Do sự phổ biến của bệnh cao huyết áp, chúng ta thường quên mất chứng huyết áp thấp cũng là một dạng khác của bệnh huyết áp. Huyết áp thấp được xem như “sát thủ” giấu mặt, nguy hiểm không kém. Bài viết sau đây, iMediCare sẽ chia sẻ những thông tin về huyết áp thấp và huyết áp cao bệnh nào nguy hiểm hơn.
Huyết áp bao nhiêu là thấp?
Huyết áp trong ngưỡng bình thường của người Việt Nam là 120/80. Khi chỉ số huyết áp đầu tiên (huyết áp tâm thu) thấp hơn 110 có nghĩa là bạn đã mắc căn bệnh huyết áp thấp. Điều quan trọng tiếp theo khi đã xác định bị bệnh là bạn phải dẹp bỏ tâm lý chủ quan và sớm đến gặp bác sĩ để được tư vấn, điều trị kịp thời vì tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Huyết áp thấp nguy hiểm không kém huyết áp cao
Khi bị tụt huyết áp nhiều lần, chức năng hệ thống thần kinh suy giảm, cơ thể không kịp điều chỉnh để cung cấp dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận, khiến chúng bị tổn thương.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận… thậm chí là tử vong. Nhiều trường hợp huyết áp thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 30%. Ngoài ra, tụt huyết áp cấp có thể gây sốc cho cơ thể, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng nếu như đang lái xe, làm việc trên tầng cao…
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh huyết áp thấp ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt và tỉ lệ nữ giới mắc bệnh thường cao hơn nam giới, khoảng 20 lần. Vì tình trạng này thường làm lưu lượng máu lên não giảm nên gây cho người bệnh cảm giác hoa mắt, chóng mắt nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột. Nếu kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm, bệnh nhân sẽ cảm thấy ngày càng yếu đuối, thiếu sức sống và khó hoàn thành tốt công việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng thường gặp của huyết áp thấp
Triệu chứng thường gặp nhất của huyết áp thấp dễ nhầm lẫn với tình trạng rối loạn tiền đình hoặc thiếu máu. Tuy nhiên đây lại là những chứng bệnh hoàn toàn khác nhau. Khi bạn bị tụt huyết áp, máu cung cấp não sẽ ít hơn làm bạn cảm thấy hoa mắt nhiều hơn là chóng mặt, thường xảy ra lúc chuyển đổi đột ngột tư thế. Bệnh hay gặp người già hay người trẻ ít vận động với các triệu chứng như cơ thể uể oải, da dẻ xanh xao, mặt mày tái nhợt, hoa mắt, buồn nôn, đặc biệt là thường cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức khi vừa làm việc nặng, cần gắng sức. Tuy nhiên, biểu hiện của huyết áp thấp vẫn chưa dừng lại ở đó.
Ở diễn tiến nặng hơn, người bị tụt huyết áp còn có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua gây choáng ngất. Điều này thật sự nguy hiểm khi người bệnh đang lái xe hoặc đi trên đường. Khi đó, cần áp dụng kế hoạch điều trị ngay trước khi căn bệnh gây những biến chứng nguy hiểm khác. Đặc biệt, đối với những người đang bị xơ vữa động mạch, sự giãn mạch để thích nghi với tình trạng huyết áp thấp kém có thể khiến cơn thiếu máu càng dễ xảy ra hơn nữa.
Người dễ mắc bệnh huyết áp thấp
Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa với GenVita, thông thường, người có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý như làm việc gắng sức, hay lười vận động, thức khuya, suy dinh dưỡng, gầy yếu… là những đối tượng dễ mắc bệnh huyết áp thấp. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp hiện tượng tụt huyết áp xảy ra ở cả những người thừa cân, béo phì.
Cũng giống như tăng huyết áp, hiện nay người ta vẫn chưa xác định được các nguyên nhân cụ thể có thể dẫn đến chứng hạ huyết áp. Tuy nhiên, có một số trường hợp người bệnh bị huyết áp thấp là do mắc các bệnh lý về nội tiết như suy tuyến yên, tuyến giáp trạng, suy tuyến thượng thận. Huyết áp thấp cũng có thể xuất hiện do tình trạng suy thoái hoạt động thần kinh của thần kinh giao cảm hoặc do hội chứng Shy – Drager.
Điều trị huyết áp thấp như thế nào mới hiệu quả
Thực tế điều trị cho thấy việc điều trị huyết áp thấp có đôi khi còn khó khăn hơn so với huyết áp cao vì đòi hỏi sự kiên nhẫn của bệnh nhân. Điều quan trọng là người bệnh cần hiểu biết đúng và đầy đủ tình trạng bệnh của mình để tránh áp dụng những phương pháp điều trị sai lầm gây hại cho sức khỏe.
Phương pháp điều trị không dùng thuốc thường được các bác sĩ chuyên khoa khuyên là hãy thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày và tăng cường tập thể dục, thể thao. Theo đó, người bệnh cần lưu ý ăn mặn hơn bình thường một chút. Nhưng trước khi áp dụng việc này, bạn cần được bác sĩ xác định chính xác tình trạng huyết áp của mình và cho lời khuyên về lượng muối cần thiết trong ngày. Vì nếu ăn quá mặn, bạn cũng có thể làm huyết áp tăng cao dẫn đến các nguy cơ như tai biến mạch máu não chẳng hạn.
Bệnh huyết áp thấp với những triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, xanh xao thường làm người bệnh tưởng mình bị thiếu máu hoặc rối loạn tiền đình và tìm cách tự điều trị sai cách, khiến bệnh ngày càng diễn tiến phức tạp hơn.
Vì vậy, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường nghi ngờ liên quan đến huyết áp, đặc biệt là chứng bệnh huyết áp thấp, đừng ngần ngại đi khám để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể và được tư vấn cách điều trị đúng từ các bác sĩ chuyên khoa bạn nhé!