Không như người lớn, bệnh quai bị ở trẻ em thường nhẹ và ít biến chứng. Song không vì thế mà bạn chủ quan không phòng bệnh cho con hoặc chăm sóc con đúng cách khi bé mắc bệnh này.
Bệnh quai bị là gì?
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến các tuyến mang tai (một trong ba cặp của tuyến nước bọt và nằm ở phía trước dưới của tai). Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 5 đến 9 tuổi. Bé nam thường mắc bệnh nhiều hơn bé gái. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, nước bọt bị nhiễm trùng bắn ra ngoài khi nói chuyện, hắt hơi. Khi bị quai bị, tuyến mang tai có thể sưng ở một hay cả 2 bên.
Trước đây bệnh quai bị khá phổ biến ở Hoa Kỳ. Nhưng sau khi vacxin quai bị được đưa vào chủng ngừa thường quy, số trường hợp bệnh quai bị đã giảm đi đáng kể. Tại Việt Nam, hiện nay vacxin quai bị chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, do đó tỷ lệ mắc bệnh quai bị trong cộng đồng còn cao. Các biến chứng của bệnh quai bị hiếm gặp nhưng khi xảy ra thường nghiêm trọng, ví dụ như là điếc vĩnh viễn.
Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh quai bị. Dịch quai bị vẫn xảy ra ở Hoa Kỳ, và quai bị vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó chủng ngừa quai bị vẫn là một vấn đề quan trọng.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh quai bị
Một số người bị nhiễm virus quai bị có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ. Thường khoảng 2-3 tuần sau khi tiếp xúc với virus thì triệu chứng bắt đầu xuất hiện, có thể gồm:
- Sưng đau tuyến nước bọt ở một hoặc cả hai bên của khuôn mặt (viêm tuyến mang tai)
- Sốt
- Đau đầu
- Yếu và mệt mỏi
- Chán ăn
- Đau khi nhai hoặc nuốt
Triệu chứng đầu tiên của quai bị là tuyến nước bọt sưng làm cho má phình ra. Thật ra, “quai bị” là một thuật ngữ cũ dùng để diễn đạt cục u hay bướu bên trong má.
Khi nào đi khám bác sĩ
Nếu bạn nghi ngờ bạn hoặc con bạn bị quai bị, hãy đi khám bác sĩ. Điện thoại hẹn trước để bạn không phải đợi lâu ở phòng chờ khám, nhằm hạn chế lây nhiễm cho người khác. Nhờ chích ngừa nên hiện nay bệnh quai bị không còn phổ biến, do đó các dấu hiệu và triệu chứng của bạn hoặc con bạn có thể do 1 tình trạng khác gây ra. Sốt và sưng tuyến nước bọt có thể là dấu hiệu của viêm amidan hoặc tắc ống tuyến nước bọt.
Các virus khác cũng có thể gây tuyến mang tai và bệnh cảnh giống quai bị.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây bệnh quai bị?
Nguyên nhân của bệnh quai bị là virus quai bị, lây dễ dàng từ người sang người qua nước bọt bị nhiễm. Nế bạn không có miễn dịch, bạn có thể bị bệnh quai bị do hít phải những giọt nước bọt của người bệnh khi họ hắt hơi hoặc ho. Bạn cũng có thể bị bệnh quai bị khi dùng chung đồ dùng hoặc ly với người bị bệnh quai bị.
Biến chứng
Biến chứng của bệnh quai bị
Các biến chứng của bệnh quai bị thường nghiêm trọng, nhưng hiếm khi xảy ra.
Hầu hết các biến chứng của quai bị liên quan đến viêm và sưng ở một số cơ quan trong cơ thể, bao gồm:
Tinh hoàn.Viêm tinh hoàn làm cho một hoặc cả hai tinh hoàn sưng tẩy ở nam giới đến tuổi dậy thì. Viêm tinh hoàn gây đau tại chỗ nhưng hiếm khi dẫn đến vô sinh (mất khả năng làm cha)
Tuyến tụy. Đau ở vùng bụng trên, buồn nôn và nôn có thể là biểu hiện của biến chứng viêm tụy cấp.
Buồng trứng và vú. Phụ nữ đến tuổi dậy thì có thể bị biến chứng viêm buồng trứng hoặc ngực (viêm vú). Khả năng sinh sản ít khi bị ảnh hưởng.
Não. Nhiễm virus quai bị có thể dẫn đến viêm não, đôi khi đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề.
Màng và chất dịch bao quanh não và tủy sống. Tình trạng này được gọi là viêm màng não, có thể xảy ra nếu virus quai bị đi theo đường máu vào hệ thần kinh trung ương.
Các biến chứng khác
Điếc. Hiếm khi xảy ra, nhưng khi xảy ra thường gây điếc vĩnh viễn, ở một hoặc cả hai tai.
Sẩy thai. Mặc dù chưa được chứng minh, nhiễm quai bị trong thời gian mang thai, đặc biệt trong giai đoạn sớm của thai kỳ, có thể dẫn đến sẩy thai.
Điều trị
Điều trị bệnh quai bị
Bệnh quai bị do siêu vi gây ra, do đó kháng sinh không có hiệu quả.Giống như hầu hết các bệnh do virus khác, không có thuốc làm ngăn chặn tiến triển của bệnh. May mắn thay, hầu hết trẻ em và người lớn phục hồi không biến chứng trong vòng hai tuần.
Nhìn chung, một tuần sau khi được chẩn đoán bệnh quai bị bạn được xem như hết truyền nhiễm và có thể trở lại trường học hay làm việc.
Phòng ngừa
Phòng ngừa bệnh quai bị thế nào?
Bạn được xem là miễn dịch với bệnh quai bị nếu trước đây bạn đã bị quai bị hoặc đã chủng ngừa quai bị.
Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên cho bé nghỉ ngơi, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, cho bé ăn những thức ăn mềm và dễ tiêu hóa. Hiện nay chúng ta có thể phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng cách tiêm ngừa quai bị để tạo miễn dịch chủ động cho bé lúc bé được 12 tháng tuổi.
Thuốc chủng ngừa bệnh quai bị thường được sản xuất dưới dạng kết hợp sởi-quai bị-rubella (MMR). Khuyến cáo tiêm hai liều vắc-xin MMR cho trẻ trước tuổi đi học:
- Liều đầu tiên ở độ tuổi từ 12 đến 15 tháng
- Liều thứ hai ở độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi, hoặc từ 11 đến 12 tuổi nếu trước đó chưa chích liều nào.
Khi có dịch quai bị bùng phát, sinh viên và nhân viên y tế được vận động chích đủ 2 liều vắc xin MMR vì 1 liều duy nhất không đủ để bảo vệ trong thời gian xảy ra dịch.
Đối tượng không cần chủng ngừa vắc-xin MMR
Bạn không cần tiêm vắc xin nếu:
- Đã chích hai liều vắc-xin MMR sau 12 tháng tuổi hoặc một liều vắc-xin MMR cộng với một liều vắc xin sởi
- Đã chích một liều MMR và bạn không có nguy cơ cao tiếp xúc với bệnh sởi hoặc quai bị
- Đã xét nghiệm máu chứng minh bạn có miễn dịch với bệnh sởi, quai bị và rubella
- Là đàn ông trên 55 tuổi
- Là phụ nữ trên 55 tuổi và không dự tính có thêm con nữa, đã chích ngừa rubella hoặc có xét nghiệm rubella dương tính.
Ngoài ra, vắc-xin không được khuyến cáo cho:
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ dự định có thai trong vòng bốn tuần tới
- Người có tiền sử phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng với gelatin hoặc kháng sinh neomycin
- Người suy giảm miễn dịch nặng, hoặc người đang uống steroid, trừ khi những lợi ích của vắc-xin vượt quá rủi ro.
Đối tượng nên chủng ngừa MMR
Nếu bạn không có các tiêu chuẩn trên, bạn nên chủng ngừa nếu bạn:
- Là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và hiện không mang thai
- Học đại học, trường thương mại
- Làm việc trong bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm chăm sóc trẻ hay trường học
- Có kế hoạch đi du lịch.
Đối tượng nên trì hoãn việc chủng ngừa MMR
Hãy trì hoãn chích ngừa nếu bạn:
- Đang mắc bệnh trung bình đến nặng. Hãy chờ cho đến khi bạn hồi phục.
- Đang mang thai. Hãy chờ cho đến sau khi sinh.
Đối tượng cần được bác sĩ khám trước khi chích ngừa
Bạn cần được bác sĩ kiểm tra trước khi chích ngừa quai bị nếu bạn:
- Bị ung thư
- Bị rối loạn đông máu
- Mắc bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như HIV / AIDS
- Đang điều trị thuốc có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn, chẳng hạn như steroid.
Tác dụng phụ của vắc-xin
Vắc xin MMR hầu như không có tác dụng phụ. Bạn không thể mắc bệnh quai bị do chích MMR. Một số ít trường hợp có thể bị sốt nhẹ hoặc phát ban, và một số người (chủ yếu là người lớn) có thể bị đau khớp thoáng qua. Tỷ lệ phản ứng dị ứng nặng < 1/1.000.000.
Mặc dù có nhiều mối lo ngại về sự liên quan giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ, hàng loạt báo cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), Viện Y học và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) kết luận rằng không có bằng chứng khoa học về sự liên quan này.
Chăm sóc hỗ trợ
Nghỉ ngơi là biện pháp điều trị tốt nhất.
Có rất ít phương pháp giúp đẩy nhanh sự hồi phục. Nhưng bạn có thể thực hiện một số bước để làm giảm đau, giảm khó chịu và tránh lây nhiễm cho người khác:
Nghỉ ngơi tại giường cho đến khi hết sốt.
– Cách ly bạn hoặc con bạn để tránh lây bệnh cho người khác. Người bị quai bị lây lan nhiều nhất trong vòng năm ngày đầu sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
– Dùng thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen hoặc thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen. Người lớn có thể sử dụng aspirin. Cẩn thận khi sử dụng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Mặc dù aspirin được chấp thuận cho sử dụng ở trẻ em trên 2 tuổi, nhưng đừng bao giờ dùng aspirin cho trẻ em và thanh thiếu niên có triệu chứng giống cúm. Nguyên nhân là do aspirin có liên quan đến hội chứng Reye, một bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng, nhất là ở trẻ em.
– Chườm gạc lạnh để giảm đau cho các tuyến bị sưng.
– Mặc quần nâng bìu và chườm lạnh để giảm đau cho tinh hoàn.
– Tránh những thức ăn cần phải nhai nhiều. Ăn thức ăn mềm lỏng như cháo, súp…
– Tránh các thức ăn chua, chẳng hạn như trái cây hoặc nước trái cây có vị chua, vì sẽ kích thích sản xuất nước bọt.
– Uống nhiều nước.
Cần phải theo dõi các biến chứng. Gọi bác sĩ nếu con bạn:
– Sốt 103 o F (39 o C) hoặc cao hơn
– Ăn uống khó khăn
– Lú lẫn hoặc mất định hướng
– Đau bụng
– Đau và sưng tinh hoàn ở bé trai.