Hiểu về các dấu hiệu khi bị đột quỵ, bao gồm cả những biểu hiện cụ thể theo giới tính có thể giúp bạn cũng như người đối diện xử trí nhanh chóng và chính xác hơn. Đừng bỏ lỡ nội dung hữu ích dưới đây nhé.
>> Những thói quen của phụ nữ gây đột quỵ
>> Làm thế nào với di chứng của tai biến mạch máu não
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ còn (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do không được cung cấp máu kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, khiến một hoặc nhiều vùng não thiếu oxy. Khi đó, các cơ quan do vùng não này kiểm soát sẽ mất khả năng hoạt động, nặng có thể gây tử vong, nhẹ thì để lại nhiều di chứng như: Liệt, méo mặt, mờ mắt, điếc tai, suy giảm trí nhớ…
Đột quỵ được chia thành 2 thể chính:
Thể thiếu máu não cục bộ (còn gọi là nhồi máu não): Đây là trường hợp trong mạch máu xuất hiện các cục máu đông và chúng di chuyển lên não. Khi đi tới nơi hẹp, chúng tắc lại, chặn máu đi lên nuôi các tế bào não. Thể thiếu máu não cục bộ chiếm khoảng 80% tổng số ca đột quỵ.
Thể xuất huyết não: Đây là tình trạng một mạch máu trong não bị vỡ, máu tràn ra và thấm vào các mô não xung quanh, khiến chúng tổn thương. Thể này chiếm gần 15% tổng số ca đột quỵ.
Những dấu hiệu đột quỵ điển hình
Khi bị đột quỵ, dù là nam hay nữ thì người bệnh cũng thường có những dấu hiệu điển hình như:
– Chảy cơ mặt: Dù cố gắng mỉm cười nhưng một bên cơ mặt người bệnh vẫn rủ xuống, mất cân đối rõ rệt.
– Tay và chân buông thõng: Người bệnh không thể nhấc một bên tay và chân. Chúng trở nên vô lực, buông thõng như “không phải tay chân mình”.
– Khó nói chuyện: Người bị đột quỵ có thể mất khả năng ngôn ngữ với những biểu hiện như: Đột nhiên nói ú ớ, nói ngọng, không hiểu người khác đang nói gì…
Để tìm hiểu thêm về những dấu hiệu của bệnh đột quỵ, mời bạn cùng lắng nghe những chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Văn Quýnh trong video sau:
Dấu hiệu của bệnh đột quỵ giữa nam và nữ có gì khác biệt?
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, đột quỵ xảy ra nhiều hơn ở nam giới nhưng tỷ lệ phụ nữ tàn tật và tử vong vì bệnh này lại lớn hơn. Điều này được lý giải rằng, độ tuổi bị đột quỵ của nam giới thường thấp hơn, do đó cơ thể có khả năng phục hồi tốt hơn.
Dấu hiệu của đột quỵ ở cả 2 giới có nhiều điểm giống nhau, bao gồm 3 biểu hiện đặc trưng đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, tìm hiểu một cách cụ thể, dấu hiệu của bệnh đột quỵ giữa nam và nữ vẫn tồn tại một số khác biệt nhỏ. Đó là dấu hiệu đột quỵ phổ biến nhất ở nam giới là tình trạng mất thăng bằng, tê yếu một bên cơ thể. Nam giới sẽ cảm nhận thấy rõ rệt một nửa cơ thể đột ngột tê bì, mất sức. Phụ nữ cũng có thể gặp tình trạng này, nhưng không mạnh mẽ, nghiêm trọng như nam giới.
Trong khi đó, lúc cơn đột quỵ khởi phát, phụ nữ lại có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với những tình trạng khác, chẳng hạn như: Đau đầu, chóng mặt, nhầm lẫn,… Đặc biệt, ngáp và nấc cụt là 2 dấu hiệu đột quỵ thường xảy ra ở phụ nữ nhưng thường không được để ý tới cũng như rất khó nhận biết.
Cách xử lý khi có dấu hiệu đột quỵ
Đột quỵ là một tình trạng khẩn cấp, cần được xử trí nhanh chóng và đúng cách để giảm nguy cơ tử vong cũng như hạn chế các di chứng. Chính vì vậy, khi nhận thấy người đối diện có những dấu hiệu của bệnh đột quỵ như trên, bạn cần xử trí như sau:
– Gọi cấp cứu: Đây là thao tác đầu tiên bạn cần thực hiện. Các chuyên gia y tế có thể bắt đầu quá trình cấp cứu ngay trên xe cứu thương. Nếu điều kiện địa lý không thuận tiện để gọi xe cấp cứu thì bạn có thể tự đưa người thân đến trung tâm y tế gần nhất. Chú ý trong quá trình vận chuyển, cần giữ cho người bệnh được nằm hoặc ngồi ở tư thế ổn định, ít va chạm nhất.
– Sơ cứu: Trong thời gian chờ xe cứu thương, hãy theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Cần đặt người bệnh nằm ở nơi thông thoáng, tư thế nằm ổn định, đầu kê lên một góc khoảng 30% và hơi nghiêng. Nếu người bệnh nôn mửa, khó thở, trong miệng có đờm nhớt thì cần hút sạch để tạo đường thở, hạn chế tối đa nguy cơ chết não. Có thể thực hiện hồi sức tim phổi nếu tình trạng khó thở quá nghiêm trọng và người bệnh rơi vào hôn mê.
Nếu trong nhà có sẵn thiết bị hỗ trợ thì bạn hãy đo huyết áp, nhịp tim cũng như chỉ số đường huyết của người bệnh trong khi chờ xe cứu thương đến.
– Tuyệt đối không cho người bệnh ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì nếu không có sự hướng dẫn của chuyên gia.