Sốt phát ban ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc

Sốt phát ban ở trẻ là một trong những bệnh mà trẻ em thường hay mắc phải. Khi trẻ bị sốt phát ban thì xuất hiện những vết nổi lên sau cơn sốt có màu hồng. Sốt phát ban được gọi dựa theo quá trình tiến triển của bệnh, tức là sau cơn sốt kéo dài từ 2-3 ngày thân nhiệt của bé bắt đầu nổi ban lên.

Để chăm sóc trẻ sốt phát ban các bố mẹ cần phát hiện bệnh ở trẻ sớm. Việc tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách chăm sóc và điều trị sẽ giúp ích cho quá trình chăm sóc trẻ nhỏ của các bố mẹ.

Sốt phát ban ở trẻ là gì?

Sốt phát ban là hiện tượng nóng sốt, cơ thể xuất hiện những nốt ban đỏ hoặc ban đào, thường thì bệnh này lành tính, có thể điều trị tại nhà. Sốt phát ban ở trẻ em có thể nguy hiểm nếu điều trị và chăm sóc sai cách, gây nên các biến chứng nhẹ thì các vết mẩn đỏ ẩn dưới da mất thẩm mỹ, nặng thì có thể gây nên chứng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, giảm tiểu cầu nặng và chảy máu, viêm màng não.

Bệnh sốt phát ban ở trẻ nhỏ thường xuất hiện trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi, trẻ lớn hơn vẫn có thể bị nhưng tỷ lệ ít hơn. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh sốt phát ban ở trẻ nhỏ

– Sốt phát ban ở trẻ là do virus herpes 6 hoặc virus herpes 7 gây nên.

– Trẻ tiếp xúc với dịch tiết ra từ nước mũi hoặc cổ họng của người bị bệnh cũng sẽ bị lây nhiễm, kể cả người bệnh đó chưa phát bệnh ra bên ngoài.

– Sốt phát ban có thể lây nhiễm qua đường hô hấp, trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi hệ miễn dịch còn non yếu nên rất dễ lây nhiễm. Đây là bệnh rất dễ lây nhiễm, đặc biệt là ở trong môi trường nhà trẻ, mẫu giáo.

Triệu chứng và những dấu hiệu nhận biết bệnh sớm

1.Triệu chứng:

Sốt phát ban thường ủ bệnh khoảng 7 ngày nên bệnh sẽ biểu hiện ra bên ngoài sau khoảng thời gian 7 – 14 ngày. Đối với các trường hợp bệnh nhẹ sẽ không có biểu hiện rõ ràng. Nhưng nhìn chung, các biểu hiện sớm của bệnh như sau:

– Đau đầu: Biểu hiện ban đầu là trẻ bị đau đầu, hâm hấp nóng. Đối với trẻ sơ sinh giai đoạn này sẽ quấy khóc nhiều.

– Sốt: Trẻ sốt cao bất ngờ, nhiệt độ có thể đạt tới 39,4 độ, kèm theo đó là các triệu chứng viêm họng, sổ mũi, ho. Ở cổ có thể nhìn thấy các hạch bạch huyết nổi lên. Sốt sẽ kéo dài từ 3 – 5 ngày.

– Cảm giác ớn lạnh: Kèm theo sốt là cảm giác ớn lạnh khiến bé rất khó chịu.

– Phát ban: Thường xuất hiện sau giai đoạn sốt. Các nốt ban nhỏ màu hồng hoặc đốm xuất hiện trên ngực, bụng và lưng bé trước sau đó sẽ lan lên 2 tay và cổ. Đôi khi các nốt ban cũng lan lên mặt và xuống chân. Một số đốm ban có thể có một vòng trắng bao quanh nó. Các nốt ban thường sẽ biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày, không gây ngứa, khó chịu cho bé.

2.Những dấu hiệu nhận biết bệnh sớm:

– Những triệu chứng khác: Kèm theo những biểu hiện trên có thể xuất hiện thêm một vài biểu hiện khác như:

– Ho khan

– Buồn nôn, ói mửa

– Tiêu chảy nhẹ, dễ mất nước.

– Mệt mỏi, trẻ sơ sinh sẽ quấy khóc nhiều.

– Chán ăn, biếng ăn, trẻ sơ sinh có thể bú ít.

– Mí mắt bị sưng

Bệnh sốt phát ban ở trẻ rất dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, vì vậy, khi trẻ có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, tốt nhất các bố mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ để có được những chẩn đoán đúng và xử lý phù hợp.

Điều trị và chăm sóc trẻ bị sốt phát ban đúng cách tại nhà

Sốt phát ban ở bé khá phổ biến, có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trước đó các bố mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ để có những chẩn đoán và cách điều trị tốt nhất.

1.Cách hạ sốt phát ban ở trẻ em

Giai đoạn bé sốt cao cần hạ sốt cho trẻ. Các bố mẹ cần chú ý:

  • Đối với trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng: Nếu trẻ sốt cao cần gặp bác sĩ và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc.
  • Đối với trẻ trên 6 tháng trở nên: Nếu không có hiện tượng mệt mỏi, bỏ ăn thì không cần cho trẻ uống thuốc. Nếu trẻ sốt cao quá 38 độ có thể cho trẻ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ hoặc thuốc paracetamol với liều lượng 10mg/1kg cân nặng của trẻ, 6 giờ sau nếu bé vẫn sốt thì tiếp tục cho uống với liều lượng như vậy. Nhưng tốt nhất, khi dùng thuốc uống cho trẻ khi bị sốt nên có chỉ dẫn của bác sĩ.

2.Chăm sóc trẻ khi bị sốt

– Chườm mát cho trẻ bằng nước ấm (không nên dùng nước lạnh). Không nên đắp chăn kín cho trẻ.

– Để trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường từ khi phát bệnh đến khi khỏi hoàn toàn.

– Cho trẻ uống nhiều nước bởi trong quá trình sốt cao trẻ rất dễ bị mất nước. Các bố mẹ cũng có thể cho con uống thêm dung dịch bù điện giải để hạ sốt và bù nước tốt. Cũng nên cho trẻ uống thêm các loại nước ép cam, dưa hấu, xoài…

– Khi bé bị ho, hãy cho bé uống loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược để giảm ho, tiêu đờm. Lau sạch mũi nếu bé bị sổ mũi. Trẻ sơ sinh cần phải được chỉ dẫn bởi bác sĩ, không tự ý mua thuốc cho bé uống.

– Vệ sinh thân thể bé sạch sẽ,  tắm giặt hàng ngày cho bé. Không nên kiêng kỵ mà không vệ sinh cho bé.

– Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi thoải mái, không mặc đồ bó sát.

Trẻ bị sốt phát ban tắm lá gì?

Kết hợp điều trị bằng thuốc, vệ sinh thân thể cho trẻ và tắm rửa sạch sẽ giúp con nhanh hạ sốt. Khi trẻ bị sốt phát ban các bố mẹ có thể dùng các loại lá sau để tắm cho con:

  • Lá chè xanh: Nấu nước lá chè xanh tắm cho con sẽ giúp con giảm mệt mỏi, da dẻ dễ chịu hơn, đào thải độc tố trên da bởi trong lá chè xanh có chứa chất chống oxy hóa cao và Vitamin B.
  • Tắm lá ngải cứu: Tắm lá ngải cứu sẽ giúp nhanh chóng làm dịu da, tiêu viêm, chữa được các chứng cảm cúm, giúp cơ thể ổn định hơn.
  • Tắm lá trầu không: Trong lá trầu không có chưa polyphenol có khả năng chống khuẩn, khử trùng, tiêu diệt được nhiều loại vi trùng, nấm trên da. Tắm cho bé loại lá này chỉ nên dùng từ 5 – 7 lá, đun sôi sẽ có hiệu quả trong điều trị sốt phát ban ở trẻ.

Lưu ý: Khi tắm cho trẻ cần tắm bằng nước ấm, tắm nhanh, tắm ở nơi kín đáo để tránh cho trẻ bị cảm lạnh bởi giai đoạn này sức đề kháng của con rất yếu.

Ngăn ngừa bệnh sốt phát ban

Không có thuốc chích ngừa bệnh sốt phát ban. Do đó, cách tốt nhất để con bạn không bị bệnh là tránh tiếp xúc với một em bé đang bị. Nếu con bạn đang bị bệnh, nên giữ em ở nhà, cách xa các trẻ em khác.

Đa số chúng ta đều đã có kháng thể chống bệnh vào tuổi bắt đầu đi học, khiến tránh được bệnh lần thứ nhì. Nhưng dù vậy, khi trong nhà có người bị bệnh này, cả nhà nên rửa tay kỹ thường xuyên để tránh lây lan bệnh cho những người chưa bị.

Người lớn nào lúc nhỏ chưa bị thì có thể bị lây bệnh nhưng thường chỉ bị nhẹ thôi, tuy họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top