Đau xương bánh chè có thể liên quan đến tình trạng hao mòn tự nhiên, các chấn thương đầu gối hoặc các tình trạng y tế cần điều trị khẩn cấp. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị phù hợp để tránh các rủi ro và biến chứng không mong muốn.
Đau xương bánh chè là gì?
Đầu gối là một cấu trúc phức tạp bao gồm sự kết hợp của xương bánh chè, xương chày (xương ống chân) và xương đùi. Xương bánh chè bao gồm nhiều gân, dây chằng để thực hiện các hoạt động chạy, nhảy và kết nối với các mạch máu.
Xương bánh chè cũng là trung tâm của khớp gối, chịu khoảng 30% lực tác động và mở rộng chân. Điều này khiến xương rất dễ bị tác động, tổn thương dẫn đến hao mòn tự nhiên.
Các vấn đề ở xương bánh chè thường dẫn đến tình trạng đau đớn cục bộ hoặc xung quanh khu vực xương bánh chè. Thông thường các triệu chứng xuất hiện sau các hoạt động cụ thể như leo cầu thang (đặc biệt là đi xuống), quỳ hoặc ngồi quá lâu.
Nếu nhận thấy các cơn đau hoặc các bệnh lý liên quan đến xương bánh chè, người bệnh nên đến bệnh viện để xét nghiệm chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết đau xương bánh chè
Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau có thể dẫn đến đau và khó chịu ở xương bánh chè. Một số tình trạng phổ biến bao gồm:
1.Trật khớp
Trong một số trường hợp xương bánh chè có thể bị trượt ra khỏi vị trí ban đầu và gây đau. Tình trạng này thường phổ biến ở những người thay đổi vị trí chân một cách đột ngột hoặc nhảy và tiếp đất không đúng tư thế.
Các dấu hiệu hiệu và triệu chứng trật khớp đầu gối bao gồm:
- Các khớp ở đầu gối có vẻ thay đổi vị trí và khiến đầu gối hơi nhô ra mặc dù người bệnh vẫn có thể di chuyển bình thường
- Sưng đầu gối
- Có âm thanh và tiếng nứt nhỏ ở khớp gối
- Đau đớn dữ dội
- Không thể duỗi thẳng hoặc uốn cong chân, trong một số trường hợp người bệnh có thể không đi lại được
- Sưng khớp gối đột ngột
2.Gãy xương bánh chè
Gãy xương bánh chè là một chấn thương nghiêm trọng và thường xảy ra khi té ngã. Bên cạnh đó, các tai nạn tác động lực trực tiếp vào xương bánh chè, như tai nạn giao thông, cũng có thể dẫn đến gãy xương và gây đau đớn dữ dội.
Các dấu hiệu gãy xương bánh chè bao gồm:
- Xuất hiện vết bầm tím trên đầu gối
- Người bệnh không thể di chuyển
- Không thể co duỗi đầu gối hoặc nâng cao chân
- Gãy xương bánh chè là tình trạng nghiêm trọng, đôi khi có thể cần 6 – 8 tuần để hồi phục. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để tiến hành điều trị phù hợp và tránh các rủi ro không mong muốn.
3.Tổn thương gân xương bánh chè
Các gân xương bánh chè bắt đầu từ cơ đùi, quấn quanh xương bánh chè và kết nối với đỉnh xương ống chân. Các tổn thương ở gân có thể dẫn đến đau xương bánh chè và khiến người bệnh không thể duỗi thẳng đầu gối.
Các dấu hiệu tổn thương hoặc rách gân xương bánh chè phổ biến bao gồm:
- Đau xương bánh chè
- Cứng khớp gối
- Sưng và bầm tím ở khu vực phía trước khớp gối
- Xuất hiện một điểm mềm ở đầu gối
- Gây khó khăn khi di chuyển hoặc chơi thể thao
Các tổn thương nhẹ cần 3 – 6 tuần để hồi phục. Người bệnh có thể cần hạn chế vận động và thực hiện vật lý trị liệu để cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, đối với các tổn thương lớn, bao gồm rách gân, người bệnh có thể cần phẫu thuật và mất 6 – 8 tuần để gân lành lại.
4.Viêm gân bánh chè
Viêm gân bánh chè hay viêm gân xương bánh chè, là một thuật ngữ để mô tả tình trạng tổn thương, hư hỏng và làm mềm các sụn ở mặt dưới của xương bánh chè. Tình trạng có thể gây đau xương bánh chè và đau ở khu vực xung quanh.
Đây là một chấn thương gân phổ biến ở những vận động viên chơi các môn thể thao như bóng rổ hoặc bóng chuyền. Ngoài ra, bệnh nhân viêm khớp gối hoặc thoái hóa khớp gối cũng có thể phát triển tình trạng viêm gân bánh chè.
Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Đau xương bánh chè hoặc đau đầu gối khi uốn cong hoặc mở rộng
- Xuất hiện cơn đau âm ỉ khi đi xuống cầu thang hoặc đứng dậy khỏi ghế khi đang ngồi
- Có cảm giác nứt hoặc ma sát đầu gối khi di chuyển
- Cơn đau có xu hướng trở nên nghiêm trọng khi đứng hoặc tạo áp lực lên khớp gối trong một thời gian dài
- Sưng và viêm xung quanh khu vực xương bánh chè
5.Hội chứng đau xương bánh chè
Hội chứng đau xương bánh chè là một thuật ngữ để mô tả các cơn đau ở đầu gối. Tình trạng này thường phổ biến ở các vận động viên điền kinh hoặc người thường xuyên chạy bộ. Ngoài ra, lạm dụng khớp gối, tác động lực trực tiếp, trật khớp gối và các vấn đề với bàn chân cũng có thể dẫn đến hội chứng này.
Đau đớn ở xương bánh chè là dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất. Bên cạnh đó, các dấu hiệu khác có thể bao gồm:
Đau ở phía trước xương bánh chè hoặc có thể gây đau đớn ở các khu vực xung quanh
Khi gập đầu gối lúc đi bộ, ngồi xổm, quỳ, chạy hoặc đứng dậy khỏi ghế có thể dẫn đến các cơn đau và mất thăng bằng
Các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh lên xuống cầu thang hoặc các con dốc
Ngoài ra, khu vực xung quanh xương bánh chè (đầu gối) có thể bị sưng nhẹ, có âm thanh nứt hoặc có cảm giác ma sát ở đầu gối.
6.Xương bánh chè không ổn định
Xương bánh chè di chuyển qua một rãnh hình chữ V bên trong xương đùi. Nếu rãnh này không đủ sâu hoặc không đều, có thể dẫn đến sự mất ổn định ở xương bánh chè. Tình trạng này khiến xương bánh chè trượt khỏi vị trí ban đầu nhưng không hoàn toàn trật khỏi khớp cố định.
Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng các triệu chứng có thể bao gồm gây đau xương bánh chè, dị tật hoặc cong khớp gối. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật để ổn định xương bánh chè và giữ cho xương di chuyển đúng hướng.
7.Viêm bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch là các túi nhỏ chứa chất lỏng, hỗ trợ giảm ma sát giữa xương và các mô mềm. Khi bị viêm, các bao hoạt dịch ở phía trước của đầu gối bị kích thích, sưng lên và gây áp lực lên cấu trúc đầu gối.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm bao hoạt dịch ở khớp gối bao gồm:
- Cứng khớp gối
- Đau xương bánh chè
- Sưng đầu gối
- Da đầu gối chuyển sang màu đỏ
Trong một số trường hợp, viêm bao hoạt dịch có thể gây xuất huyết bên trong khớp. Điều này có thể gây nhiễm trùng, gây bệnh viêm khớp và cần điều trị y tế ngay lập tức để tránh các rủi ro không mong muốn.
Biện pháp điều trị đau xương bánh chè
Việc điều trị đau xương bánh chè phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện để chẩn đoán và xác định nguyên nhân cụ thể.
Thông thường, các biện pháp xử lý và điều trị thường bao gồm:
1.Gãy xương bánh chè
Gãy xương bánh chè là một tình trạng nghiêm trọng và cần điều trị y tế ngay lập tức. Nếu tình trạng gãy xương không nghiêm trọng (cách mảng vỡ không rời khỏi vị trí ban đầu) bác sĩ có thể chỉ định nẹp cố định khớp gối để khi xương lành lại. Người bệnh có thể cần 6 – 8 tuần để có thể đi lại bình thường.
Đối với tình trạng gãy xương nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần phẫu thuật điều trị. Bác sĩ có thể sử dụng ốc vít, đinh ghim hoặc dây y tế để cố định các mảnh xương gãy.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể được yêu cầu luyện tập vật lý trị liệu để ngăn ngừa tình trạng cứng khớp gối, tăng cường phạm vị chuyển động và cải thiện sức mạnh ở chân.
2.Tổn thương gân xương bánh chè
Các biện pháp điều trị tổn thương (hoặc rách) gân xương bánh chè phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Cụ thể biện pháp điều trị thường bao gồm:
Đối với tổn thương nhẹ: Bác sĩ có thể chỉ định nẹp cố định xương bánh chè trong 3 – 6 tuần để giữ thẳng đầu gối cho đến khi gân lành hẳn.
Đối với tổn thương nghiêm trọng: Hầu hết các trường hợp người bệnh cần phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Thời gian hồi phục mất 6 – 8 tuần và mất khoảng 1 năm để phục hồi các chức năng bình thường ở khớp gối.
3.Viêm gân bánh chè
Viêm gân xương bánh chè thương có thể tự điều trị bằng các phương pháp chăm sóc cơ bản như nghỉ ngơi và thuốc giảm đau không kê đơn. Các biện pháp phổ biến thường bao gồm:
Xoa bóp, massage nhằm giảm đau, sưng và tăng tính linh hoạt ở khớp.
Thực hiện các bài tập tăng cường sức khỏe cơ đùi và đầu gối.
Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như dây đeo gân bánh chè để giảm áp lực lên gân.
Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định tiêm Cortisone để giảm đau và sưng. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc có thể dẫn đến suy yếu gân và tăng nguy cơ rách gân xương bánh chè.
Ngoài ra, mặc dù hiếm khi cần thiết nhưng một số người có thể cần phẫu thuật để chữa lành các mô bị hỏng và phục hồi gân.
4.Hội chứng đau xương bánh chè
Thông thường Hội chứng đau xương bánh chè có liên quan đến tình trạng lạm dụng và áp lực quá mức lên xương. Do đó, các triệu chứng thường được cải thiện bằng các phương pháp chăm sóc tại nhà và thuốc giảm đau không kê đơn.
Các biện pháp phổ biến bao gồm:
Nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gây đau và không gây áp lực lên khớp gối.
Chườm lạnh trong 20 phút mỗi lần có thể giảm đau và cải thiện các triệu chứng. Người bệnh có thể chườm lạnh nhiều lần trong ngày hoặc bất cứ khi nào cảm thấy cần thiết.
Băng hoặc nẹp khớp gối bằng miếng băng có thể co giãn và có lỗ mở ở xương bánh chè. Điều này có thể hạn chế các cử động không cần thiết và không gây áp lực lên xương bánh chè.
Nâng cao chân khi ngồi và nằm có thể hạn chế lưu lượng máu lưu thông đến khớp gối và ngăn ngừa các cơn đau.
Thực hiện vật lý trị liệu để cải thiện sức mạnh ở đầu gối, tăng phạm vị di chuyển ở đùi, hông, bụng và lưng dưới.
5.Trật khớp
Tình trạng trật khớp và xương bánh chè không ổn định có thể được có định bằng nẹp để tránh các chuyển động không cần thiết. Điều này có thể kéo dài trong khoảng 1 – 2 tuần, sau đó bác sĩ có thể đề nghị vật lý trị liệu trong 1 – 3 tháng để phục hồi phạm vi hoạt động ở khớp gối.
Nếu trật khớp hoàn toàn, bác sĩ có thể nắn lại xương để đẩy xương bánh chè về vị trí ban đầu. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần phẫu thuật ổn định xương, sụn sau xương bánh chè hoặc thắt chặt các gân để cải thiện các triệu chứng.
6.Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch thường liên quan đến các chấn thương nhẹ và có thể được cải thiện tại nhà bằng các phương pháp như:
- Tránh các hoạt động gây áp lực và gây đau xương bánh chè
- Chườm lạnh trong 20 phút mỗi lần và 3 – 4 lần mỗi ngày
- Nâng cao đầu gối khi nằm hoặc ngồi
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn
Nếu các biện pháp này không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị hút dịch khớp hoặc tiêm cortisone để giảm đau và sưng. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.
Biện pháp phòng ngừa đau xương bánh chè
Không thể phòng ngừa tất cả các chấn thương và bệnh lý liên quan đến xương bánh chè. Tuy nhiên, người bệnh có thể tăng cường sức mạnh ở khớp gối và ngăn ngừa các nguy cơ bằng một số lưu ý như:
Đi giày phù hợp với chân và các hoạt động.
Dành thời gian khởi động, làm nóng cơ thể trước khi chơi thể thao hoặc vận động
Thực hiện các bài tập và động tác tăng cường sức khỏe khớp gối và giữ cơ đùi luôn linh hoạt
Nếu các hoạt động và luyện tập gây đau hoặc áp lực lên cơ đùi, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể
Giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh để hạn chế áp lực và căng thẳng tác động lên khớp gối
Đau xương bánh chè có thể gây ảnh hưởng đến sức mạnh ở đầu gối và phạm vi chuyển động của người bệnh. Do đó, để tránh các ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và rủi ro không mong muốn, người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện kiểm tra, điều trị phù hợp.