Tụt huyết áp là một bệnh lý thường gặp nhưng có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vậy đâu là biểu hiện của tụt huyết áp và làm sao để xử trí kịp thời, tránh những tình huống nguy hiểm xảy ra?
1.Thế nào là huyết áp và tụt huyết áp?
Huyết áp là áp lực máu trong động mạch giúp đưa máu đến nuôi dưỡng các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Bằng lực co bóp của tim và sức cản từ động mạch để tạo ra huyết áp.
Huyết áp được coi là một trong những thông số giúp đánh giá thể trạng sức khỏe của con người. Tụt huyết áp khiến cho não và các cơ quan khác của cơ thể không nhận đủ lượng máu cần thiết để cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng, điều này có thể dẫn đến thiếu máu lên não.
Không bao giờ có một con số cố định dành cho huyết áp, mà nó luôn dao động trong một khoảng giới hạn sinh lý cho phép. Tuy nhiên, khi số huyết áp xuống thấp hơn 90/60 mmHg một cách liên tục qua nhiều lần đo thì sẽ được gọi là tụt huyết áp.
Khi huyết áp xuống thấp, áp lực máu trong lòng mạch lúc này không đủ để tưới đến các cơ quan khiến các hoạt động diễn ra không còn hiệu quả, đặc biệt là hoạt động của hai cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể là não và tim. Vì vậy, bệnh cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy nhược cơ thể,…
2.Những biểu hiện khi bị tụt huyết áp
Huyết áp của chúng ta luôn được cơ thể giữ ổn định theo nhiều cơ chế khác, một người có huyết áp ở mức ổn định sẽ có số huyết áp dưới 120/80mmHg. Nếu bệnh nhân có số huyết áp tâm thu thấp dưới 90mmHg, số huyết áp tâm trương thấp dưới 60mmHg thì sẽ được coi là tụt huyết áp.
Khi huyết áp bị hạ đột ngột, người bệnh sẽ có biểu hiện mệt mỏi, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, đau ngực, hồi hộp, nặng hơn sẽ có thể thấy lơ mơ, lú lẫn, mất ý thức hoặc ngất xỉu, dễ gây ra tai nạn, chấn thương, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
3.Cách xử trí khi bị tụt huyết áp
Để sơ cứu người bị tụt huyết áp cần có thao tác thực hiện nhanh chóng và đúng cách để tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trước tiên, chúng ta cần phải xem xét người bệnh có tiền sử mắc tiểu đường hay không nếu không có thì loại bỏ khả năng bệnh nhân bị hạ đường huyết và tập trung cơ cứu tụt huyết áp.
Quá trình sơ cứu này cần thực các bước sau:
– Người sơ cứu cần có thái độ tỉnh táo, bình tĩnh trước tình huống, từ từ dìu người bệnh ngồi hoặc nằm xuống bề mặt phẳng, sau đó dùng gối kê đầu và chân, lúc này chú ý nên kêu gối cao hơn so với đầu.
– Cho người bệnh uống các loại nước có tính ấm nóng như trà gừng, nhân sâm, chè đặc, café,… hoặc thức ăn mặn sẽ giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu trở lại, tránh sử dụng đồ uống có cồn như bia, rượu. Nếu ngay lúc đó không có sẵn những thực phẩm như vậy thì hãy cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc, điều này có thể giúp kích thích nhịp tim, tạm thời nâng chỉ số huyết áp lên.
– Để bệnh nhân ăn một chút socola sẽ giúp bảo vệ thành mạch máu và giữ cho huyết áp được ổn định hơn.
– Bệnh nhân có thể uống thuốc nâng huyết áp, tuy nhiên phải là loại được bác sĩ kê đơn.
– Nếu tình trạng của bệnh nhân có dấu hiệu đã được cải thiện, hãy đỡ bệnh nhân từ từ ngồi dậy và nhắc họ cử động chân tay trước khi ngồi dậy.
– Nếu không thấy bệnh nhân đỡ hơn sau sơ cứu, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
4.Những điều cần biết để phòng tránh tụt huyết áp
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Những người có huyết áp thấp nên ăn những thức ăn mặn hơn người bình thường, không bỏ bữa, ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh, đa dạng các loại vitamin, đặc biệt là các loại thức ăn có nhiều chất xơ như gạo lứt, rau xanh, quả chín, đậu,… và các thực phẩm chứa nhiều acid béo omega 3 như cá hồi, cá thu,… Nên uống nhiều nước để giúp tăng thể tích máu và lưu ý cần tránh sử dụng các đồ uống có chứa cồn như rượu, bia,…
Chế độ sinh hoạt điều độ
Cần có một chế độ sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc và gối đầu thấp hơn chân. Chú ý không nên để bản thân làm việc quá sức hoặc thay đổi tư thế một cách đột ngột. Nếu như công việc yêu cầu phải thường xuyên đi đứng nhiều, người bị huyết áp thấp nên mang vớ áp lực để không xảy ra tình trạng máu dồn ứ ở chân và trở về tim thuận lợi hơn.
Song song đó, nên tập thể dục thường xuyên, kể cả đối với những người lớn tuổi để giúp giữ cho động mạch đàn hồi tốt, đảm bảo lưu lượng máu và huyết áp ở mức độ bình thường để đưa máu lên não. Cũng như nên học cách thư giãn, nghỉ ngơi như tập yoga, ngồi thiền để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi,…
Giữ tinh thần lạc quan
Chúng ta cũng cần giữ một tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh những cảm xúc tiêu cực, xúc động mạnh như lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, tuyệt vọng,… những điều này đều làm cho tình trạng huyết áp trở nên xấu đi.
Uống đủ nước
Ngoài ra, nếu phải làm việc hay hoạt động ngoài trời trong khoảng thời gian dài với điều kiện thời tiết nóng nực, khi đó nhiệt độ không khí và cơ chế giải nhiệt thông qua việc bài tiết mồ hôi sẽ khiến cơ thể bị mất đi một lượng nước đáng kể mà chúng ta không hề cảm nhận được.
Lúc này, cần bổ sung vào cơ thể đầy đủ lượng nước lọc hoặc các loại nước chứa những chất điện giải cần thiết. Đồng thời, người huyết áp thấp cần có sự phân bổ thời gian hợp lý, tránh hoạt động vào thời gian nắng chiếu gắt và cần xen kẽ một khoảng thời gian giải lao để có thể bồi đắp tuần hoàn, tránh để cho các tế bào cơ thể rơi vào tình trạng suy kiệt.
Theo dõi huyết áp thường xuyên
Cuối cùng, chúng ta cần chủ động theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà cho bản thân và gia đình để biết nắm rõ tình trạng sức khỏe và có những sự can thiệp, cải thiện kịp thời, từ đó tránh để xảy ra những hậu quả không đáng có.
Tóm lại, không chỉ bệnh tăng huyết áp mà tụt huyết áp cũng có sự nguy hiểm không kém, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu, can thiệp kịp thời. Nắm được những biểu hiện, cũng như cách xử trí khi có người tụt huyết áp là điều cần thiết để bảo vệ, cải thiện sức khỏe, tính mạng của chính mình và người thân trong gia đình.