Với những sản phụ có thói quen hút thuốc từ trước và vẫn duy trì thói quen này trong thai kỳ, thai nhi sẽ bị ảnh hưởng. Vậy thai nhi sẽ chịu ảnh hưởng gì từ hành động này? Điều gì sẽ xảy ra với mẹ và bé? Bạn có biết con sinh ra sẽ bị ít tinh trùng, khó bảo, dễ mắc bệnh tiểu đường?
Tác hại với thai nhi khi sản phụ hút thuốc
Phụ nữ hút thuốc dễ sinh con có ít tinh trùng
Khói thuốc có thể gây tổn thương cho các tế bào làm nhiệm vụ sản xuất tinh trùng sau này của bào thai. Đây là kết quả điều tra của một nhóm nghiên cứu Đan Mạch sau khi tiến hành thu thập, theo dõi mẫu tinh dịch và máu của hơn 300 chàng trai trong vòng 7 tháng. Những bà mẹ của số người này cũng được yêu cầu thông báo về số lần hút thuốc khi mang thai họ.
Tiến sĩ Lone Storgaard, trưởng nhóm cho biết, lượng chất inhibin B (một hormone liên quan đến sự sản xuất tinh trùng) ở những chàng trai có mẹ “làm bạn” với hơn 10 điếu thuốc mỗi ngày giảm đáng kể so với những trường hợp có mẹ không hút thuốc, hoặc hút dưới 10 điếu. Ngoài ra, tổng số và mật độ tinh trùng của những chàng trai nhiễm khói thuốc cũng thấp hơn 48% so với người bình thường.
Đan Mạch – một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ hút thuốc cao nhất thế giới – đã có sự sụt giảm rõ rệt về mật độ tinh trùng của đàn ông trong vòng 5 thập kỷ gần đây. Tuy nghiên cứu trên chưa đi sâu vào nguyên nhân của hiện tượng, song giả thuyết đặt ra là, có thể các thành phần trong khói thuốc đã làm tổn thương các tế bào đóng vai trò sản xuất tinh trùng sau này của bào thai.
Phụ nữ hút thuốc khi mang thai dễ sinh trẻ khó bảo
Với 6 – 7 điếu thuốc mỗi ngày, thai phụ có thể biết trước rằng con của mình sau này sẽ là một đứa trẻ cứng đầu và dễ bị kích động hơn so với những đứa trẻ có mẹ không hút. Theo các nhà khoa học Mỹ, hững biểu hiện bất thường trên cho thấy, dường như trẻ đang phải trải qua giai đoạn cai nghiện thuốc lá.
Theo tiến sĩ Karen Law, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Brown, Rhode Island, liều nicotone người mẹ sử dụng khi mang thai càng cao thì dấu hiệu căng thẳng thần kinh ở trẻ càng rõ rệt. Điều đáng nói là tính khí trẻ sơ sinh có mẹ hút thuốc khi mang thai giống với những trẻ có mẹ dùng cocain hoặc heroin trong thai kỳ.
Khi tiến hành nghiên cứu, Law cùng cộng sự đã đo lượng cotinine – một chất sinh ra khi các phân tử nicotine bị bẻ gãy – trong nước bọt của những phụ nữ mới sinh được 2 ngày, nhằm xác định ai đã hút thuốc khi mang thai. Nhờ đó, nhóm đã lọc ra những trẻ sơ sinh đã “hít khói thuốc” trong bụng mẹ và những em bé không tiếp xúc với chất kích thích này.
Sau khi quan sát thái độ của số trẻ trên trong một thời gian, nhóm nghiên cứu nhận thấy những em nhiễm nicotine có biểu hiện stress rõ rệt và tính khí thất thường hơn so với những trẻ bình thường. Điều này chứng tỏ những em bé “nicotine” có thể đã nghiện thuốc lá khi còn là bào thai, và trở nên cáu kỉnh bất thường khi không được tiếp xúc với nó ở ngoài bụng mẹ, Law nhận định.
Theo Law, những trẻ bị tổn thương về mặt hành vi do thuốc lá rất cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Biểu hiện tính khí thất thường có thể chỉ xuất hiện vào giai đoạn đầu đời, song cũng có thể kéo dài và trở nên nghiêm trọng nếu trẻ lớn lên trong môi trường không lành mạnh hoặc áp lực cuộc sống cao.
Trước đây, từng có một số nghiên cứu cho thấy, việc hút 10 điếu thuốc mỗi ngày khi mang thai thường dẫn đến hiện tượng trẻ sinh ra vị thiếu cân. Giờ đây nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, ở liều nicotine thấp hơn (6 – 7 điếu mỗi ngày), thai nhi cũng vẫn bị ảnh hưởng xấu.
Nghiên cứu được đăng trên báo Pediatrics của Mỹ và được đánh giá là điểm khởi đầu quan trọng. Các nhà khoa học sẽ còn tiếp tục đi tìm lời giải cho những vấn đề như: liệu thai phụ cai thuốc lá trong vòng 6 tháng hoặc hút ở mức thấp hơn 6 điếu mỗi ngày có cải thiện được tình hình hay không.
Phụ nữ hút thuốc khi mang thai sinh con dễ bị tiểu đường
Hút thuốc trong thai kỳ không những đe dọa trực tiếp sức khỏe của thai nhi mà còn làm tăng 4 lần nguy cơ bị tiểu đường của đứa trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Những thay đổi về chuyển hóa của thai nhi chính là nguyên nhân dân đến tình trạng này.
Người ta đã tiến hành phân tích số liệu của gần 17.000 trẻ Anh sinh từ tháng 3/1958. Hồ sơ của mỗi trẻ đều ghi rõ người mẹ có hút thuốc sau khi mang thai tháng thứ 4 hay không.
Theo các tác giả, việc hút thuốc khi mang thai có thể dẫn tới suy dinh dưỡng bào thai. Các em bé sẽ tự thích nghi để chuẩn bị đối phó với một môi trường thiếu thức ăn khi ra đời. Chúng trở nên kháng insuline và có xu hướng tích lũy mở, nhưng chương trình chuyển hóa này hoàn toàn không phù hợp với chế độ ăn giàu calo và ít vận động của trẻ sau khi ra đời. Điều này dẫn tới sự thừa cân, một nguy cơ lớn dẫn tới bệnh tiểu đường.
Scott Montgomery, chuyên gia nghiên cứu của Viện Dịch tễ Lâm sàng ở Stockholm (Thụy Điển), người đứng đầu nghiên cứu cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu mối liên hệ trực tiếp giữa hút thuốc trong thai kỳ với bệnh tiểu đường và chứng béo phì sau này. Trước đây người ta mới chỉ ra mối liên hệ gián tiếp giữa các hiện tượng: hút thuốc dẫn tới sinh con nhẹ cân, sinh con nhẹ cân dẫn tới sự phát triển của bệnh tiểu đường, chứng béo phì và bệnh tim mạch.
Hút thuốc không có lợi cho cơ thể cả người mẹ và thai nhi. Trong quá trình mang thai, người mẹ hút thuốc sẽ ảnh hưởng hớn đến trẻ về tâm lý, sinh lý, sức khỏe sau này… Mẹ hãy hạn chế điều này, tốt nhất là cai thuốc để giữ gìn sức khỏe tốt hơn cho cả 2 nhé.
Xem thêm: