Mẹ bầu cần làm gì để tránh rủi ro khi bị huyết áp cao

Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi. Vì vậy mẹ bầu cần phải theo dõi sức khỏe cẩn thận.

Các rối loạn tăng huyết áp chiếm tỷ lệ 10-22% thai kỳ và được chia làm 4 nhóm, phản ánh sự khác nhau về căn nguyên và các biến chứng thai kỳ:

Chỉ số huyết áp cao khi mang thai

Dưới đây là các chỉ số huyết áp mẹ bầu nên biết để đảm bảo an toàn sức khỏe thai kỳ:

– Huyết áp bình thường: Nằm dưới mức 140/90mmHg

– Tăng huyết áp nhẹ: Nằm giữa mức 140/90 – 149/99mmHg

– Tăng huyết áp trung bình: Nằm giữa mức 150/100 – 159/109mmHg

– Tăng huyết áp nặng: Nằm ở mức 160/110mmHg hoặc cao hơn

Các rối loạn tăng huyết áp chiếm tỷ lệ 10-22% thai kỳ và được chia làm 4 nhóm, phản ánh sự khác nhau về căn nguyên và các biến chứng thai kỳ:

Tăng huyết áp mạn tính

Tăng huyết áp mạn tính được chẩn đoán khi mẹ bầu có bệnh lý tăng huyết áp từ trước khi mang thai hay trước tuần thứ 20 của thai kỳ, thường được điều trị bằng thuốc hạ huyết áp. Tình trạng tăng huyết áp mạn tính chiếm khoảng 20% thai kỳ, cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ vì nguy cơ gia tăng các biến chứng: tiền sản giật tăng thêm, rau bong non, thai lưu, thai chậm phát triển trong tử cung.

Tăng huyết áp thai nghén

Là tình trạng mẹ bầu có huyết áp tăng cao sau tuần thứ 20 của thai kỳ, không có protein trong nước tiểu hay không có dấu hiệu tổn thương cơ quan khác, huyết áp trở về bình thường khoảng 3 tháng sau sinh. Một số phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ có thể phát triển thành bệnh lý tiền sản giật.

Tăng huyết áp mạn tính có tiền sản giật

Đây là một biến thể khác của tăng huyết áp mạn tính, xảy ra khi thai phụ bị tăng huyết áp trước khi mang thai, có lượng protein cao trong nước tiểu, trải qua tiền sản giật hoặc các biến chứng khác khi mang thai.

Tiền sản giật

Trước đây, tiền sản giật chỉ được chẩn đoán nếu thai phụ có huyết áp cao và protein trong nước tiểu. Tuy nhiên, hiện nay, kể cả không có protein trong nước tiểu, các mẹ bầu vẫn được chẩn đoán có nguy cơ gặp tiền sản giật.

Tiền sản giật không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho mẹ và em bé, đặc biệt khi có biến chứng trở thành sản giật (1 trong 5 tai biến sản khoa).

Huyết áp cao khi mang thai và những rủi ro mẹ bầu có thể gặp

– Giảm lưu lượng máu đến nhau thai

Khi không đủ máu đến bánh rau, lượng oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi cũng giảm đi. Điều này dẫn đến thai chậm phát triển trong tử cung, thai nhi nhẹ cân hoặc sinh non. Trong đó, trẻ sinh non dễ bị suy hô hấp, tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác.

– Nhau bong non

 huyet-ap-cao-khi-mang-thai1

Tiền sản giật do huyết áp cao khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bong rau ra khỏi thành tử cung trước khi sổ thai. Rau bong non là bệnh lý gây chảy máu nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng mẹ lẫn con.

– Tổn thương các cơ quan khác

Huyết áp cao khi mang thai có thể gây tổn thương đến não, tim, phổi, thận, gan và nhiều cơ quan khác. Trong trường hợp nặng sẽ gây nguy hiểm tính mạng.

– Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Tiền sản giật cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong tương lai. Nguy cơ này càng cao hơn khi mẹ bị tiền sản giật nhiều hơn một lần hoặc từng sinh non do huyết áp cao trước đó.

Mẹ bầu cần làm gì để làm ổn định huyết áp?

Cần nhớ, chăm sóc tốt cho sức khỏe của mẹ là cách tốt nhất để chăm sóc tốt em bé trong bụng.

+ Khám thai định kỳ theo hẹn của bác sĩ

+ Kiểm tra huyết áp thường xuyên: Nếu từng bị tiền sản giật, huyết áp cao trước đó hay có người thân trong gia đình như mẹ, chị em gái có tiền sử có bệnh cao huyết áp thai phụ cần chú ý đến huyết áp của mình hơn. Ngoài ra, cũng nên kiểm tra nước tiểu để biết được mức protein, ngăn ngừa tiền sản giật.

+ Duy trì vận động nhẹ nhàng đều đặn trong thai kỳ như bơi, đi bộ giúp huyết áp ổn định hơn.

+ Chế độ ăn lành mạnh hợp lý: Giảm bớt lượng muối bên cạnh việc ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng. Hãy gặp bác sĩ dinh dưỡng để có được lời khuyên tốt nhất.

+ Tránh các chất kích thích như hút thuốc, rượu bia hay các chất gây nghiện.

+ Uống thuốc: Một số thuốc điều trị huyết áp có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi và có chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai, do đó nếu mẹ đang sử dụng thuốc hạ huyết áp và muốn có em bé cần phải khám chuyên khoa tim mạch để được tư vấn và thay thế thuốc.

+ Nếu mẹ đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao khi mang thai, hãy tiếp tục dùng thuốc cho đến khi chuyển dạ. Nếu huyết áp có tăng nhẹ nhưng được theo dõi liên tục trong chuyển dạ ở mức có thể kiểm soát được, thai phụ vẫn có thể sinh thường. Nếu huyết áp tăng nhiều, bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai hay can thiệp thủ thuật hỗ trợ sinh như dùng kẹp forceps hay bầu gác (vantouse)

+ Nếu mắc tăng huyết áp thai kỳ hay tiền sản giật nên duy trì dùng thuốc cho đến hết 2 tuần sau sinh, khám lại chuyên khoa tim mạch để được tư vấn về việc tiếp tục hay ngừng dùng thuốc điều trị huyết áp.

+ Tất cả phụ nữ có tăng huyết áp trong thai kỳ phải khám chuyên khoa tim mạch sau khi sinh (trong vòng 6 tuần sau sinh)

Chưa có thông tin chính xác khẳng định thuốc trị huyết áp có ảnh hưởng đến sữa mẹ, do đó mẹ có thể dùng thuốc trong thời gian cho con bú.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top