Chấn thương thận ở trẻ nhỏ

Chấn thương thận ở trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ cao nhất trong các chấn thương hệ tiết niệu. Nhận biết sớm các dấu hiệu chấn thương thận giúp việc điều trị được thuận lợi hơn, tránh được những biến chứng nguy hiểm.

>> Lõm ngực bẩm sinh

>> Dị ứng sữa

Chấn thương thận ở trẻ nhỏ là gì?

Chấn thương thận ở trẻ nhỏ có tỷ lệ cao nhất trong các chấn thương kín của hệ tiết niệu. Thận là cơ quan nằm sau phúc mạc, được che phủ bởi vòm sườn, cột sống và khối cơ lưng ở phía sau. Chấn thương thận là tình trạng thận bị tổn thương gây ra bởi lực chấn thương từ bên ngoài tác động ngược chiều với lực bên trong của thận (máu và nước tiểu). Chấn thương thận ở trẻ nhỏ chiếm tỉ lệ khoảng 1-5% trường hợp chấn thương, bé trai gặp nhiều hơn bé gái.

Nguyên nhân gây chấn thương thận ở trẻ nhỏ chủ yếu do tai nạn giao thông (thường gặp nhất), tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn thể thao. 75% chấn thương thận ở trẻ em là thể nhẹ và xảy ra trên một tỷ lệ đáng chú ý thận bất thường: Thận lạc chỗ, thận xoay không hoàn toàn, thận bất sản, bất thường đoạn nối bể thận – niệu quản, u nguyên bào thận.

Dấu hiệu chấn thương thận ở trẻ em

  • Đau vùng thắt lưng, đau tăng dần sau chấn thương
  • Chướng bụng, nôn
  • Đái ra máu: Nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ (trường hợp nặng có máu cục máu đông trong bàng quang gây tiểu khó). Dấu hiệu này rất có giá trị để bác sĩ đánh giá và tiên lượng mức độ chấn thương thận vì vậy bố mẹ hãy chú ý theo dõi nước tiểu của trẻ.
  • Trẻ bị nhiễm trùng có dấu hiệu sốt, đau tức vùng hạ sườn (nếu trẻ đến muộn) do khối máu tụ hoặc nước tiểu bị rỉ ra.
  • Xuất hiện khối căng gồ vùng mạn sườn thắt lưng do máu tụ đẩy lên.
  • Các tổn thương khác như: Rách da, gãy xương, vỡ bàng quang….
  • Sốc có dấu hiệu: Choáng, da xanh, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt là biểu hiện nặng nề nhất khi trẻ bị chấn thương vỡ thận.

Điều trị chấn thương thận ở trẻ nhỏ

Nguyên tắc điều trị chấn thương thận ở trẻ em gồm có: Cầm máu, bảo tồn thận bị chấn thương, tránh các biến chứng, cụ thể:

  • Cho bệnh nhi nằm bất động tại giường
  • Đặt ống thông niệu đạo – bàng quang lưu để giúp dễ dàng theo dõi tình trạng tiểu máu
  • Chườm lạnh vùng thận
  • Truyền dịch, truyền máu (nếu cần)
  • Thuốc: Kháng sinh, giảm đau, cầm máu, lợi tiểu …
  • Phẫu thuật (tùy mức độ cụ thể)
  • Điều trị các tổn thương phối hợp khác.

Nếu quá trình điều trị thuận lợi thuận lợi, bệnh nhi có mạch, huyết áp ổn định, hết đái máu, khối máu tụ nhỏ dần, không sốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng, các tổn thương phối hợp ổn định thì có thể được xuất viện. Để bệnh nhi nghỉ ngơi tại nhà, tránh các hoạt động mạnh, chạy nhảy trong 3 tháng sau chấn thương.

Trong vòng 3 tháng đầu sau xuất viện, bệnh nhi cần được tái khám định kỳ mỗi tháng để được theo dõi: Hình ảnh học, phân tích nước tiểu, chức năng thận, huyết áp… nhằm phát hiện các biến chứng muộn của chấn thương thận.

Để phòng ngừa chấn thương thận ở trẻ em, bố mẹ nên lưu ý cho trẻ tham gia giao thông an toàn, thận trọng trong sinh hoạt và tập luyện thể dục thể thao, tránh bạo lực. Nếu nghi ngờ có chấn thương thận cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top