Khi biết mình có bé, với những người đầu tiên làm mẹ, hẳn bạn sẽ khá băn khoăn và lo lắng không biết mình nên đi khám thai khi nào? Có thai mấy tuần thì đi siêu âm được? Có rất nhiều câu hỏi mà nhiều chị em thắc mắc, đặc biệt là chị em đang mong ngóng lần đầu làm mẹ.
Siêu âm thai là gì?
Siêu âm là một phương pháp khảo sát hình ảnh học bằng cách cho một phần của cơ thể tiếp xúc với sóng âm có tần số cao để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể.
Siêu âm không sử dụng các phóng xạ ion hóa (như X quang), nên không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé. Do hình ảnh siêu âm được ghi nhận theo thời gian thực nên nó có thể cho thấy hình ảnh cấu trúc và sự chuyển động của các bộ phận bên trong cơ thể kể cả hình ảnh dòng máu đang chảy trong các mạch máu.
Siêu âm là một khảo sát y học không xâm lấn (không gây chảy máu) giúp cho các bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị bệnh. Đặc biệt được sử dụng rộng rãi trong kiểm tra thai, cũng như theo dõi quá trình phát triển của thai nhi theo từng giai đoạn.
Sau bao lâu thì siêu âm có thai?
Khi mang thai, bao lâu sau thì bạn có thể siêu âm để phát hiện ra?
Sau khi quan hệ và trứng được thụ tinh, cần khoảng từ 7 – 10 ngày để trứng được thụ tinh di chuyển vào tử cung, bám vào lớp niêm mạc và bắt đầu làm tổ. Tất nhiên quá trình trên nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của chị em, trung bình lại thì cần khoảng 9 – 12 ngày.
Tuy nhiên, chúng ta không thể nào xác định chính xác ngày thụ tinh, bởi vậy tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng.
Giả sử ngày thụ tinh gần với ngày bắt đầu chu kỳ kinh mới, thì thai nhi sẽ hình thành sau khi chậm kinh từ 9 – 12 ngày.
Thời điểm siêu âm kiểm tra có thai hay chưa khá quan trọng, bởi nó giúp dự tính ngày sinh chính xác, cũng như lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe mà những lần siêu âm kế tiếp.
Có thai mấy tuần thì siêu âm được
Thông thường, mỗi thai kỳ mẹ bầu chỉ cần siêu âm khoảng 4 lần: 1 lần kiểm tra có thai hay chưa, 3 lần sau là kiểm tra theo lịch định kỳ mà bác sĩ tư vấn để theo dõi tình hình phát triển của thai nhi.
Giai đoạn tuần 5-6
Đây là thời điểm siêu âm lần đầu tiên để kiếm tra bạn có mang thai hay không, nếu có thì lúc này thai nhi đã ổn định trong tử cung và bắt đầu quá trình phân chia tế bào để hình thành cơ thể.
Giai đoạn tuần 12-14
Thời điểm này, thai nhi đã phát triển khá rõ, siêu âm giúp cho bác sĩ xác định độ mờ của gáy và những bất thường từ nhiễm sắc thể nếu có.
Nếu có biểu hiện dị tật bẩm sinh thì bác sĩ sẽ nghi ngờ và thông báo ngay, đồng thời yêu cầu kiểm tra, theo dõi thêm để xác minh chính xác.
Giai đoạn tuần 21-24
Các cơ quan trong cơ thể bé đã hình thành, qua siêu âm bạn có thể nhìn thấy được cơ thể thai nhi hoàn chỉnh với các bộ phần như hộp sọ, cột sống, tim, phổi, chân, tay…
Nếu có dị tật bẩm sinh thì đây là thời điểm tốt nhất để kiểm tra, phát hiện chính xác nhất.
Giai đoạn tuần 30-32
Đây là lần kiểm tra sát với thời điểm sinh nở nhất, khi siêu âm, bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng nước ối, vị trí thai, và sự phát triển thể chất, cân nặng của bé.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm để xác định các dị tật về tim mạch và não bộ.