Nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm hay gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ngày nay người trẻ cũng có nguy cơ mắc chứng bệnh này. Hậu quả và biến chứng sau nhồi máu cơ tim luôn là một vấn đề đáng lo ngại. Hãy xem những thông tin dưới đây để nhận biết sớm các dấu hiệu sớm của nhồi máu cơ tim. Từ đó có thể giảm thiểu hậu quả và biến chứng của bệnh gây ra.
>> Đột quỵ
Nhồi máu cơ tim là gì?
Tim là cơ quan có vai trò bơm máu đi nuôi cơ thể. Tim được nuôi dưỡng từ 2 nhánh mạch máu chính là động mạch vành phải và động mạch vành trái.
Bệnh nhồi máu cơ tim là tên gọi y khoa của cơn đau tim cấp, đây là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh xảy ra khi lượng máu nuôi tim bị cắt đứt đột ngột, làm chết tế bào cơ tim. Nguyên nhân là do một hoặc nhiều nhánh mạch vành bị tắc nghẽn. Tắc nghẽn có thể do việc hình thành cục máu đông khi mảng xơ vữa cấu tạo bởi chất béo bị boc tróc.
Tim cần được cung cấp máu và dinh dưỡng liên tục giống như bất kỳ mô cơ nào trong cơ thể. Hai nhánh động mạch vành lớn cung cấp oxy cho cơ tim. Nếu một trong các động mạch lớn hay các nhánh nhỏ bị tắc đột ngột thì một phần tim sẽ bị thiếu oxy, tình trạng này gọi là thiếu máu cơ tim.
Nếu thiếu máu cơ tim kéo dài quá lâu, mô cơ tim sẽ bị chết, gân nên cơn đau thắt ngực hay được gọi là nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhồi máu cơ tim
Nguyên nhân gây bệnh nhồi máu cơm tim
Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Tình trạng này xảy ra là do mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu, thành phần cấu thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào.
Từ khoảng 30 tuổi, trong cơ thể người bệnh bắt đầu tiến trình hình thành và phát triển mảng xơ vữa. Quá trình này diễn ra từ vài năm đến vài chục năm.
Ở những đối tượng có một số yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, đái tháo đường góp phần thúc đẩy tổn thương mạch máu theo thời gian. Chính những rối loạn này làm thành mạch máu dễ bị các phân tử cholesterol lắng đọng và bám vào.
Nơi mảng xơ vữa bám vào thành mạch bị viêm, đến một thời điểm mảng xơ vữa này bị bong tróc và nứt vỡ thúc đẩy hình thành cục máu đông làm bít tắc lòng mạch máu. Khi lòng mạch bị bít tắc dẫn đến vùng cơ tim phía sau không được đưa máu đến nuôi hậu quả gây hoại tử và chết vùng cơ tim đó gây nên nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim
Những triệu chứng thường gặp của bệnh nhồi máu cơ tim bao gồm:
– Đau thắt ngực;
– Đau ngực lan lên hàm hoặc xuống lưng, cánh tay và bàn tay trái kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện;
– Khó thở;
– Đổ mồ hôi;
– Buồn nôn;
– Nôn ói;
– Lo lắng;
– Ho;
– Chóng mặt;
– Tim đập nhanh.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim là đau thắt ngực
Điều quan trọng bạn cần nhớ là không phải tất cả mọi người bị đau tim đều trải qua cùng triệu chứng hay có mức độ đau như nhau. Đau ngực là triệu chứng thường gặp nhất cả nam lẫn nữ.
Tuy nhiên, nữ giới thường hay gặp các triệu chứng sau đây hơn, bao gồm:
– Khó thở;
– Đau hàm;
– Đau lưng;
– Đau đầu, chóng mặt;
– Buồn nôn;
– Nôn ói.
– Vài phụ nữ bị cơn đau tim có triệu chứng giống cảm cúm.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim
Huyết áp cao: bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch nếu như đang bị cao huyết áp. Huyết áp bình thường phụ thuộc vào từng lứa tuổi, ở người trưởng thành là dưới 120/80 mmHg. Huyết áp càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Huyết áp cao sẽ làm tổn thương động mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa.
Tăng cholesterol: cholesterol cao sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh nhồi máu cơ tim. Bạn có thể làm giảm lượng cholesterol bằng cách thay đổi chế độ ăn hoặc uống thuốc statin.
Đái tháo đường: là tình trạng gây ra bởi lượng đường trong máu cao, làm tổn thương các mạch máu và cuối cùng dẫn đến bệnh mạch vành. Người đái tháo đường có nguy cơ cao bị bệnh động mạch vành.
Béo phì: người béo phì có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn. Béo phì thường liên quan đến các tình trạng khác làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch bao gồm: đái tháo đường, cao huyết áp, tăng cholesterol, tăng triglyceride.
Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành. Bệnh cũng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch khác.
Tuổi tác: nguy cơ mắc bệnh mạch vành sẽ tăng dần theo tuổi. Đàn ông có nguy cơ cao mắc bệnh này sau 45 tuổi và phụ nữ là sau 55 tuổi.
Béo phì có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim
– Stress;
– Ít vận động;
– Dùng các thuốc không hợp pháp như cocaine và amphetamine;
– Bệnh sử về tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ
Điều trị nhồi máu cơ tim
Phải phát hiện sớm bệnh lý động mạch vành nên khi khách hàng có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, có những triệu chứng t trên thì phải đi khám và sàng lọc tim mạch sớm nhất.
Điều trị hỗ trợ
Nếu người bệnh có giảm Oxy máu sẽ được hỗ trợ thở Oxy bằng máy tạo oxy
Được sử dụng các thuốc giảm đau ngực.
Được sử dụng một số thuốc kiểm soát nhịp tim, hoặc những thuốc góp phần tốt cho co bóp của tim sau này.
Điều trị chính
Can thiệp mạch vành (PCI): đây là một thủ thuật thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa can thiệp tim mạch. Trong thủ thuật người bệnh vẫn còn tỉnh và có thể quan sát tiến trình thủ thuật trên màn hình video.
Mổ bắc cầu mạch vành (CABG). Bệnh nhân được gây mê và phẫu thuật tiến hành trong phòng mổ tại khoa Phẫu thuật tim. Những đoạn mạch máu được lấy từ những nơi khác trong cơ thể được làm cầu nối phía trước và sau nơi tắc giúp máu đi theo đoạn mạch máu ghép đến nuôi cơ tim phía dưới. Đoạn mạch máu được lấy đi chỉ là 1 phần rất nhỏ trong hệ thống mạch máu phong phú của cơ thể nên sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của những cơ quan này.
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
– Luôn theo dõi huyết áp, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu để đề phòng bệnh nhồi máu cơ tim.
– Dinh dưỡng: chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ngũ cốc, rau, trái cây, thịt nạc. Bạn cũng nên giảm các thực phẩm sau trong chế độ ăn, bao gồm: đường, chất béo bảo hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol. Đặc biệt, một nghiên cứu của tiến sĩ Eric Rimm tại Hoa Kỳ cho thấy việt quất và dâu tây có thể giảm đến 32% tỉ lệ về bệnh tim mạch ở phụ nữ.
– Tập thể dục nhiều lần trong tuần sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Nếu bị nhồi máu cơ tim gần đây, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu một kế hoạch tập thể dục.
– Ngưng hút thuốc lá: đây cũng là điều quan trọng. Ngưng hút thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ cơn đau tim và cải thiện sức khỏe tim mạch, hô hấp. Bạn cũng nên tránh hút thuốc lá thụ động.
Ngưng hút thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ cơn đau tim và cải thiện sức khỏe tim mạch, hô hấp
Tóm lại, nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Nếu được chẩn đoán sớm sẽ giúp cứu sống vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi kịp thời, đồng thời hạn chế những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và những biến chứng lâu dài sau này. Do đó, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bệnh lý để được điều trị nhồi máu cơ tim tối ưu nhất.