Tỉ lệ trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh chung còn sống sót trên thế giới là rất thấp, khoảng 8/1000 ca. Một trong số những bệnh tim bẩm sinh nguy hiểm đó là bệnh tam chứng fallot. Vậy tam chứng fallot là gì? Dấu hiệu nhận biết của bệnh và điều trị như nào cho hiệu quả? Mời bạn theo dõi thông tin dưới đây.
Tam chứng fallot là gì
Tam chứng Fallot là một bệnh tim bẩm sinh loại tím thứ hai. Bệnh này gồm ba tổn thương chính là hẹp động mạch phổi, thông vách liên nhĩ tim và phì đại thành tâm thất phải phối hợp lại tạo thành. Tuy không gặp nhiều như tứ chứng fallot nhưng tam chứng fallot lại là căn bệnh rất nguy hiểm về tim bẩm sinh. Cần được theo dõi sát sao để điều trị.
Biểu hiện của bệnh tam chứng fallot
Khi mắc bệnh tam chứng fallot bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Lúc còn nhỏ:
– Khó thở
– Nhanh mệt mỏi
– Da và niêm mạc tím tái
Khi lớn dần:
– Triệu chứng khó thở và dấu hiệu tím tái và niêm mạc nhợt nhạt càng tăng lên.
– Các đầu ngón tay, ngón chân dày lên và bạnh ra như hình dùi trống. Dấu hiệu ngón tay, ngón chân như hình dùi trống thường thấy trong một vài bệnh phổi và bệnh tim mãn tính.
– Mạch nhanh, huyết áp tối đa thường giảm xuống thấp.
Khi xét nghiệm và chụp X quang:
– Trên phim chụp X quang, thấy tim to về bên phải do tâm nhĩ phải và tâm thất phải to ra.
– Trên vùng tim nghe thấy một tiếng thổi tâm thu và ráp. Rõ nhất ở vùng tương đương với lỗ van động mạch phổi (ở liên sườn hai – ba bên trái, sát cạnh xương ức).
– Thử máu của bệnh nhân mắc bệnh tam chứng fallot cũng thấy tỷ lệ huyết sắc tố tăng lên trên 100%. Khối lượng hồng cầu tăng lên nhiều so với của người bình thường (6-7 triệu hồng cầu trong lmm3 máu).
– Khi thông tim, thấy áp lực trong tâm nhĩ phải và tâm thất phải cao, còn áp lực trong động mạch phổi thì quá thấp so với áp lực động mạch phổi của người bình thường.
– Trên phim chụp X quang cản quang các buồng tim hàng loạt thấy hình ảnh giống như trong bệnh hẹp động mạch phổi. Đôi khi có thể thấy được sự trào máu có thuốc cản quang từ tâm nhĩ phải sang tâm nhĩ trái qua lỗ thông liên nhĩ tim.
Tuổi thọ trung bình của những bệnh nhân này không kéo dài hơn tuổi thọ của các bệnh nhân mắc bệnh hẹp động mạch phổi đơn thuần.
Các phương pháp điều trị bệnh tam chứng fallot
Bệnh tim bẩm sinh tam chứng fallot muốn điều trị khỏi hoàn toàn thì chỉ có phương pháp phẫu thuật. Có hai phương pháp phẫu thuật hiện nay đang được sử dụng là mổ kín và mổ xẻ.
Phẫu thuật tam chứng fallot
Phương pháp mổ kín
Mổ kín là phương pháp bảo tồn để điều trị tam chứng fallot. Mục đích của phương pháp phẫu thuật này là mở rộng lỗ hẹp động mạch phổi và khâu hoặc kín lỗ thông liên nhĩ.
Đại đa số các trường hợp mở rộng lỗ van động mạch phổi qua thành tâm thất phải bằng một dụng cụ đặc biệt, không khâu hay vá kín lỗ thông vách liên nhĩ, cho kết quả khá.
Sau khi mổ, những bệnh nhân này lại tiếp tục đi học được và có thể làm được công việc lao động thông thường loại trung bình.
Phương pháp mổ xẻ
Đây là phương pháp được các bác sĩ khuyên dùng nhất bởi phương pháp này điều trị triệt để bệnh tam chứng fallot. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi ta có phương tiện gây mê hồi sức tốt, có máy móc hiện đại như máy tim-phổi nhân tạo thì việc thực hiện càng đơn giản, nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Mổ xẻ giúp mở lỗ thông van động mạch phổi và khâu hay vá kín lỗ thông vách liên nhĩ trên “tim khô” trong điều kiện tuần hoàn ngoài cơ thể và hạ thể nhiệt nhân tạo.
So sánh về hai phương pháp mổ kín và mổ xẻ
Kết quả mổ xẻ điều trị bệnh tam chứng fallot bằng phương pháp mổ hở trên “tim khô” tốt hơn nhiều so với phương pháp mổ kín. Tuy nhiên mổ xẻ lại có nhiều nguy hiểm hơn phương pháp mổ kín. Vì trong khi mổ, phải tạm thời loại hẳn tim ra khỏi hệ thống tuần hoàn chung.
Tuy vậy phương pháp mổ xẻ vẫn được đại đa số phẫu thuật viên chuyên khoa tim mạch đều ưa thích. Bởi như đã nói trên, chỉ có phương pháp này mới điều trị hoàn toàn được bệnh tam chứng fallot.
Như vậy, bệnh tam chứng fallot là căn bệnh tim bẩm sinh nguy hiểm, cần được hiểu đúng, hiểu rõ và điều trị sớm. Hy vọng thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn đọc tìm hiểu về căn bệnh này.