Nếu đang có vấn đề về tim mạch, nhiệt độ cao có thể gây thêm gánh nặng cho tim và hệ tuần hoàn. Do đó, cần giữ mát và chăm sóc bản thân trong thời tiết nắng nóng,… Nếu người bệnh không được theo dõi và kiểm soát bệnh chặt chẽ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Thời tiết nóng và các bệnh lý tim mạch liên quan bạn nên biết
1.Đau thắt ngực:
Đối với người mắc bệnh mạch vành, trong thời tiết nóng, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy hiện tượng đau thắt ngực tăng lên vì nhiệt độ tăng cao sẽ làm tăng khối lượng công việc lên tim, tăng nhu cầu về oxy của cơ thể, đặc biệt là khi người bệnh tim hoạt động nhiều hơn thì các triệu chứng này càng rõ hơn.
2.Suy tim:
Điều đặc biệt quan trọng là hãy giữ mát cơ thể khi bạn đang bị suy tim. Nếu được khuyến cáo hạn chế lượng nước uống hàng ngày, bạn nên trao đổi với bác sĩ của bạn về những cách khác để giữ mát cơ thể trong mùa hè nhé!
3.Đột quỵ nhiệt:
Việc mất quá nhiều nước có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng của đột quỵ nhiệt bạn cần lưu ý bao gồm: đổ mồ hôi, da lạnh, chóng mặt, ngất xỉu, chuột rút cơ, phát ban nhiệt, phù nề ở mắt cá chân, thở nhanh nông, buồn nôn và nôn.
Đối tượng nguy cơ cao nhất trong thời tiết nóng?
Người cao tuổi và trẻ nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể hơn người trẻ tuổi, do đó có nguy cơ cao gặp rắc rối do nhiệt độ khắc nghiệt, nhất là trời nắng nóng dữ dội. Chính vì thế, trong thời tiết nắng nóng người cao tuổi và trẻ nhỏ cần được đảm bảo sinh hoạt trong môi trường mát mẻ và thoải mái.
Khuyến cáo cho bệnh nhân tim mạch trong thời tiết nóng
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quýnh: với người mắc bệnh tim mạch trên 50 tuổi hoặc thừa cân, cần phải có các biện pháp phòng ngừa đặc biệt trong điều kiện nhiệt độ cao. Một số loại thuốc điều trị bệnh tim như thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh calci và thuốc lợi tiểu sẽ làm giảm lượng natri có thể làm gia tăng phản ứng của cơ thể đối với nhiệt độ cao.
Người bệnh cần giữ đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hoặc các đồ uống không có đường. Tránh các loại đồ uống có cồn hoặc caffein. Thức uống có chứa caffein có thể khiến người bệnh mất nhiều chất lỏng hơn qua đường tiểu.
Người bệnh cần ăn các thức ăn mát, đặc biệt là rau củ và trái cây có hàm lượng nước cao. Nên mặc quần áo bằng vải cotton nhẹ, rộng rãi và thông thoáng.
Tránh ở ngoài trời vào thời điểm nắng nóng nhất. Tránh vận động thể chất quá mức cần thiết, hãy luôn nhớ điều quan trọng là giữ an toàn cơ thể khi nhiệt độ tăng lên. Nên trao đổi và kiểm tra với bác sĩ tim mạch của mình trước khi bắt đầu tập thể dục.