– Nhược cơ chân, tay: yếu mỏi cơ chân và tay, cảm thấy mệt mỏi khi vận động, không thể làm việc lâu, thậm chí không đi lại được.
– Nhược cơ vùng hầu thanh quản: Người bệnh cảm thấy khó nói, nói ngọng, nhai chóng mỏi, khó nuốt và hay bị nghẹn.
– Nhược cơ hô hấp: khó thở, thậm chí là suy thở và đe dọa tính mạng.
Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không?
Câu trả lời là CÓ. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đặc biệt, với những trường hợp muộn, bệnh nhân sẽ phải đối diện với triệu chứng đáng ngại và nguy hiểm nhất đó là suy hô hấp do yếu hoặc liệt các cơ hô hấp. Thậm chí nhiều trường hợp tử vong do liệt hoàn toàn các cơ hô hấp không được cấp cứu kịp thời.
Tình trạng suy hô hấp càng nặng nề thêm khi bệnh nhân bị nuốt sặc và ho khạc kém, dẫn đến chứng viêm phổi. Đồng thời, khi mắc bệnh nhược cơ, cơ thể bệnh nhân bị suy nhược, ăn uống kém, giảm hoặc mất khả năng tập trung, khó hòa nhập xã hội.
Bệnh nhược cơ có lây không?
Câu trả lời là KHÔNG. Bệnh nhược cơ không lây truyền từ người bệnh sang người lành.
Bệnh nhược cơ sống được bao lâu?
Bệnh có diễn tiến khác nhau. Trong đó, mức nặng nhất là tiến triển trong vòng 1-7 năm. Nguy cơ xảy ra tử vong thường xuất phát từ biến chứng hô hấp. Ở nam giới, thời gian tiến triển của bệnh sẽ nhanh hơn so với nữ giới. So với người già, khởi phát bệnh ở người trẻ thường nặng hơn. Ở trẻ em, tiên lượng xa khá tốt: khoảng 30% trẻ không cắt tuyến ức và 40% trẻ được cắt tuyến ức sẽ khỏi hoàn toàn.
4.Cách điều trị bệnh nhược cơ hiệu quả
Hiện nay, để điều trị nhược cơ dứt điểm còn gặp nhiều hạn chế. Bệnh có thể tái phát sau một khoảng thời gian dài . Trong quá trình điều trị bệnh, điều quan trọng nhất là cần kịp thời phát hiện và xử trí kịp thời các cơn nhược cơ, cấp cứu được tình trạng hôn mê và suy hô hấp của bệnh nhân.
Có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
– Thuốc
Các loại thuốc chữa bệnh nhược cơ cần thực hiện theo đúng chỉ định để làm nhẹ triệu chứng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, không chữa khỏi hoàn toàn được bệnh.
– Lọc máu
Áp dụng phương pháp lọc máu trong các trường hợp cấp cứu, biểu hiện suy hô hấp cấp. Phương pháp này sẽ giúp loại bỏ trực tiếp các tự kháng thể kháng acetylcholin trong máu của người bệnh.
– Ngoại khoa
Để làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh, có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức. Đây là phương pháp được áp dụng trong các trường hợp có các định bất thường tuyến ức hoặc trường hợp có tính chất cấp cứu. Tiếp tục dùng thuốc để điều trị bệnh sau khi phẫu thuật.
– Các biện pháp giúp duy trì một sức khỏe tốt
+ Chế độ ăn uống hợp lý
bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Đặc biệt, nên ăn đu đủ, chuối để bổ sung kali cần cho hoạt động của cơ. Bổ sung thực phẩm giàu canxi và những thức ăn, hoa quả mềm, dễ nuốt.
Bệnh nhược cơ kiêng ăn những gì?
* Không nên sử dụng đồ ăn có chất kích thích
* Tránh ăn thực phẩm chứa nhiều natri như rau quả đóng hộp, cá ngừ đóng hộp, thức ăn kiêng chế biến sẵn,…
* Tránh ăn các loại thực phẩm nào có chứa nhiều muối: thịt hun khói, súp đóng hộp,…
* Hạn chế ăn thực phẩm chất béo cao, những thức ăn cứng với chất xơ không hòa tan như rau sống, bột hoặc trái cây chưa gọt vỏ, ngũ cốc và bỏng ngô; thức ăn cay và các sản phẩm từ sữa (trừ sữa chua tốt cho hệ tiêu hóa).
+ Có chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Tránh vận động, làm việc với cường độ quá cao và liên tục.
+ Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, thư giãn, tránh căng thẳng, lo âu
+ Đến gặp bác sĩ ngay khi có các biểu hiện bất thường.
– Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh nhược cơ, người bệnh cần ghi nhớ các biện pháp sau:
+ Bổ sung kali. Thiếu kali làm cho tình trạng yếu liệt cơ nặng nề hơn.
+ Trong quá trình điều trị bệnh, cần phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn (răng miệng, hầu họng…) khi đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.
+Tránh những stress, căng thẳng, lo âu và giữ tinh thần thoải mái.
+ Không được tự ý ngưng sử dụng thuốc, hay dùng thêm các loại thuốc có thể gây yếu cơ như các thuốc an thần gây ngủ, thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật, không tự ý chuyển sang dùng các loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.
+ Cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý khi có các cơn nhược cơ tiến triển.