Nguyên nhân tràn dịch màng phổi nguy hiểm khó lường

Hiện nay nguyên nhân tràn dịch màng phổi có khá nhiều, có trường hợp là lành tính có thể điều trị hết, cũng có những trường hợp ác tính điều trị bệnh nhân bị tái phát nhiều lần. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân tràn dịch màng phổi hãy cùng iMediCare tham khảo bài viết dưới đây.

Các bệnh dưới đây có thể gây tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi do lao:

Hay sốt về chiều, sút cân, có thể có lao phổi. Nước dịch vàng chanh, phản ứng rivalta dương tính (+), trong dịch có nhiều bạch cầu lymphô, bạch cầu đa nhân, có thể tìm thấy vi khuẩn lao. Mantoux (+).

Viêm phổi – màng phổi:

Sốt cao, đau ngực, ho có đờm. Chụp Xquang lồng ngực thấy tổn thương phổi và tràn dịch màng phổi. Chọc hút dịch có màu vàng chanh hoặc mủ đục. Vi khuẩn gây bệnh thường do tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu. Xét nghiệm máu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao. Điều trị kháng sinh, hút rửa màng phổi kết quả rất tốt.

Tràn dịch màng phổi do amíp:

Bệnh nhân có tiền sử lỵ amíp, đau bụng quặn, mót rặn, phân có máu, mũi và gan to, sốt cao… Dịch có màu vàng chanh hoặc màu cà phê sữa. Có thể tìm thấy amíp trong dịch.

Tràn dịch màng phổi do sán lá phổi (paragonimus westermann):

Dịch thường vàng chanh, lượng dịch nhiều, có thể tìm thấy trứng sán trong dịch màng phổi hoặc trong đờm. Bệnh thường gặp ở vùng núi Tây Bắc, đồng bào có tập quán ăn cua sống hoặc nấu chưa chín.

Tràn dịch màng phổi do ung thư:

Gặp ở người lớn tuổi, hút thuốc lào, thuốc lá. Ung thư màng phổi hoặc ung thư phế quản, xương, ung thư máu… di căn đến màng phổi. Dịch màu vàng chanh hay màu nước vang đỏ, lượng dịch vừa phải, nhưng tái phát nhanh sau hút tháo dịch. Toàn thân suy sụp nhanh. Xét nghiệm dịch màng phổi thấy tế bào không điển hình 50%. Sinh thiết màng phổi có tế bào ung thư dương tính từ 50-70%. Phản ứng mantoux âm tính (-).

Hội chứng Demon Meigs:

Tràn dịch màng phổi màu vàng chanh và có u nang buồng trứng. Cắt bỏ u nang buồng trứng, dịch sẽ hết.

Suy tim sung huyết:

Rất hay gặp. Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, tâm phế mạn, suy tim gây phù hai chân, đái ít, khó thở. Tràn dịch có thể một hoặc hai bên, lượng dịch ít, màu trong.

Xơ gan, cổ trướng:

Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, bị xơ gan lúc nào không biết. Gan to, không sốt. Dịch ít, trong hoặc vàng chanh.

Hội chứng thận hư, suy giáp trạng:

Bệnh nhân có phù toàn thân, dịch trong vắt.

Tràn dịch màng phổi dưỡng chấp:

Lượng dịch nhiều, đục như sữa, xét nghiệm dịch có cholesterol và triglycerid. Thường do chèn ép hoặc tổn thương ống dưỡng chấp trong lồng ngực. Nguyên nhân do giun chỉ, thường có phù chân voi, bìu to, đái ra dưỡng chấp. Ống ngực bị tổn thương còn do biến chứng sau phẫu thuật lồng ngực.

Tràn dịch màng phổi do chấn thương:

Bệnh nhân đau nơi bị va chạm, khó thở. Chụp Xquang phổi thấy tràn dịch màng phổi, có khi gãy hoặc rạn xương sườn. Chọc hút dịch có máu, trường hợp này thường điều trị nội khoa nhưng có trường hợp phải xử trí bằng phẫu thuật.

Ngoài ra, tràn dịch màng phổi còn gặp trong các bệnh nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim, nấm phổi, hodgkin, bệnh saccoid…

Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân tràn dịch màng phổi

Khó thở, nhất là khó thở khi nằm là triệu chứng thường gặp nhất. Kế đến là đau ngực bên tràn dịch có thể có kèm theo sốt hay không, bệnh nhân có thể ho khan hay ho có đàm nếu nguyên nhân gây tràn dịch là viêm phổi. Nếu do ung thư phổi các cơn ho có thể kéo dài kèm theo khạc ra máu lẫn đàm, cơ thể suy kiệt.

Khi đi khám bệnh nếu nghi ngờ bác sĩ của bạn sẽ cho chụp X-quang phổi là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng rẻ tiền và hữu dụng nhất hiện nay trong việc chẩn đoán bệnh phổi có nước. Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ dùng kim và ống chích chọc dò khoang màng phổi và lấy nước trong khoa màng phổi mang đi xét nghiệm tìm vi trùng, tế bào ác tính và xét nghiệm sinh hóa… để tìm nguyên nhân và bản chất của dịch khoang màng phổi.

Việc tràn dịch có thể chỉ có một bên phổi, nhưng cũng có thể tràn dịch cả hai bên, tràn dịch có thể có số lượng ít vài trăm ml đến rất nhiều có khi cả một hai lít dịch. Một số trường hợp dịch có thể là mủ màu trắng sữa hay vàng đục tùy theo loại vi trùng gây ra tràn dịch màng phổi. Một số khác gặp tràn dịch khoang màng phổi trong chấn thương và dịch thường là máu không đông chảy ra từ các mạch máu và các tổn thương trong lồng ngực.

Chữa trị ra sao?

Điều trị bệnh chủ yếu là chọc hút, dẫn lưu khoang màng phổi và điều trị nguyên nhân như nhiễm trùng, suy tim hay ung thư xơ gan…

Nếu người bệnh bị tràn dịch nhiều gây đau ngực nhiều và khó thở thì phải chọc hút khoang màng phổi với ống chích lớn và kim lớn, số lượng dịch hút ra có khi đến gần 1.000ml.

Những trường hợp nặng hơn, người bệnh sẽ được mổ dẫn lưu kín khoang màng phổi cho dịch, mủ hoặc máu thoát ra ngoài.

Việc sử dụng kháng sinh, thuốc kháng ung thư và các biện pháp điều trị nội khoa hỗ trợ là rất cần thiết nhằm điều trị tận gốc bệnh, tránh bị tái phát…

Việc xác định chính xác nguyên nhân tràn dịch màng phổi có ý nghĩa quan trọng trong điều trị bệnh. Sau khi điều trị tràn dịch màng phổi người bệnh cần tái khám định kỳ để được các bác sĩ theo dõi, chăm sóc hợp lý, ngăn bệnh tái phát.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top