Thuốc điều trị tăng huyết áp tác động lên hệ renin – angiotensin

Tăng huyết áp là một bệnh rất thường gặp và là vấn đề xã hội. Theo tổ chức y tế thế giới, hiện nay tăng huyết áp được xem là 1 trong 10 bệnh nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân loại. Việc điều trị không đúng bệnh tăng huyết áp sẽ gây ra nhiều tai biến.

Ở các nước phát triển, tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là khoảng gần 30% và có trên một nửa dân số trên 50 tuổi có tăng huyết áp. Thực tế cũng đã cho thấy hậu quả của việc điều trị không đúng sẽ dẫn đến tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột có thể làm thương mạch máu não gây xuất huyết não, đột quỵ, suy tim cấp, phù phổi cấp hay tình trạng huyết áp tăng vừa phải thường xuyên sẽ gây ra suy tim mạn, suy thận mạn, tổn thương ở đáy mắt.

Qua đó chúng ta thấy hầu hết các biến chứng này đều nguy hiểm tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề. Ngày nay đã có khá nhiều thay đổi trong quan niệm về tăng huyết áp, phương thức điều trị cũng như việc nâng cao ý thức cho bệnh nhân đã tác động đến tiên lượng của tăng huyết áp. Trong các thuốc điều trị tăng huyết áp thì thuốc tác động lên hệ renin – angiotensin là nhóm thuốc được nghiên cứu và áp dụng nhiều trong những năm gần đây.

Thuốc ức chế men chuyển

Gồm các thuốc captopril, enalapril, lisinpril,… Đây là những thuốc điều trị tăng huyết áp tốt, ít gây những tác dụng phụ trầm trọng, không ảnh hưởng đến nhịp tim và sức co bóp cơ tim, không gây những rối loạn về mỡ máu hay đường máu khi dùng kéo dài. Thuốc đặc biệt có giá trị ở những bệnh nhân có kèm theo suy tim.
Cơ chế tác dụng: Ức chế men chuyển từ angiotensin I thành angiotensin II, do đó làm giãn mạch, giảm tiết aldosteron gây hạ huyết áp. Nó còn ức chế con đường chuyển hóa của bradykinin làm chất này ứ đọng cũng gây ra giãn mạch hạ huyết áp.

Đặc điểm của thuốc:

Không gây rối loạn mỡ máu, đường máu, acid uric khi dùng kéo dài.

Tác dụng phụ:

Tác dụng khó chịu hay gặp của thuốc ức chế men chuyển là gây ho khan, nhiều khi phải cho ngừng thuốc vì tác dụng phụ này. Vì thuốc gây giãn tiểu động mạch đi ở cầu thận nên có thể gây suy thận đột ngột do giảm dòng máu tới thận ở những bệnh nhân bị hẹp động mạch thận hai bên.

Thuốc làm tăng kali máu nên thận trọng ở bệnh nhân suy thận, đang dùng thuốc lợi tiểu giữ kali, hoặc chế độ bồi phụ kali. Tuyệt đối không dùng thuốc cho bệnh nhân có hẹp động mạch thận hai bên; không dùng ở phụ nữ có thai.

Các thuốc kháng thụ thể angiotensin

Nằm trong nhóm này gồm các thuốc losartan, valsartan,  irbesartan, telmisartan… Đây là các thuốc khá mới trong điều trị THA và suy tim. Thuốc hoạt động với cơ chế là ức chế thụ thể AT1 – nơi tiếp nhận tác dụng của angiotensin II gây co mạch – do đó làm hạn chế tác dụng của angiotensin II, từ đó làm hạ huyết áp. Vì cơ chế vậy nên thường không gây ra ho như khi dùng thuốc ức chế men chuyển.

Các thuốc này có thể có tác dụng phụ như viêm phù mạch ngoại vi, dị ứng, ngứa… Tác động lên thận và kali máu ít hơn khi dùng ức chế men chuyển.

Thuốc ức chế renin 

Renin là chất được tạo nên bởi thán khí thể tích máu hoặc lưu lượng máu qua thận bị giảm. Renin tham dự vào một giai đoạn của sự tạo thành angiotensin II có tính chất làm THA. Khi ta sử dụng thuốc hạ huyết áp là ức chế men chuyển, thuốc kháng thụ thể angiotensin do không ức chế hoàn toàn hệ thống renin – angiotesin – aldosterone nên sẽ tạo nên tác động ngược (feedback) gây phản ứng tăng renin trong huyết tương (plasma renin activity – PRA).

Trong điều trị bằng ức chế men chuyển, tăng PRA làm tăng angiotensin I do đó phục hồi angiotensin II qua đường sinh học không tùy thuộc vào men chuyển. Trong điều trị bằng ức chế thụ thể angiotensin phản ứng tăng PRA làm tăng angiotensin I, II, IV làm đảo ngược tác dụng lợi tiểu natri và trương lực mạch máu.

Thuốc ức chế renin là thuốc mới được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) công nhận tháng 3/2007. Ngoài việc có tác dụng ức chế trực tiếp renin, thuốc ức chế cả angiotensin I và II do đó tránh được tác dụng phản hồi (feedback) nên hoạt tính renin không tăng. Do đó vừa hạ được huyết áp mà lại không gây tăng hoạt tính của renin.

Nằm trong nhóm này bao gồm các thuốc: aliskiren, tekturna, rasilez. Aliskiren phải uống mỗi ngày vào cùng thời gian. Một bữa ăn nhiều chất béo sẽ làm giảm hiệu ứng của thuốc. Phụ nữ mang thai phải ngừng uống thuốc vì thuốc có hại cho thai nhi.

Thuốc có thể gây phù, gây tăng kali máu, gây hạ huyết áp, tiêu chảy, dị ứng… Khi có dấu hiệu này phải ngừng thuốc ngay.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top