Lupus ban đỏ hệ thống – bệnh cơ xương khớp nguy hiểm

Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống gây nên sự tổn thương lớn cho cơ thể. Bệnh này khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Vậy bạn đã biết về bệnh này? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách điều trị tốt nhất.

lupus-ban-do-he-thong

A. Lupus ban đỏ hệ thống là gì?

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý có tổn thương đa hệ thống và được đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể kháng nhân và nhiều tự kháng thể khác.

B. Nguyên nhân bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh khá phổ biến. Ở khoa Khớp Bệnh viện Bạch Mai, Lupus ban đỏ hệ thống đứng thứ 5 trong số 15 bệnh xương khớp nội trú thường gặp nhất.

Tuổi mắc bệnh trung bình là 30, thường từ 16 – 50 tuổi, song có thể ở mọi lứa tuổi (trẻ em, người có tuổi) đều có thể mắc phải. Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới (tỷ lệ này là 9/1).

Nguyên nhân của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể là hậu quả của sự tác động qua lại giữa yếu tố di truyền, nội tiết, môi trường sống (như thuốc, tia cực tím, nhiễm trùng, virus nội sinh…). Cơ chế trung gian là các tự kháng thể và có thể là phản ứng tăng nhạy cảm chậm với trung gian tế bào.

C. Triệu chứng bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

1. Lâm sàng

Lupus ban đỏ hệ thống không phải là một căn bệnh đơn độc, biểu hiện của bệnh rất đa dạng, từ biểu hiện nhẹ trên da, tổn thương khớp cho đến suy thận tiến triển nhanh, co giật, những tổn thương thần kinh và có thể gây mù lòa.

Những triệu chứng mà bác sĩ điều trị thường gặp nữa là triệu chứng mệt mỏi kéo dài, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, loãng xương, đái tháo đường, bệnh mạch máu não.

trieu-chung-lupus-ban-do

a. Triệu chứng toàn thân:

Sốt là triệu chứng thường gặp nhất (chiếm 50% – 80% các trường hợp). Sốt thường đi kèm với mệt mỏi, gầy sút.

b. Triệu chứng cơ xương

Triệu chứng này biểu hiện ở 90% – 100% trường hợp. Có thể có nhiều dạng tổn thương cơ xương khớp.

  • Cơ: Viêm cơ gây đau cơ, giảm cơ lực, tăng enzym cơ, sinh thiết có thâm nhiễm tổ chức kẽ. Loạn dưỡng cơ. Đau cơ gặp trong 50% các trường hợp, thường đi kèm với các triệu chứng toàn thân và biểu hiện khớp.
  • Xương: Hoại tử đầu xương chiếm 10% các trường hợp.
  • Khớp: chiếm 90% các trường hợp. Đau khớp đơn thuần gặp trong 1/9 bệnh nhân, thường gặp ở các khớp nhỏ, nhỡ, đối xứng 2 bên. Viêm nhiều khớp cấp, bán cấp hoặc mãn tính. Lupus ban đỏ hệ thống thường có viêm khớp hai bên, có tính chất đối xứng. Vị trí cũng tương tự như viêm khớp dạng thấp nhưng không có hủy hoại khớp. Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý đến biến chứng viêm khớp nhiễm khuẩn, thường gặp ở khớp gối, do các vi khuẩn sinh mủ, gram dương và âm.

c. Niêm mạc và da

Triệu chứng ở các khu vực này chiếm 70% các trường hợp,. ¼ bệnh nhân bắt đầu bệnh  Lupus ban đỏ hệ thống bằng triệu chứng ngoài da, nhưng cũng có ¼ bệnh nhân lại không có biểu hiện da trong suốt quá trình bệnh.

  • Ban cánh bướm là thể lupus da cấp thường xuất hiện khi ra nắng. Ban phẳng, màu hồng, dạng chấm sẩn, tập trung thành đám, nhạy cảm với corticoid, có thể biến mất hoàn toàn hoặc để lại các dát thâm sau điều trị. Ban má này thường có tính chất ly tâm, tiến lên trán, dái tai, vai. Ban có thể xuất hiện trong đợt tiến triển. Nhạy cảm với ánh nắng.
  • Ban dạng đĩa thường gặp chủ yếu trong lupus mạn tính. Đó là những mản ban đỏ khu trú, đơn độc hay nhiều vùng, sần, bong vảy, thường có ở mặt, tai, da đầu, thân. Loét miệng, mũi: các vết loét, hoại tử vô khuẩn ở vùng mũi họng. Hội chứng Raynaud chiếm 20% – 30%. Trong một số rất ít các trường hợp có thể gây biến chứng loét các đầu ngón. Các tổn thương viêm mạch: ban đỏ, phù quanh móng, đầu các ngón tay, mô cái, mô út, mảng xanh tím hình lưới, loét bắp chân, hoại tử đầu ngón.

d. Thận

Triệu chứng ở thận chiếm 70% – 80% các trường hợp, chủ yếu là tổn thương cầu thận. Những biểu hiện ở thận là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong Lupus ban đỏ hệ thống. Các biểu hiện thận đa dạng bao gồm: hội chứng thận hư, suy thận, đái protein, đái máu vi thể.

e. Thần kinh – Tâm thần

Triệu chứng thần kinh chiếm 30% – 40% các trường hợp, biểu hiện phong phú, là nguyên nhân thứ 3 của tử vong sau biến chứng nhiễm trùng và tổn thương thận. Cơn động kinh toàn thể chiếm 15% các trường hợp, đáp ứng tốt với các thuốc chống co giật và corticoid. Đau đầu và cơn Migrain, ngất, đột quỵ. Tổn thương thần kinh sọ não, thần kinh ngoại biên, liệt do viêm tủy cắt ngang, múa vờn thường hiếm gặp.

Các biểu hiện tâm thần chiếm 40% – 50% các trường hợp bao gồm tình trạng loạn thần hay các biểu hiện tâm thần cấp hay mạn tính.

f. Tim mạch

Cả 3 lớp tim đều có thể bị, thậm chí cả mạch vành:

Viêm màng ngoài tim: Tràn dịch màng tim toàn thể, đôi khi chỉ biểu hiện bằng tiếng cọ màng tim, không bao giờ đẻ lại di chứng viêm màng ngoài tim co thắt. Triệu chứng này chỉ biểu hiện trên lâm sàng trong 20% – 30% các trường hợp nhưng lên tới 60% trên siêu âm tim, viêm nội tâm mạc Libman-Sack.

Trên lâm sàng, bác sĩ thấy tiếng thổi van 2 lá hay van động mạch chủ. Ngoài ra, có thể gây biến chứng suy tim sung huyết hay bị Osler; viêm cơ tim (chiếm 5%); thường không có biểu hiện lâm sàng mà được phát hiện bằng siêu âm. Triệu chứng này thường gây loạn nhịp tim, block dẫn truyền, ít khi có loạn nhịp hoàn toàn, huyết khối động – tĩnh mạch (8% – 20% các trường hợp). Hay gặp ở vùng tĩnh mạch các chi, cũng có thể ở tĩnh mạch chủ. Tổn thương mạch vành biểu hiện bằng các cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim. Đặc tính hay tái phát của các huyết khối này gợi ý sự có mặt của chất chống đông lưu hành lupus hay kháng thể kháng phospholipid; tăng huyết áp, gặp trong 15% – 70% bệnh nhân; do suy thận hay dùng corticoid.

g. Phổi – màng phổi

Tràn dịch màng phổi một bên hay 2 bên gặp trong 25 – 50% bệnh nhân. Triệu chứng này thường tái phát trong 10% các trường hợp. Viêm phổi lupus không điển hình, triệu chứng rầm rộ (chiếm 2% – 10%).

h. Máu

  • Giảm bạch cầu thường gặp trong một giai đoạn tiến triển của bệnh (chiếm 20% – 80%), chủ yếu là giảm lympho bào. Đây là dấu hiệu quan trọng trong chẩn đoán bệnh.
  • Thiếu máu gặp trong 25% – 30% bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống. Thường là thiếu máu kiểu viêm, thiếu máu huyết tán với test Coombs dương tính.
  • Giảm tiểu cầu gặp trong 10% – 15% các trường hợp. Đây là giảm tiểu cầu ngoại biên, do nguyên nhân miễn dịch. Giảm tiểu cầu ở mức độ vừa phải từ 50 – 100.000/mm3.
  • Hạch to gặp trong 20% – 60% bệnh nhân.
  • Gan to chiếm 40% và lách to hiếm gặp hơn chiếm khoảng 10% – 20% các trường hợp.

i. Tiêu hóa

  • Rối loạn chức năng gan, cổ chướng.
  • Viêm tụy cấp.
  • Rối loạn tiêu hóa.

k. Mắt

  • Viêm võng mạc, xuất tiết võng mạc chiếm 10%.
  • Viêm kết mạc.
  • Hội chứng Sjogrem: xơ teo tuyến lệ, tuyến nước bọt.

2. Các xét nghiệm cận lâm sàng

Những xét nghiệm sinh học vừa có giá trị chẩn đoán lẫn giá trị tiên lượng vì có thể nói lên cả tính tiến triển của bệnh.

a. Hội chứng viêm

Tốc độ lắng máu tăng cao trong các đợt cấp của bệnh (80% – 100% các trường hợp Lupus ban đỏ hệ thống). Protein C phản ứng tăng ít trong các đợt tiến triển, nếu thấy cao nhiều phải nghĩ đến biến chứng nhiễm khuẩn.

b. Hội chứng miễn dịch

  • Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh hệ thống hay gặp nhất. Bệnh có tổn thương nội tạng nhiều nhất, bất thường về miễn dịch phong phú nhất trong nhóm. Các mặt các kháng thể kháng nhân, đặc hiệu với mỗi thể bệnh (98% các trường hợp), được phát hiện bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang gián tiếp. Huỳnh quang trong Lupus ban đỏ hệ thống thường là kiểu đồng nhất hay lốm đốm. Các kháng thể kháng AND tự nhiên (chuỗi kép của AND) gặp trong 70% – 90% các bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống. Đây là một test rất đặc hiệu cho bệnh lupus. Người ta sử dụng phương pháp miễn dịch huỳnh quang gián tiếp trên Crithidia luciliae hay tế bào biểu mô người (Hep) hoặc phương pháp miễn dịch phóng xạ hay ELISA.
  • Các kháng thể kháng phospholipid: 10% bệnh nhân lupus có huyết thanh giang mai (BW) dương tính giả. 20% có các chất chống đông lưu hành lupus và 30% có các kháng thể kháng cardiolipin và kháng beta2 GPI. Sự có mặt của các tự kháng thể này gợi ý hội chưng kháng phospholipid. Sự có mặt antiprothrombinase (chất chống đông lupus) biểu hiện bằng thời gian cephalin hoạt hóa kéo dài song không biểu hiện bằng chảy máu mà gây tắc nghẽn mạch.
  • Các test Latext, Waaler-Rose dương tính trong 30% trường hợp. Các lupus có yếu tố dạng thấp thường ít bị tổn thương thận hơn các lupus không có yếu tố này.

D. Chẩn đoán

1. Chẩn đoán xác định

Áp dụng tiêu chẩu ACR 1997 (American College of Rheumatology) đạt 96% độ nhạy và 96% độ đặc hiệu như sau:

  • Ban đỏ hình cánh bướm ở mặt.
  • Van đỏ dạng đĩa ở mặt và thân.
  • Nhạy cảm với ánh nắng.
  • Loét miệng hoặc mũi họng.
  • Viêm đa khớp không có hình bào mòn.
  • Viêm màng tim hoặc phổi.
  • Tổn thương thận: protein niệu trên 500mg/24h hoặc tế bào niệu (có thể là hồng cầu, hemoglobin, trụ hạt, tế bào ống thận hoặc hỗn hợp).
  • Tổn thương thần kinh – tâm thần không do các nguyên nhân khác.
  • Rối loạn về máu: Thiếu máu huyết tán có tăng hồng cầu lưới; hoặc giảm bạch cầu < 4.000/mm3; hoặc giảm lympho bào < 1.500/mm3; hoặc giảm tiểu cầu < 100.000mm3.
  • Rối loạn miễn dịch: kháng thể kháng AND; hoặc kháng Sm; hoặc timd thất kháng thể antiphospholipid dựa trên:

+ Kháng thể anticardiolipin loại IgG hoặc IgM.

+ Yếu tố chống đông lupus.

+ Test huyết thanh giang mai dương tính giả kéo dài trên 6 tháng, được xác nhận bằng test cố định xoắn khuẩn hoặc hấp thụ kháng thể xoắn khuẩn bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang.

  • Kháng thể kháng nhân: tỷ giá bất thường của kháng thể kháng nhân bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang hoặc các thử nghiệm tương đương, không có các thuốc kết hợ có thể gây lupus do thuốc.

Chẩn đoán xác định Lupus ban đỏ hệ thống khi đáp ứng tối thiểu 4 tiêu chuẩn.

2. Chẩn đoán phân biệt

Bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh có tổn thương các khớp nhỏ nhỡ và tùy theo triệu chứng nào nổi bật thì phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh thường có tổn thương đó như: thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, các bệnh tạo keo khác (xơ cứng bì toàn thể viêm da và cơ), xuất huyết giảm tiểu cầu, các bệnh có tổn thương thậ, màng tim, màng phổi do các nguyên nhân khác.

3. Các thể lâm sàng

Tiên lượng phụ thuộc vào các thể lâm sàng:

  • Thể cấp tính: biểu hiện tổn thương nhiều phủ tạng, Tiến triển nhanh, tử vong sau vài tháng do các tổn thương ở thận, thần kinh, tim, phổi, nhiễm khuẩn.
  • Thể mạn tính: ít, tổn thương nội tạng, diễn biến chậm. Biểu hiện ngoài da nhẹ, tiên lượng tốt.
  • Thể bán cấp: tiến triển từng đợt, nặng dần. Sống sót sau 5 – 10 năm. Bệnh nặng thêm trong thời kỳ thai nghén, nhiễm khuẩn phụ, chấn thương, phẫu thuật. Thường tử vong do biến chứng thận, thần kinh, nhiễm khuẩn.

4. Những hội chứng lupus không điển hình

  • Hội chứng kháng phospholopid (antiphospholipid symdrom):

Đây là sự kết hợp các hội chứng: huyết khối động – tĩnh mạch, sảy thai liên tiếp, giảm tiểu cầu miễn dịch, thay đổi về các kháng thể trực tiếp chống lại các thành phần phospholipid tế bào. Hội chứng này có thể là một phần trong những biểu hiện của Lupus ban đỏ hệ thống nhưng cũng có thể là một dạng chính (không có các biểu hiện lâm sàng khác) của Lupus ban đỏ hệ thống. Tần suất mắc hội chứng kháng phospholipid vào khoảng 30% ở những bệnh nhân lupus.

  • Lupus do thuốc:

Thường do các thuốc hydralazin, procainamid, D-penicillamin, Quinidin, Rimifon, β-bloquants (Sectral), Methyldopa, Largactil, Sulfasalazin, Tegretol, interferon, kháng giáp trạng tổng hợp… Tỷ lẹ nữ mắc bệnh ít hơn.

Biểu hiện lâm sàng thường là lupus da hay khớp phối hợp với các dấu hiệu toàn thân. Hay gặp những biểu hiện ở nhu mô phổi và có tràn dịch màng phổi hay tràn dịch màng ngoài tim. Hiếm khi có tổn thương thận hay các tổn thương thần kinh trung ương. Khi ngừng điều trị các thuốc gây bệnh, các dấu hiệu lâm sàng hết đi trong vài ngày hoặc vài tháng. Đôi khi phải dùng thêm corticoid.

E. Điều trị

1. Nguyên tắc điều trị

  • Phải đánh giá các tổn thương, mức độ nặng nhẹ của bệnh, các bệnh kèm theo, để quyết định biện pháp điều trị. Điều trị cấp cứu phải đặt ra cho các trường hợp bệnh nặng.
  • Quá trình điều trị bao gồm: điều trị các đợt tiến triển và điều trị phòng các đợt tái phát bệnh. Áp dụng điều trị tùy theo từng cá thể.
  • Thường hay sử dụng các thuốc ức chế viêm hay thuốc can thiệp vào chức năng miễn dịch. Cần phải cân nhắc đánh giá được tác dụng phụ của thuốc (tăng huyết áp, nhiễm khuẩn, loãng xương…)
  • Hiện nay, việc điều trị Lupus ban đỏ hệ thống bao gồm các thuốc sau:

+ Thuốc chống viêm không steroid (CVKS).

+ Corticoid: liều lượng tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh, cho phép cải thiện tiên lượng của bệnh đáng kể.

+ Các thuốc chống sốt rét tổng hợp (CSRTH) được coi là thuốc điều trị cơ bản của bệnh.

+ Thuốc ức chế miễn dịch được chỉ định trong các thể nặng.

+ Các thuốc khác (Danazol, globulin miễn dịch, Dapson…).

2. Điều trị cụ thể lupus ban đỏ hệ thống

a. Điều trị theo thể

  • Đối với thể lành tính, thể này không có tổn thương các nội tạng đe dọa tính mạng. Các thuốc chỉ định bao gồm CVKS và chống sốt rét tổng hợp. Ở giai đoạn tiến triển, chỉ định thêm corticoid liều nhỏ (10-20 mg/24h), ngắn ngày.
  • Đối với thể nặng, thể này có tổn thương các tạng quan trọng, thường là thận. Sử dụng corticoid liều cao 1-2 mg/kg/24h. Khi bệnh được kiểm soát, giảm liều 10% mỗi tuần. Đến khi đạt 20 mg/24h thì giảm chậm hơn. Có thể dùng liều gấp đôi cách ngày. Kết hợp với thuốc chống sốt rét tổng hợp. Trong trường hợp bệnh nặng vừa có thể uống hàng ngày azathioprin 1.5 – 2.5 mg/kg/24. Khi bệnh nặng, đe dọa tính mạng hoặc có xu hướng tăng tổn thương cơ quan cần dùng liều cao corticoid phối hợp với thuốc ức chế miễn dịch khác.
  • Nếu tổn thương nội tạng đe dọa tử vong, dùng bolus (pulse therapy) với methylprednisolon. Sau đó duy trì tiếp bằng liều 30-40 mg prednison. Liệu pháp trên thường tốt với tổn thương thận, song ít kết quả đối với tổn thương tâm thần kinh. Khi đã khống chế được bệnh, giảm dần liều corticoid. Điều trị thường kết hợp dùng thuốc chống sốt rét tổng hợp. Cũng có thể dùng cyclophosphamid 10-20 mg/kg/24h truyền tĩnh mạch 3-4 tuần 1 lần hoặc dùng đường uống 1.5 – 2.5 mg/kg/24h. Nên kết hợp mesna (Uromitexan) để dự phòng biến chứng bàng quang.

Điều trị kết hợp: tùy theo từng trường hợp cụ thể mà sử dụng các thuốc kháng sinh, chống đông, hạ áp, an thần kinh… Có thể phối hợp lọc huyết tương, cyclosporin A, Mycophenolat mofetil cũng thấy hiệu quả trong thể có tổn thương thận.

  • Ghép thận khi tổn thương thận gây suy thận không hồi phục.

b. Điều trị theo triệu chứng

  • Sốt có thể dùng một trong các loại thuốc: aspirin, CVKS, corticoid.
  • Đau khớp: tùy theo mức độ đau có thể dùng một trong các thuốc: aspirin, CVKS, thuốc chống sốt rét tổng hợp. Nếu có biểu hiện viêm khớp rõ thì có thể dùng thêm corticoid.
  • Ban ở da: dùng corticoid ngoài da kết hợp với CSRTH.
  • Viêm màng phổi, màng ngoài tim: đáp ứng tốt với thuốc CVKS hay corticoid.
  • Tổn thương phổi: dùng corticoid.
  • Tăng huyết áp: dùng các thuốc lợi tiểu, chẹn beta giao cảm, ức chế men chuyển hay các thuốc khác.
  • Giảm tiểu cầu, thiếu máu huyết tán: dùng corticoid rất có hiệu quả. Trường hợp bệnh nhân bị kháng corticoid hay phụ thuộc corticoid có thể dùng các thuốc như danazol, dapson hay tiêm truyền vinblastin. Nhưng thường áp dụng cắt lách, sau đó tiêm vaccin kháng phế cầu. Truyền gamma-globulin miễn dịch thường rất có hiệu lực ngắn hạn, chỉ được dùng khi giảm tiểu cầu nặng và chuẩn bị cho phẫu thuật, đặc biệt cắt lách.
  • Tổn thương thận: dùng corticoid, thậm chí bolus corticoid. Nếu không hiệu quả có thể sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (bolus tĩnh mạch). Nếu bệnh nhân mắc viêm thận giai đoạn cuối, cần có kế hoạch chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
  • Tổn thương thần kinh trung ương có thể dùng corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
  • Cơn Migrain: sử dụng thuốc propranolol.

c. Điều trị kết hợp và một số tình huống đặc biệt

  • Loãng xương do dùng corticoid:

Các bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống hay dùng corticoid liều cao kéo dài nên hay có biến chứng loãng xương, đặc biệt ở bệnh nhân nữ có tuổi. Có thể làm giảm tác dụng này bằng cách cho canxi hàng ngày 1g/ngày và vitamin D. Cần theo dõi canxi máu và niệu để tránh biến chứng sỏi thận.

Trường hợp này cũng gặp trong lupus, đặc biệt trên bệnh nhân có viêm mao mạch và/hoặc hội chứng Raymaud và dùng corticoid kéo dài. Phát hiện sớm sẽ làm giảm nguy cơ phải phẫu thuật chỉnh hình.

  • Các bệnh cơ do corticoid cũng hay gặp

Có thể phòng ngừa bằng các bài tập cơ ở chi. Tránh các chế phẩm corticoid chứa Fluo cũng ngừa được biến chứng này.

  • Lupus ban đỏ hệ thống

Nếu bệnh nhân đang dùng corticoid trước đó, thì liều thuốc corticoid vẫn phải duy trì trong lúc phẫu thuật. Lúc đó thường dùng đường tĩnh mạch trong lúc gây mê và tiếp tục duy trì trong khi mổ với liều 200-300mg hydrocortison hoặc 50-60 mg methylprednisolon. Sau vài ngày, khi đã dùng được đường uống, có thể quay lại liều trước khi phẫu thuật mà không phải giữ liều cao.

  • Lupus và thai nghén

lupus-ban-do-khi-co-thai

Thai nghén thường làm nặng thêm bệnh lupus, đặc biệt là tổn thương thận và dễ gây sảy thai, đẻ non, thai chết lưu. Vì vậy, chỉ khuyên một phụ nữ mắc bệnh lupus có thai trong các điều kiện sau: không có các dấu hiệu tiến triển bệnh về lâm sàng và cận lâm sàng trong 6 tháng đến 1 năm liền trước đó.

Chống chỉ định trên nguyên tắc ở phụ nữ có thaikhi bị Lupus ban đỏ hệ thống: độ thanh lọc creatinin <50ml/phút. Tăng huyết áp nặng, tăng áp lực động mạch phổi, bệnh van tim không bù, có tiền sử huyết khối rõ. Phụ thuộc corticoid > 0.5 mg/kg/ngày. Trong khi có thai phải theo dõi như thai nghén có nhiều nguy cơ.

Trong các thể nhẹ, corticoid được dùng với liều 0.2-0.3mg/kg/ngày. Nếu bệnh nhân đang dùng corticoid phải theo dõi điều trị và tăng liều do thai nghén. Nếu bệnh nhân không dùng corticoid trong 3 tháng cuối phải cho corticoid 0.5 mg/kg/24h, hoặc trong trường hợp sảy thai, phá thai. Hiện nay, vẫn cho tiếp tục hydroxychloroquin, đặc biệt với bệnh nhân tiền sử bệnh thận.

Trong các lupus tiến triển, và nếu thau nghén được theo dõi, có thể dùng azathioprin hay cyclosporin A. Sau sinh không nên giảm liều corticoid trong vài tháng. Những bà mẹ bị lupus ban đỏ được điều trị bằng corticoid hay các thuốc chống sốt rét tổng hợp vẫn có thể cho con bú.

Vấn đề tranhd thai: không nên dùng dụng cụ tử dung vì có nguy cơ nhiễm trùng. Nên sử dụng thuốc tránh thai liều cực thấp (Luteran 5, Androcur, Androan). Chống chỉ định dùng thuốc tránh thai trong trường hợp tiền sử có huyết khối, kháng thể chống đông lưu hành hoặc phản ứng BƯ dương tính giả.

F. Theo dõi và tiên lượng Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn dịch hệ thống mạn tính có nhiều đợt tiến triển bệnh và lui bệnh. Bệnh có rấy nhiều đặc điểm lâm sàng có khi biểu hiện rất nhẹ nhưng cũng có khi bệnh tiến triển rất nhanh dẫn đến tử vong. Thường gặp các đợt tiến triển trên nền mạn tính. Tuy nhiên khoảng 20% số bệnh nhân có thời gian lui bệnh trung bình 5 năm. Một số bệnh nhân có thời gian lui bệnh kéo dài hàng chục năm.

Ngày nay, hầu hết những bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống tử vong thường do biến chứng nhiễm trùng cơ hội (khoảng 33%), suy thận mạn tính (khoảng 18%), biến chứng não – mạch máu (chiếm 10%) chứ ít khi do chính bản thân nó. Nhiễm khuẩn, suy thận thường là nguyên nhân tử vong trong thập niên đầu của bệnh. Tắc mạch thường là nguyên nhân chết trong thập niên thứ 2. Dự phòng các đợt tiến triển được áp dụng trong các giai đoạn lui bệnh.

Các biện pháp phòng vệ:

  • Tránh ánh nắng trực tiếp.
  • Có chế độ dinh dưỡng thích hợp.
  • Cẩn thận khi dùng các loại thuốc dễ gây mẫn cảm, nhất là kháng sinh.
  • Đề phòng nhiễm khuẩn do bệnh nhân lupus có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, đặc biệt trong trường hợp có suy thận, bất thường van tim, phải dùng liều liều cao corticoid hay các thuốc ức chế miễn dịch khác… Một số trường hợp có thể tiêm vaccin phòng bệnh.
  • Khuyên người bệnh dùng phương pháp tránh thai ngay từ lần khám đầu tiên.
  • Khi bệnh không hoạt động cần đảm bảo tối đa chức năng các cơ quan, tránh dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Bệnh Lupus ban do he thong là một trong những bệnh cơ xương khớp thường gặp. Bạn hãy tham khảo các thông tin này để bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe bản thân và gia đình nhé. iMedicare chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top