Loét da không chỉ khiến sức khỏe của các cụ giảm sút nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng xấu đến sự hồi phục của những căn bệnh khác đi kèm. Vì thế, tránh loét da cho người cao tuổi, lưu ý chăm sóc để tránh tình trạng tăng nặng là cần thiết. Vậy làm sao để tránh loét da cho người cao tuổi cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân gây loét da
Có nhiều nguyên nhân gây loét da ở người cao tuổi. Một số bệnh nhân đái tháo đường sau vài năm mắc bệnh bắt đầu xuất hiện những vết loét ở tay, chân, lưng, cổ và mặt. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu quá cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ, dẫn đến suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Vì thế, ngay cả khi gặp những vết thương nhỏ, người bệnh đái tháo đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng, vết thương do đó khó lành và dễ lan rộng, sâu.
Chế độ dinh dưỡng cũng là một nguyên nhân khiến loét da trở nên phổ biến hơn ở người cao tuổi. Vì tuổi cao nên một số cụ không còn thấy ngon miệng, họ ăn uống ngày càng ít hơn. Răng yếu hoặc còn quá ít khiến các cụ không thể ăn những món chứa nhiều chất xơ như rau củ… Những điều này sẽ khiến cơ thể các cụ dần thiếu máu và giảm các dưỡng chất quan trọng như protein, khoáng chất, vitamin. Đây là nguyên nhân làm các mô dưới da ít mỡ và mỏng hơn, đồng thời cũng dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với vật rắn.
Loét da còn thường gặp ở những cụ bị bệnh phải ngồi hoặc nằm một chỗ. Vùng da thường xuyên bị tì đè dễ bị loét lớp da mỏng ngoài cùng rồi vào sâu trong lớp mỡ và mô dưới da, cuối cùng là hoại tử hoặc loét cơ.
Cần chú ý chăm sóc cẩn thận
Một số cụ không còn cảm giác đau đớn khi bị tổn thương thần kinh do mắc các bệnh như tai biến mạch máu não, chấn thương cột sống hoặc biến chứng thần kinh. Do đó, họ không hề biết về tình trạng da của mình đang bị loét để thông báo cho người nhà. Nhiều cụ lại mặc quần áo quá chật làm da cọ xát, tiếp xúc nhiều hoặc da thường xuyên bị ẩm ướt vì không làm chủ được đại, tiểu tiện sẽ rất dễ dẫn đến loét da và viêm nhiễm. Nếu không quan tâm chăm sóc các cụ chu đáo, người nhà sẽ khó phát hiện sớm các vết loét.
Theo bác sĩ Lương Văn Đến, chuyên khoa Lão khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM: “Khi bị loét da, cần có chế độ chăm sóc cẩn thận; nếu không, có thể xảy ra những biến chứng khó lường. Nhiều trường hợp người nhà phát hiện loét da khi đã quá trễ nên dù cố gắng, vẫn phải cắt bỏ phần thịt đã hoại tử hoặc nguy hiểm hơn sẽ gây tử vong. Phát hiện càng sớm, càng dễ điều trị vết loét”.
Khi phát hiện các cụ bị loét da, nên tránh cho nằm các loại nệm thông thường (có thể thay bằng các loại đệm hơi chống loét). Nếu vết loét không có mủ, nên vệ sinh một lần/ngày; với vết loét có mủ, vệ sinh ít nhất hai lần/ngày để tránh vi khuẩn làm vết loét rộng hơn.
Có thể sử dụng một số mỡ kháng sinh bôi vào vết loét để diệt vi khuẩn và giúp vết loét mau liền sẹo. Với vết loét sâu, hoại tử, cần cắt lọc sạch đến phần da còn lành để kích thích mô da mới phát triển.
Với các cụ bị bệnh đái tháo đường, nếu bị loét da thì tình trạng vết loét chỉ có thể tiến triển tốt khi vừa được điều trị để ổn định đường huyết vừa chăm sóc vết loét cẩn thận.
Cách phòng ngừa loét da cho người cao tuổi
Bên cạnh việc điều trị, phải hạn chế tối đa việc tì đè hoặc tác động tiêu cực lên vết loét. Những cụ bị liệt hoặc ốm nặng phải nằm lâu trên giường cần được thay đổi tư thế liên tục, khoảng 2 giờ/lần. Với những cụ phải ngồi xe lăn, cần nhấc cụ ra khỏi mặt ghế xe lăn thường xuyên, cách mỗi 30 phút.
Cần kiểm tra tất cả vùng da mỗi ngày, chú ý để các vùng da tiếp xúc được với không khí thoáng mát. Thường xuyên quan sát kỹ để phát hiện sớm các vùng da đỏ, bất thường trên cơ thể các cụ.
Nên thay quần áo và giữ da các cụ luôn sạch, khô ráo. Trời nắng, nên lau mồ hôi và luôn giữ da khô. Với các cụ đại, tiểu tiện không tự chủ, cần làm vệ sinh liên tục, sạch sẽ. Tốt nhất, nên có hai chiếc giường để các cụ thay phiên sử dụng.
Không nên lạm dụng các loại thuốc ngủ làm các cụ ít có cơ hội vận động. Có thể giúp các cụ tăng cường hoạt động cơ thể bằng các động tác nhẹ nhàng đơn giản.
Khi tắm cho người già, nên sử dụng bồn hoặc bể nước ấm, massage nhẹ, tránh kỳ cọ, chà xát mạnh gây tổn thương da. Dùng xà phòng, sữa tắm có độ pH thấp, không gây dị ứng cho da. Chọn sữa tắm không thích hợp dễ khiến da nứt nẻ, vi khuẩn dễ xâm nhập.
Những cụ bị suy tĩnh mạch cần được điều trị kịp thời như phẫu thuật, uống thuốc… Cần loại bỏ gấp các nguyên nhân chủ yếu này để bệnh không có nguy cơ lan rộng và các biện pháp chữa trị vết loét mới nhanh đạt hiệu quả.
Nên chọn cho các cụ giày dép vừa chân, êm ái, tốt nhất là bằng chất liệu da, vải. Thường xuyên kiểm tra bàn chân để phát hiện sớm các vết chai, các vùng bị tì đè để thay giày dép phù hợp.
Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cũng giúp các cụ không bị loét da. Cần bổ sung vitamin C, vitamin B, giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa thiếu máu. Da các cụ thường hay khô và nứt nẻ nên cần khuyến khích uống nhiều nước và thường xuyên. Có thể dùng các loại nước khoáng để bổ sung vi chất.
Nếu chủ quan để vết loét nặng và lan rộng, sẽ gây hoạt tử dẫn đến phải cắt lọc loại bỏ tế bào chết. Lúc này, bệnh nhân không chỉ phải chịu đựng những đau đớn về thể chất mà còn bị ảnh hưởng về tinh thần.