Ở trẻ em, suy tim cấp thường tiến triển nhanh và nặng nề trong khi các dấu hiệu lâm sàng lại kín đáo, nên việc chẩn đoán nhanh và xử trí cấp cứu ban đầu kịp thời gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Dinh dưỡng và chăm sóc hỗ trợ là một trong những nguyên tắc điều trị suy tim cấp ở trẻ rất quan trọng.
>> Chăm sóc bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối
-
Suy tim cấp là gì?
Suy tim cấp (STC) là tình trạng cơ tim mất đột ngột khả năng đảm bảo lưu lượng nên không đáp ứng được các nhu cầu chuyển hóa của cơ thể.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra STC ở trẻ em, thay đổi theo lứa tuổi, khu vực địa lý. Triệu chứng chính là suy tim trái hoặc suy tim toàn bộ nhanh chóng. Bệnh cảnh lâm sàng là một tình trạng giảm nặng cung lượng tim đột ngột mất bù, giống như sốc tim, với các biểu hiện là suy tuần hoàn ngoại vi cấp tính cùng với các biểu hiện ứ máu ngoại biên và trung tâm.
-
Nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị suy tim
Nghỉ ngơi tại giường với trường hợp nặng, nằm đầu cao, cổ hơi ngửa;
Hạn chế dịch, thực hiện chế độ ăn giảm muối 1 – 2g/ngày;
Ăn thức ăn giàu năng lượng (1 kcal/ml), để tránh quá tải dịch (< 100ml/kg/24 giờ) cần ăn làm nhiều bữa nhỏ, giúp giảm gánh nặng cho tim và hệ tiêu hóa;
Tránh táo bón và mọi hoạt động gây gắng sức, tránh quá nóng hoặc quá lạnh đột ngột;
Tránh các thực phẩm sinh hơi vì làm cho túi hơi trong dạ dày đẩy cơ hoành lên ảnh hưởng đến tim khi bệnh nhân nằm. Sau khi ăn xong nên nghỉ ngơi khoảng 30 – 40 phút và bữa ăn phải xa giờ ngủ ban đêm khoảng 3 giờ;
Đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân trước khi tiến hành can thiệp về dinh dưỡng;
Việc quản lý chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy tim bắt đầu từ việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Trẻ nên đạt được cân nặng mong muốn và theo dõi cân nặng thường xuyên. Nhu cầu năng lượng thay đổi theo trọng lượng cơ thể trẻ. Tuy nhiên cần hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ có bệnh lý tim mạch có suy nhược và suy dinh dưỡng;
Hướng dẫn cho trẻ và bà mẹ thực hiện chế độ ăn cân bằng dưỡng chất, giàu trái cây và rau tươi, vì đó là nguồn cung cấp các chất điện giải và vitamin;
Chế độ hạn chế nước thực sự không cần thiết đối với bệnh nhân suy tim mức độ nhẹ và trung bình. Tuy nhiên không khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước, nhu cầu nước hàng ngày nên nằm trong khoảng 1000 – 1200ml/ngày. Đối với các trường hợp hạ natri máu, suy thận nặng, suy tim nặng, kháng lợi tiểu, bệnh nhân cần hạn chế lượng nước uống bằng lượng nước tiểu ngày hôm trước + 15ml/kg/ngày;
Nồng độ magne, kali, calci nên được theo dõi và cung cấp thêm các chất điện giải này khi cần. Bổ sung vitamin B1 cho bệnh nhân sử dụng lợi tiểu tác dụng trên quai Henle liều cao dài ngày. Bổ sung hàng ngày vitamin và các khoáng chất có thể có lợi cho bệnh nhân suy tim.
-
Khuyến nghị dinh dưỡng cho bệnh nhân suy tim
Nhu cầu muối
Muối là nguồn cung cấp natri chính trong khẩu phần ăn. Muối chứa 40% natri, vì thế 1 thìa café muối có 6 gam muối sẽ chứa 2.4g natri (tương đương 2400mg natri). Vậy cứ 1 gam muối ăn sẽ cho 400mg natri.
Nhu cầu muối theo mức độ suy tim được khuyến nghị như sau:
- Suy tim nặng (suy tim không hồi phục – suy tim giai đoạn 4), suy tim sung huyết, phù phổi cấp hay phù nặng: Hạn chế muối ở mức độ < 1g/ngày;
- Suy tim nhẹ (giai đoạn 1 và 2 theo NYHA): Hạn chế muối 2 – 3g/ngày;
- Suy tim mạn đang điều trị tại nhà: Hạn chế muối ở mức 2 – 3g/ngày.
- Ngoài muối, natri còn hiện diện trong nhiều loại thực phẩm khác và trong một số phụ gia thực phẩm (như bột ngọt, bột nêm, bột canh…) nên cần tính toán tổng lượng natri trong khẩu phần bao gồm:
Tính toán lượng natri trong thực phẩm: Dựa trên hàm lượng natri trong mỗi đơn vị thực phẩm (serving size) được ghi chú trên nhãn của thực phẩm. Ví dụ: 1 serving size của bánh quy là 5 cái bánh, hàm lượng natri trong mỗi serving size là 140mg. Nếu ăn 10 cái bánh quy nghĩa là tiêu thụ 280mg natri. Tính toán và ghi chép cẩn thận lượng natri trong từng thức ăn sẽ giúp bệnh nhân dễ tuân thủ trong chế độ ăn giảm muối bằng cách cân bằng giữa những thức ăn nhiều natri và ít natri;
Nên sử dụng thức ăn tươi, tránh sử dụng thức ăn đã qua chế biến như đồ hộp, tương ớt, xúc xích, bánh snack;
Chọn mua những thực phẩm có dán nhãn “unsalted” (không có muối trong quá trình chế biến), “sodium – free” (ít hơn 5mg natri trong mỗi serving) hay “low – sodium” (ít hơn 140 mg natri mỗi serving). Tuy nhiên, những thức ăn có dán nhãn “reduced – sodium” vẫn có thể còn chứa rất nhiều natri.
Nhu cầu nước
Nhu cầu nước theo mức độ suy tim được khuyến nghị như sau:
- Suy tim mức độ nhẹ đến vừa, chức năng thận còn tốt: Không cần chế độ hạn chế nước. Tuy nhiên cũng không uống quá nhiều nước trong ngày, nhu cầu nước trung bình khoảng 1000 – 1200ml/ngày;
- Suy tim nặng có kèm hạ natri máu, suy thận nặng, kháng thuốc lợi tiểu: Nhu cầu nước mỗi ngày tính bằng tổng lượng nước tiểu ngày hôm trước + 15ml/kh/ngày.
- Nước trong khẩu phần bao gồm nước uống, sữa, hoa quả; nước trong cháo, súp, canh… và trong dịch truyền.
- Để kiểm soát bilan dịch hàng ngày, bệnh nhân nên được ghi chép đầy đủ lượng dịch vào (qua sữa, thuốc, nước uống) và lượng dịch ra (phân, nước tiểu), theo 24h hoặc 6h/lần nếu bệnh nhân nặng để có thể điều chỉnh kịp thời.