Não và thận cũng là 2 trong số những cơ quan chịu ảnh hưởng lớn của căn bệnh huyết áp cao. Những tác hại của cao huyết áp với 2 cơ quan này như thế nào? Bạn hãy theo dõi ngay bài viết này nhé!
Tác hại của huyết áp cao đến thận và não
1. Não
-
Tổn thương động mạch não
Các động mạch trong hộp sọ, nhất là các động mạch trong não, cũng rất dễ bị tổn thương do bệnh tăng huyết áp. Các động mạch đó dày ra, mất độ đàn hồi, biến dạng và dễ làm hình thành các túi phồng nhỏ. Cả động mạch lẫn túi phồng nhỏ đều có nguy cơ bị vỡ khi xảy ra cơn cao huyết áp kịch phát hoặc khi huyết áp tăng rất cao và kéo dài.
Cơn cao huyết áp kịch phát quá cao còn có thể gây phù não và các tổn thương vi thể khác làm ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của não.
-
Xơ vữa động mạch
Cao huyết áp còn là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh xơ vữa động mạch. Ở người bệnh này, các động mạch não thường có những mảng vữa xơ nặng làm cản trở nhiều dòng máu đến nuôi tổ chức não và có thể gây nhồi máu não (nhũn não).
-
Tai biến mạch máu não
Thống kê của các tác giả trên thế giới đã cho thấy tần suất tai biến mạch máu não tăng rất rõ ở những bệnh nhân cao huyết áp. Tần suất đó là 17% ở nam và 8% ở nữ, tăng lên 51% ở nam và 35% ở nữ nếu là bệnh nhân cao huyết áp theo nghiên cứu của Kannel và cộng sự. Hội nghị quốc tế về tuần hoàn não lần thứ 4 họp ở Toulouse (Pháp) năm 1985 còn cho là bệnh tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não lên 7 lần so với người không mắc bệnh đó. Nguy cơ này tăng dần theo tuổi và mức huyết áp cao nhất.
Về lâm sàng, ở những người bị cao huyết áp lâu ngày, bệnh nhân có thể thấy đau đầu, nhất là về cuối đêm và sáng sớm, ở vùng chẩm, thái dương, có khi đau tản mạn hoặc đau nửa đầu, chóng mặt, chếnh choáng, hoa mắt, ù tai, giảm khả năng hoạt động trí óc, dễ quên.
Những bệnh nhân bị nặng hơn có thể có hội chứng não do huyết áp cao với những dấu hiệu tâm thần kinh phức tạp như đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn mửa, ngủ gà, lẫn lộn, có thể có co giật, hôn mê…
Chảy máu não dễ xảy ra khi có cơn huyết áp tăng kịch phát, nhẹ thì bại nửa người, nặng thì liệt, nếu có chảy máu lớn, máu tràn vào nhanh chóng. Bại hoặc liệt nửa người có thể hồi phục được nhưng cũng có thể để lại di chứng lâu dài.
2. Thận
Các tổn thương thận xuất hiện chậm hơn và cũng kín đáo hơn. Tổn thương thận thường chỉ bộc lộ ở giai đoạn cuối của bệnh. Ngay trong giai đoạn đầu, người ta đã thấy giảm cung lượng thận, nhưng độ lọc cầu thận vẫn giữ được so có cơ chế bù trừ. Về lâu dài, khi tổn thương xơ các mạch thận phát triển, thận bị teo nhỏ thì suy thận mới thấy rõ.
Trên lâm sàng, từ giai đoạn 2 của bệnh, có thể thấy protein trong nước tiểu, creatinin máu có thể tăng nhẹ. Sang giai đoạn 2, bác sĩ có thể thấy suy thận rõ hơn, ure và creatinin trong máu tăng cao, có phù…
Tổn thương thận và não là một trong những tác hại khác của bệnh huyết áp cao đến các chức năng. Để hạn chế các tổn thương này, bạn cần chủ động ngăn ngừa và theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh.