Bệnh tăng huyết áp tiến triển lâu ngày sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan trong cơ thể được gọi là cơ quan đích. Tuy nhiên tác hại của cao huyết áp với động mạch, tim, não, thận là đáng kể nhất. Bạn đã biết những thông tin này? Bài viết hôm nay, iMedicare sẽ cùng bạn tìm hiểu các tác hại liên quan đến tim và động mạch. Bạn hãy theo dõi nhé!
Tác hại của cao huyết áp đến các cơ quan trong cơ thể
1. Động mạch
-
Thay đổi cấu trúc thành mạch
Áp lực tăng thường xuyên của máu khi qua các động mạch sẽ làm thay đổi cấu trúc các thành mạch. Lớp cơ trên thành mạch sẽ dày lên, các tổ chức liên kết phát triển nhằm làm cho thành mạch chắc chắn hơn đủ sức chịu đựng áp lực tăng cao của dòng máu. Tuy vậy, sự thích nghi đó cũng dẫn đến những hậu quả xấu là làm hẹp lòng và làm giảm tính đàn hồi, mạch máu bị xơ cứng, nhất là đối với các tiểu động mạch cản trở máu đến các tổ chức. Ngoài ra, điều này cũng làm tăng sức cản ngoại vi và càng làm tăng thêm huyết áp.
-
Tổn thương nội mạc thành mạch
Áp lực tăng của máu còn gây ra tổn thương cho lớp nội mạc thành mạch. Các tế bào dễ bị hư hỏng hoặc giảm chức năng bảo vệ thành mạch, dễ bị xơ vữa động mạch ở các động mạch lớn và vừa. Ở động mạch chủ yếu có mảng vữa cơ bị loét, máu có áp lực cao do bệnh cao huyết áp có thể làm cho máu lọt vào giữa các lớp của thành mạch, tách dọc các lớp đó ra gây nên biến chứng phòng tách động mạch rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
-
Tổn thương mạch khác
Với bệnh nhân tăng huyết áp, khám mạch quay và các mạch khác thấy căng cứng, lằn dưới tay ngoằn ngoèo. Bác sĩ khám đáy mắt có thể thấy tổn thương động mạch như động mạch nhỏ và dáng cứng, đè lên tĩnh mạch. Bệnh nhân có thể có những tổn thương nặng hơn như xuất tiết, xuất huyết võng mạc.
Kiểm tra X quang động mạch chủ thấy quai động mạch chủ vồng nhô cao, dải rộng và to hơn so với những người bình thường.
2. Tim
-
Tim dày và to
Huyết áp cao làm cho tim, nhất là thất trái phải làm việc trong điều kiện có áp lực máu cao ở trong các động mạch lớn nên buộc phải tăng co bóp để thắng lực cản nhằm đưa được máu qua động mạch chủ. Nghĩa là tim phải tăng công cơ để duy trì tuần hoàn. Nếu huyết áp tăng cao liên tục như trong bệnh tăng huyết áp thì sẽ gây quá tải liên tục cho tim. Để đảm bảo cho việc tăng công đó, tim mà trước hết là thất trái buộc phải thích ứng. Điều này nghĩa là tim phải dày, to dần ra. Trên phim chụp X quang, trên siêu âm cũng như trên điện tim, dấu hiệu này ngày càng rõ.
-
Suy tim
Tuy nhiên, thất trái to cũng chỉ đến một giới hạn nhất định. Nếu bệnh nhân không điều trị thì chức năng co bóp sẽ bị tổn thương, dần dần thất sẽ bị giãn, giảm khả năng tống máu đi và sẽ xuất hiện suy tim. Trong suy tim, máu tống đi trong thì tâm thu không hết nên bị ứ đọng lại trong thất trái rồi phía trên thất như trong nghĩ trái rồi trong tĩnh mạch phổi, mao mạch phổi, từ đó, thấm vào tổ chức kẽ xung quanh các phế nang và vào cả phế nang, cản trở việc trao đổi oxy và thoát khí. Điều này có thể làm bệnh nhân khó thở.
Suy tim lúc đầu chỉ tiềm tàng và khu trú bên tim trái. Bệnh nhân thường không để ý vì chỉ có khó thở nhẹ khi gắng sức. Sau đó, suy tim tăng dần làm giảm khả năng hoạt động thể lực, bị khó thở khi gắng sức và khó thở cả khi nghỉ ngơi. Trong cơn cao huyết áp kịch phát, bệnh nhân có thể xảy ra cơn hen tim, nặng hơn nữa là phù phổi cấp tính, đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Suy tim trái cũng có thể tiến triển thành suy tim toàn bộ khi tim phải cũng bị ảnh hưởng. Lúc đó, bệnh nhân sẽ thấy tĩnh mạch cổ nổi to, gan to, phù hai chi dưới…
-
Rối loạn nhịp tim
Tim to còn đòi hỏi máu qua động mạch vành là động mạch nuôi cơ tim đến nhiều hơn nhưng về lâu dài, khả năng này dễ bị hạn chế vì động mạch đã bị hẹp và xơ cứng do bản thân bệnh nhân cao huyết áp gây nên. Đồng thời, tình trạng này lại càng hạn chế nếu động mạch vành bị thêm vữa xơ động mạch. Hậu quả là cơ tim càng dễ bị thiếu máu, dễ xảy ra rối loạn chuyển hóa trong cơ tim có khi nghiêm trọng, là nguồn gốc của rối loạn nhịp tim phức tạp như tâm ngoại thu làm sức bóp cơ tim càng giảm.
-
Tai biến mạch vành
Tai biến mạch vành như cơn đau thắt ngực sẽ xuất hiện khi một khu vực của cơ tim bị thiếu máu nặng, một chỗ của động mạch vành bị hẹp trên 75% lòng mạch nên không đảm bảo cung cấp đủ máu đến các tế bào. Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cũng xảy ra khi có thêm biến chứng đông máu làm tắc mạch đó đột ngột.
Cao huyết áp đã được coi là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng trong bệnh thiếu máu cơ tim do xơ vữa động mạch. Người ta đã thấy nguy cơ tai biến mạch vành tăng song song với mức huyết áp. Nghiên cứu ở Framingham (Mỹ) cho thấy nguy cơ đó tăng lên đến 4 lần nếu huyết áp tâm thu từ 120 lên 180 mmHg.
Nhiều nghiên cứu ở các nước trong những năm qua cũng khẳng định chỉ riêng thất trái to do bệnh cao huyết áp cũng làm tăng tỷ lệ tai biến tim và tăng tỷ lệ tử vong do nguyên nhân tim mạch.
Tác hại của cao huyết áp tác động mạnh đến động mạch và tim dẫn đến ảnh hưởng tới các cơ quan cơ thể. Bạn hãy theo dõi tiếp bai viết tiếp theo để tìm hiểu tác hại của bệnh cao huyết áp tới não và thận nhé!