Tăng huyết áp kháng thuốc là trường hợp cơ thể người bệnh không đáp ứng tốt với quá trình điều trị tăng huyết áp. Bởi vì đây là tình trạng hiếm gặp nên ít người hiểu được sự nghiêm trọng của bệnh.
Tăng huyết áp kháng thuốc là gì?
Tăng huyết áp kháng thuốc có nghĩa là huyết áp vẫn ở mức cao mặc dù điều trị bằng ba loại thuốc huyết áp khác nhau. Người ta nghĩ rằng khoảng 30% những người bị huyết áp cao có tăng huyết áp kháng thuốc.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tuổi già và béo phì là hai yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp kháng thuốc. Các nghiên cứu khác cho thấy những người bị tăng huyết áp kháng thuốc có các yếu tố rủi ro liên quan như tiểu đường , ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn, mở rộng buồng tim và hoặc bệnh thận mãn tính.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp kháng thuốc
Tăng huyết áp kháng thuốc có thể do người bệnh, do thầy thuốc, do phòng khám hoặc do quá tải thể tích.
Do người bệnh:
Ngoài những nguyên nhân về nếp sống sinh hoạt như uống rượu bia, ăn mặn, ít chất xơ… thì tăng huyết áp kháng thuốc còn do người bệnh chủ quan không tuân thủ điều trị hoặc do bệnh nhân tự uống một số thuốc khác ảnh hưởng đến huyết áp. Nhiều người vẫn cho rằng bình thường không có triệu chứng gì thì không cần uống thuốc, khi nào huyết áp tăng thì mới phải uống thuốc, đó là một quan niệm sai lầm dễ đưa đến những biến chứng nguy hiểm và là nguyên nhân đưa đến tăng huyết áp kháng trị.
Do thầy thuốc:
Tăng huyết áp kháng thuốc cũng có thể do thầy thuốc chưa hướng dẫn cụ thể cho người bệnh về chế độ điều trị (gồm chế độ dùng thuốc lẫn chế độ ăn uống sinh hoạt), bản thân người thầy thuốc chưa đánh giá đúng mức độ cũng như các bệnh liên quan của người bệnh, chưa chỉ định liều thuốc tối ưu (không phải liều tối đa) cho người bệnh hoặc chưa hiểu hết về tương tác thuốc.
Do quá tải thể tích:
Đó là do thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính, do dùng một số thuốc đi kèm như các thuốc giảm đau không gây nghiện (các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (bao gồm cả aspirin), thuốc ức chế COX2; thuốc chẹn giao cảm (thuốc chống ngạt mũi, thuốc giảm ăn, cocain…); thuốc kích thích; thuốc uống tránh thai hoặc do dùng thuốc lợi tiểu không hợp lý…
Ngoài ra, một số bệnh lý tuyến giáp, nhu mô thận,… cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp kháng thuốc.
Các triệu chứng của tăng huyết áp kháng thuốc
Tương tự như tình trạng cao huyết áp thông thường, tăng huyết áp kháng trị thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng cụ thể nào cho đến khi nó trở nên nghiêm trọng. Cách tốt nhất để chẩn đoán là thường xuyên kiểm tra huyết áp.
Tuy vậy, thực tế, bạn có thể cảm nhận các triệu chứng khi áp lực máu tăng lần đầu hoặc bệnh đã tiến triển đến giai đoạn khủng hoảng tăng huyết áp, bao gồm:
- Đau đầu
- Khó thở
- Tức ngực
- Chảy máu cam.
Chóng mặt thường không phải là triệu chứng của huyết áp cao. Trên thực tế, đôi khi nó có thể là triệu chứng của trường hợp huyết áp thấp. Thường xuyên chóng mặt hoặc chóng mặt không có nguyên nhân có thể là một dấu hiệu cảnh báo về một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị tăng huyết áp kháng thuốc
Việc điều trị tăng huyết áp kháng thuốc quan trọng nhất là phải tìm ra được nguyên nhân để kiểm soát bệnh, từ đó có can thiệp một cách hợp lý. Về nguyên tắc chung gồm:
Điều trị không dùng thuốc:
Người bệnh THA cần thay đổi lối sống, có chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng; Giảm ăn mặn (< 6g muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày); Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể từ 18,5 đến 22,9 kg/m2; Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; Hạn chế uống rượu, bia: số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần (nam), ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần (nữ).
Một cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang, hoặc 30ml rượu mạnh; Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào; Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày; Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; Tránh bị lạnh đột ngột.
Điều trị có dùng thuốc:
Mục tiêu đưa huyết áp về dưới 140/90mmHg. Trong đó cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng kỳ hẹn. Không nên tự ý mua thuốc hạ huyết áp để uống hay uống thuốc theo chỉ dẫn của người quen, bạn bè không phải là bác sĩ.
Theo dõi huyết áp tại nhà:
Phải có sổ theo dõi huyết áp, trong đó ghi số đo huyết áp mỗi ngày 1 – 3 lần, triệu chứng bất thường trong ngày, thuốc uống trong ngày. Ðưa cho bác sĩ điều trị sổ này mỗi lần tái khám.
Cách dùng máy đo huyết áp điện tử tại nhà: Chỉ nên đo huyết áp 1 – 3 lần trong ngày, mỗi lần đo huyết áp nên đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút rồi lấy trung bình 2 lần đo. Phải nằm nghỉ khoảng 15 phút trước khi đo. Trước khi đo huyết áp 30 phút không được uống rượu, cà phê hay hút thuốc lá. Không nên đo huyết áp sau khi ăn hay khi mới ngủ dậy.