Các bậc phụ huynh có con mắc bệnh tim bẩm sinh luôn có nhiều thắc mắc về căn bệnh này. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em.
Bệnh tim bẩm sinh là một trong những bệnh bẩm sinh khá phổ biến, xuất hiện từ lúc mới sinh. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ loại khuyết tật bẩm sinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim.
Tại sao trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh?
Trong nhiều trường hợp, không có nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, có một vài yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh, bao gồm:
– Người mẹ trong quá trình mang thai mắc phải những bệnh nhiễm trùng như rubella;
– Người mẹ bị đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 kiểm soát kém;
– Hội chứng Down, một loại bệnh di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và khó khăn trong việc học tập của trẻ;
– Các rối loạn nhiễm sắc thể khác.
Bệnh tim bẩm sinh có những loại nào?
Hiện nay, bệnh tim bẩm sinh có rất nhiều loại và đôi khi chúng thường kết hợp với nhau. Một vài loại phổ biến bao gồm:
– Rối loạn khiếm khuyết vách ngăn, tạo thành một “lỗ” giữa các buồng tim. Tình trạng này khiến cơ thể thiếu oxy dẫn đến da trẻ xanh xao;
– Hẹp eo động mạch chủ, nghĩa là động mạch chủ, động mạch lớn chính của cơ thể hẹp hơn bình thường;
– Chuyển vị đại động mạch, trong đó van động mạch phổi, van động mạch chủ và các động mạch kết nối với chúng hoán đổi vị trí cho nhau;
– Hẹp động mạch phổi, là khiếm khuyết trong đó van động mạch phổi, thông thường có chức năng điều chỉnh dòng máu từ buồng tim phải đến phổi, bị hẹp hơn bình thường.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh?
Bệnh tim bẩm sinh có thể có rất nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm:
– Thở nhanh;
– Tim đập nhanh;
– Xuất hiện vệt xanh trên da hay gọi là chứng xanh tím;
– Đổ mồ hôi nhiều;
– Mệt mỏi;
– Trẻ cảm thấy mệt mỏi và thở nhanh khi ăn.
Những vấn đề này dễ dàng nhận ra sớm sau khi trẻ ra đời, mặc dù những khiếm khuyết nhẹ có thể không gây ra vấn đề cho cơ thể trẻ cho đến khi trưởng thành.
Bệnh tim bẩm sinh có thể điều trị không?
Phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh thông thường phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Ở mức độ nhẹ, như các khiếm khuyết vách ngăn thường không cần phải điều trị vì chúng có thể tự cải thiện và không gây ra những ảnh hưởng khác. Phẫu thuật hay những thủ thuật can thiệp khác sẽ cần thiết nếu đó là tình trạng nặng và gây nhiều vấn đề cho trẻ. Những kỹ thuật phẫu thuật hiện đại ngày nay có thể khôi phục lại hầu hết các chức năng bình thường của tim. Những phương pháp phẫu thuật này có thể giúp khoảng 80% trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh sống sót qua tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, bởi vì những vấn đề phức tạp của tim có thể phát triển thành những rối loạn phức tạp hơn với ảnh hưởng lên nhịp tim hay van tim, trẻ phải chữa trị bệnh tim trong suốt cuộc đời. Do đó cần phải có sự tư vấn của chuyên gia tim mạch từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành. Trẻ mắc những rối loạn phức tạp này thường không có cuộc sống bình thường giống những đứa trẻ khác, vì thế cha mẹ cần thảo luận và có những phương pháp điều trị với chuyên gia tim mạch.
Nhìn chung, việc phát hiện con mình mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ gây nhiều đau buồn cho bạn. Tuy nhiên, các bệnh này tương đối phổ biến và có rất nhiều phương pháp chẩn đoán, chữa trị với đầy đủ thông tin chi tiết liên quan đến các bất thường cấu trúc của tim. Mặc dù không có sự đảm bảo chắc chắn 100% nào, nhưng những đứa trẻ mắc bệnh tim vẫn có khả năng sống cuộc sống vui vẻ và lành mạnh như những người khác.