Nếu mắc đau nửa đầu thường xuyên, thì bạn cần phải chú ý nhiều hơn đến sức khỏe tim mạch của bản thân. Do các nghiên cứu cho thấy người mắc chứng đau nửa đầu có nhiều khả năng bị đột quỵ và đau tim. Người bệnh phải biết về rủi ro và theo dõi các dấu hiệu sớm của bệnh tim hoặc đột quỵ.
-
Nghiên cứu về bệnh đau nửa đầu liên quan đến bệnh tim và đột quỵ
Một nghiên cứu gần đây tại Đan Mạch được đăng tại trên tạp chí BMJ cho thấy người có chứng đau nửa đầu làm gia tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về tim mạch, bao gồm đau tim, đột quỵ, rung tâm nhĩ và hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch.
Chứng đau nửa đầu xem là rối loạn đau đầu với các triệu chứng như đau dữ dội hoặc đau nhói, buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Tuy nhiên, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên liên quan đến chứng đau nửa đầu và các vấn đề về tim. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy có mối liên quan giữa chứng đau nửa đầu và nguy cơ đột quỵ và đau tim, đặc biệt là ở phụ nữ.
Trong nghiên cứu được đăng tải trên BMJ, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của khoảng 51.000 người ở Đan Mạch bị đau nửa đầu và khoảng 510.000 người không mắc bệnh này. Những người trong nhóm đau nửa đầu được chẩn đoán bệnh trung bình khi họ 35 tuổi và 71% trong số họ là phụ nữ. Sau 19 năm theo dõi, nghiên cứu xác định rằng những người bị chứng đau nửa đầu có nguy cơ đau tim tăng gấp 1,5 lần và tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ so với những người không bị đau đầu. Bên cạnh đó, những người bị chứng đau nửa đầu, nguy cơ hình thành cục máu đông cao gấp 1,6 lần và nguy cơ rung tâm nhĩ cao hơn 1,3 lần so với những người không bị đau nửa đầu.
-
Một số triệu chứng người bệnh cần lưu ý
Đột quỵ
Các bác sĩ chưa biết liệu điều trị chứng đau nửa đầu có giúp giảm tỷ lệ nguy cơ mắc đột quỵ hay không. Tuy nhiên, các biện pháp sau đây luôn hiệu quả để giảm nguy đột quỵ:
- Giữ huyết áp ở mức bình thường
- Đưa mức cholesterol về phạm vi cho phép
- Giảm cân nếu cần thiết
- Duy trì tập thể dục
- Không hút thuốc lá
Đến viện khẩn cấp hoặc gọi 115 nếu người bệnh có bất kỳ dấu hiệu đột quỵ nào, như:
- Mất thị lực đột ngột
- Cánh tay yếu
- Nói lắp
- Méo miệng
Bệnh tim mạch
Gặp bác sĩ nếu người thân hoặc bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh tim:
- Đau ngực
- Khó thở, ngất xỉu, chóng mặt
- Đau, tê, yếu hoặc lạnh ở chân hoặc cánh tay
- Rung động trong ngực hoặc nhịp tim chậm hoặc nhanh bất thường
Cục máu đông
Do các cơn đau tim và đột quỵ là do nguyên nhân tắc nghẽn trong các mạch máu ở tim hoặc não, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi chứng đau nửa đầu có liên quan đến hình thành các cục máu đông ở các vị trí khác trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ mắc chứng đau nửa đầu có sử dụng các biện pháp tránh thai bằng thuốc nội tiết tố có nhiều khả năng bị cục máu đông, bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu, thường hình thành ở một trong hai chân và có thể gây đau hoặc sưng.
Do đó, nếu bị đau nửa đầu trong thời gian dài và đang sử dụng biện pháp tránh thai bằng các thuốc nội tiết tố, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để xem liệu bạn có nguy cơ hình thành cục máu động hay không và nếu có, thì cần làm gì để giảm khả năng hình thành cục máu đông và các biến chứng của nó.