Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh phong ngứa

Bệnh phong ngứa là tên gọi dùng để chỉ tình trạng nổi mề đay ngứa ngáy, một trong những căn bệnh rất phổ biến hiện nay. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi độ tuổi và gây nhiều triệu chứng không hề dễ chịu. Vậy phong ngứa là bệnh như thế nào, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh phong ngứa là gì? Cùng iMediCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Bệnh phong ngứa là gì?

Bệnh phong ngứa là căn bệnh khiến làn da bị ngứa, nổi những mảng đỏ. Bệnh phong ngứa gồm hai giai đoạn là cấp tính và mãn tính, trong đó có khoảng 90% mắc phải bệnh phong ngứa cấp tính.

Bệnh thường kéo dài trong khoảng 2 -3 tuần rồi biến mất. Nếu phát hiện muộn, không điều trị đúng cách sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, tái phát nhiều lần.

Bệnh khiến người bệnh chịu đựng những cơn đau nhức, ngứa ngày, khó chịu. Đối với những người mắc phải bệnh phong mãn tính thì phải chịu đựng cơn ngứa trong nhiều năm và việc điều trị bệnh trở nên rất khó khăn.

Căn bệnh này có thể xảy ra với mọi đối tượng, trong đó bệnh phong ngứa ở trẻ em là phổ biến nhất.

Phong ngứa là căn bệnh ngoài da với những biểu hiện triệu chứng khá nghiêm trọng nhưng không phải là căn bệnh truyền nhiễm. Bệnh khởi phát chủ yếu do cơ địa  và thể trạng riêng của từng người, vì thế những người xung quanh dù tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cũng không bị lây nhiễm.

Nguyên nhân bị bệnh phong ngứa do đâu

Phong ngứa có nhiều nguyên nhân theo cách nhìn của cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền.

Nguyên nhân phong ngứa theo Đông y

  • Y học cổ truyền cho rằng bệnh phong ngứa thuộc chứng phong sang. Nguyên nhân chính của bệnh này là:
  • Do sự xâm nhập của các chất lạ vào cơ thể
  • Do cơ thể bị nhiễm ngoại tà hoặc thời khí ôn dịch khiến cơ thể bị phong nhiệt, phong thấp, phong thấp nhiệt, phong hàn…
  • Từ những nguyên nhân này, người bệnh bị uất kết ở da thịt và gây ngứa nổi mề đay.
  • Ngoài ra, bệnh phong ngứa mề đay còn xuất hiện là bởi nguyên nhân bên trong của cơ thể. Các tạng phủ bên trong hoạt động thiếu điều độ: can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư huyết trệ mà sinh ra phong ngứa.

Nguyên nhân phong ngứa theo Tây y

Theo y học hiện đại, phong ngứa hay mề đay xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng lại những kích thích thường vô hại với cơ thể. Lúc này trong cơ thể sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại những chất vô hại này. Cùng với sự giải phóng kháng thể, histamine cũng sinh ra nhiều hơn và xâm nhập vào mao mạch máu dưới da. Những mao mạch này sưng lên, tiết dịch khiến da sưng đỏ và nổi mẩn.

Y học hiện đại đã tìm ra một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh phong ngứa là:

  • Do dị ứng với thực phẩm (động vật có vỏ, hải sản, đậu nành, trứng…), một số loại thuốc, lông thú, phấn hoa, nấm mốc, bụi, cao su, hóa chất…
  • Do các tác nhân vật lý: thời tiết nóng, lạnh, áp suất…
  • Do mắc một số bệnh lý như lupus ban đỏ, bệnh thận mãn tính, bệnh về gan, u lympho…

Ngoài những nguyên nhân phong ngứa nổi mề đay kể trên, rất nhiều trường hợp bị phong ngứa những không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp này còn được gọi là nổi mề đay vô căn.

Triệu chứng của bệnh phong ngứa

nguyen-nhan-va-trieu-chung-cua-benh-phong-ngua1

Khi bị mắc bệnh phong ngứa, cơ thể người bệnh thường sẽ xuất hiện những triệu chứng sau đây:

  • Trên da xuất hiện những nốt mẩn màu hồng hoặc trắng gây ngứa ngáy. Những nốt mẩn đỏ nhỏ sau đó to dần và xuất hiện khắp cơ thể
  • Càng gãi tình trạng ngứa càng dữ dội, có thể gây đau rát do da bị tổn thương. Cơn ngứa sẽ có dấu hiệu tăng dần vào buổi chiều, tối hoặc có thể là sáng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà cơn ngứa sẽ kéo dài khác nhau. Sau khi hết bệnh, sắc tố da lại trở về như ban đầu.
  • Ngứa sẽ xuất hiện theo từng cơn sau đó tự biến mất. Mỗi cơn ngứa thường sẽ kéo dài trong vài giờ và không quá 24 giờ
  • Khi phong ngứa xuất hiện ở những vùng da nhạy cảm như: môi, mí mắt, cơ quan sinh dục,… thì nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhanh chóng
  • Nếu bệnh kéo dài quá 6 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm rất dễ chuyển sang mãn tính. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì bệnh sẽ càng nặng gây tổn thương đến da và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
  • Trẻ em thường rất dễ mắc bệnh phong ngứa cấp tính, phụ nữ mang thai lại dễ bị bệnh mãn tính.

Cách trị phong ngứa tại nhà

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chữa phong ngứa tại nhà cũng là vấn đề người bệnh cần nắm rõ để giúp điều trị phong ngứa mau chóng đạt hiệu quả hơn. Một số cách trị phong ngứa tại nhà giúp làm giảm triệu chứng phong ngứa khó chịu là:

Giữ ẩm cho da:

Bạn nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để giúp giảm ngứa và khô da, nhất là sau khi tắm.

Áp lạnh:

Sử dụng một tấm vải ẩm hoặc dùng túi chườm lạnh sẽ giúp giảm ngứa tức thời hiệu quả và giúp giảm viêm.

Tắm trong dung dịch chống ngứa:

Bạn có thể ngâm mình khoảng 10 -15 phút trong bồn tắm có hòa thêm yến mạch và baking soda để giúp làm dịu da và giảm kích ứng.

Sử dụng nha đam:

Bạn có thể áp dụng cách trị phong ngứa dân gian bằng lô hội để giúp làm dịu da và giảm phát ban.

Tránh xa các tác nhân gây kích ứng:

Bạn nên hạn chế tiếp xúc với các chất dị ứng như nước hoa, xà phòng, kem dưỡng ẩm, ánh nắng mặt trời… Bạn cũng nên mặc quần áo rộng rãi nhằm giúp da không bị vải ma sát gây khó chịu.

Cắt giảm những đồ ăn thức uống kích thích mề đay: Nếu chưa biết bị phong ngứa không nên ăn gì thì bạn nên chú ý kiêng những đồ ăn đồ uống dễ gây dị ứng như hải sản, các loại hạt cây, đậu nành, trứng, sữa, rượu, bia…

Phòng tránh phong ngứa như thế nào?

Mọi người có thể phòng tránh phong ngứa bằng các biện pháp như:

  • Mặc đủ ấm khi trời chuyển lạnh và ngược lại, nên mặc thoáng mát khi trời nóng, bức.
  • Nên thường xuyên tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe tổng quan và phòng tránh bệnh tật.
  • Không ăn các loại thực phẩm đã từng gây ra dị ứng với cơ thể.
  • Tránh xa các loại hóa chất độc hại, môi trường khói bụi, nhiều chất độc hại.
  • Không uống rượu, bia và các chất kích thích.
  • Bổ sung các loại dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là 2 loại vitamin tốt cho da, ngăn ngừa hiện tượng nổi mẩn đỏ như vitamin C, E.

Bệnh phong ngứa có thể trị khỏi nếu bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó chủ động phòng ngừa cũng sẽ giúp tránh được nguy cơ bệnh tái phát. Mong rằng những thông tin trên đây sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức hữu ích để việc điều trị cũng như phòng ngừa bệnh đạt được hiệu quả tốt nhất.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top