Bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn tính là hung thần cướp đi sinh mạng của nhiều bệnh nhân. Hiểu và lựa chọn các phương pháp chẩn đoán chính xác có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.
>> Máy tạo nhịp tim là gì
>> 8 Cách giảm nguy cơ bệnh tim
-
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn tính là gì?
Bệnh tim thiếu máu cục bộ (còn gọi là bệnh động mạch vành, bệnh mạch vành tim, bệnh suy vành) xảy ra khi động mạch vành bị hẹp, làm hạn chế cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho tim, gây tổn thương một phần cơ tim. Nếu tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ kéo dài quá lâu thì các mô tim sẽ bị chết do không được cung cấp máu.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể diễn tiến cấp tính hoặc mãn tính. Biểu hiện lâm sàng của bệnh suy vành mãn tính là cơn đau thắt ngực:
- Cơn đau thắt ngực ổn định: Thường gặp nhất;
- Cơn đau thắt ngực thay đổi: Hiếm gặp;
- Thiếu máu cơ tim yên lặng.
-
Triệu chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn tính
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gồm:
- Cảm thấy áp lực hoặc tức ngực, khó thở;
- Đau lưng, ngực, hàm và các cơ quan khác ở phần trên cơ thể, kéo dài một vài phút, giảm dần và tái phát;
- Buồn nôn, nôn;
- Đổ mồ hôi;
- Ho;
- Lo lắng, chóng mặt, nhịp tim nhanh.
-
Nguyên nhân thiếu máu cơ tim cục bộ mãn tính
Bệnh thiếu máu cơ tim chủ yếu do mảng xơ vữa tích tụ gây xơ cứng động mạch, làm hạn chế lưu lượng máu trong động mạch, không cung cấp đủ lượng máu mang oxy tới tim và các cơ quan khác. Nguyên nhân phổ biến gây xơ cứng động mạch dẫn tới thiếu máu cơ tim cục bộ mãn tính là:
- Cholesterol trong máu cao tạo thành mảng xơ vữa gây tắc nghẽn lưu thông máu tới tim và các cơ quan khác;
- Béo phì, ăn thực phẩm giàu chất béo gây tích tụ mảng xơ vữa động mạch;
- Lão hóa: khi bạn già đi, tim và mạch máu phải làm việc nhiều hơn để bơm và nhận máu trong khi động mạch bị suy yếu, kém đàn hồi, dễ tích tụ mảng xơ vữa;
- Hút thuốc lá;
- Người mắc bệnh đề kháng insulin, tiểu đường, cao huyết áp;
- Người bị viêm khớp, lupus ban đỏ, nhiễm trùng hoặc viêm không rõ nguyên nhân.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch;
- Ít tập thể dục, thường xuyên bị căng thẳng, sử dụng chất kích thích, tiền sử tiền sản giật khi mang thai.
-
Kiểm soát bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn tính như thế nào?
- Bỏ thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc;
- Điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ như tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol trong máu cao;
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế hấp thu chất béo bão hòa, ăn nhiều trái cây, rau quả và ngũ cốc, hạn chế ăn mặn;
- Tập thể dục đều đặn theo lời khuyên của bác sĩ để cải thiện lưu lượng máu đến tim;
- Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh;
- Giảm căng thẳng.
Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa và điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn tính chính là kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh như cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường không gây triệu chứng trong giai đoạn đầu. Bởi vậy, người bệnh cần chú trọng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm.