Bệnh ghẻ là một bệnh da khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ. Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị chu đáo, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.
1.Nguyên nhân
Ký sinh trùng ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei hominis, hình bầu dục, có 08 chân, lưng có gai xiên về phía sau, đầu có vòi hút thức ăn đồng thời để đào hầm ở. Mỗi ngày ghẻ cái đẻ 1-5 trứng, sau 3-7 ngày trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng lột xác nhiều lần thành ghẻ trưởng thành.
2.Chẩn đoán
a)Chẩn đoán xác định
– Lâm sàng
+ Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2-3 ngày đến 2-6 tuần.
+ Thương tổn cơ bản
- Mụn nước trên nền da lành, rải rác, riêng rẽ, thường ở vùng da mỏng như ở kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh mụn nước hay gặp ở lòng bàn tay, chân.
- Đường hầm ghẻ còn gọi là “luống ghẻ” dài 3-5mm.
- Săng ghẻ thường xuất hiện ở vùng sinh dục, dễ nhầm với săng giang mai.
- Sẩn cục hay sẩn huyết thanh: hay gặp ở nách, bẹn, bìu.
- Vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể có bội nhiễm, chàm hoá, mụn mủ.
- Ghẻ Na Uy là một thể đặc biệt, gặp ở người bị suy giảm miễn dịch. Thương tổn là các lớp vảy chồng lên nhau và lan toả toàn thân, có thể tìm thấy hàng nghìn cái ghẻ trong các lớp vảy.
– Triệu chứng cơ năng
Ngứa nhiều, nhất là về đêm.
– Cận lâm sàng: soi tìm ký sinh trùng tại tổn thương.
b)Chẩn đoán phân biệt
– Tổ đỉa: thương tổn là các mụn nước nhỏ ở vùng rìa các ngón tay hay bàn tay, bàn chân, ngứa, tiến triển dai dẳng.
– Sẩn ngứa: thương tổn là sẩn huyết thanh rải rác khắp cơ thể, rất ngứa.
– Viêm da cơ địa: thương tổn dạng sẩn mụn nước tập trung thành từng đám, chủ yếu ở các chi dưới, rất ngứa, tiến triển dai dẳng.
– Nấm da: thương tổn là mảng da đỏ, các mụn nước và vảy da ở rìa thương tổn, bờ hình vòng cung, có xu hướng lành ở giữa. Ngứa nhiều, xét nghiệm tìm thấy sợi nấm.
– Săng giang mai: thương tổn là một vết trợt nông, nền cứng, không ngứa, không đau, hay gặp ở vùng hậu môn sinh dục. Kèm hạch bẹn to, thường có hạch chúa. Xét nghiệm trực tiếp soi tươi tìm thấy xoắn khuẩn giang mai tại thương tổn và hạch vùng, xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính.
4.Điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ghẻ với các mức độ hiệu quả khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn điều trị là độ tuổi, giá cả, mức độ nặng của bệnh và tính hiệu quả của các phương pháp điều trị trước đó.
Nguyên tắc điều trị
– Điều trị cho cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ… nếu phát hiện bị bệnh ghẻ.
– Bôi thuốc phải đúng cách.
– Giặt sạch, phôi khô quần áo, chăn chiếu, các đồ dùng khác.
Các thuốc điều trị
Ở người lớn, các thuốc diệt ghẻ tại chỗ nên sử dụng khắp bề mặt da, trừ vùng mặt và da đầu, và đặc biệt chú ý tới các vùng nếp kẽ, vùng sinh dục, quanh móng, sau tai. Ở trẻ em và những bệnh nhân ghẻ vảy, cần điều trị cả vùng mặt và da đầu. Bệnh nhân cần được tư vấn rằng, thậm chí khi đã điều trị đầy đủ, các dát và ngứa có thể kéo dài sau đó 4 tuần. Ngoài ra có thể sử dụng corticoid tại chỗ, kháng histamin và, nếu cần thiết là corticoid hệ thống để giảm ngứa và dát đỏ khi bệnh nhân đã sử dụng thuốc diệt ghẻ.
Tóm tắt các phương pháp điều trị ghẻ
Thuốc | Liều | Lưu ý |
Kem permethrin 5% | Bôi và lưu lại trên da 8-14 giờ, co thể nhắc lại sau 7 ngày. | Lựa chọn điều trị đầu tiên ở Hoa Kỳ. |
Lindan 1% (lotion) | Bôi và lưu lại trên da 8 giờ rồi tắm. Có thể nhắc lại sau 1 tuần. | Không khuyến cáo cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai và
cho con bú. |
Kem crotamiton 10% | Dùng trong 2 ngày liên tục, nhắc lại 1 lần trong vòng 5 ngày. | Có hiệu quả chống ngứa. |
Sulfur 5-10%
dạng sương |
Sử dụng trong 3 ngày, sau đó tắm. | An toàn cho trẻ em dưới 2 tháng, phụ nữ có thai và cho con bú, nhưng bằng chứng hiệu quả chưa cao. |
Benzyl benzoat 10% (lotion) | Bôi và lưu lại trên da 24 giờ, sau đó tắm. | |
Ivermectin, 200 µg/kg | Dùng liều duy nhất, có thể nhắc lại sau
10-14 ngày. |
Hiệu quả cao và an toàn. |
Thuốc ivermectin
Cho tới nay, ivermectin là thuốc uống duy nhất để điều trị bệnh ghẻ, có hiệu quả cao. Thuốc được tìm thấy lần đầu trong những năm 1970 trên môi trường nuôi cấy của một loài nấm actinomycete là Streptomyces avermitilis. Ivermectin có cấu trúc tương tự như kháng sinh nhóm macrolid nhưng không có hoạt tính kháng khuẩn. Cơ chế diệt ghẻ của thuốc là do ivermectin có ái lực cao với các ion chlorid ở hệ thần kinh ngoại vi của động vật không xương sống, chẹn các kênh dẫn truyền qua synap thần kinh. Kết quả làm cho KST tê liệt và chết. Đã có nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của ivermectin trong điều trị ghẻ. Một nghiên cứu cho thấy sử dụng liều đơn ivermectin có tỷ lệ khỏi bệnh là 70%; liều nhắc lại sau 2 tuần cho tỷ lệ khỏi tăng lên tới 95%.
Ở Việt Nam, các thuốc điều trị ghẻ chủ yếu vẫn là dung dịch DEP, kem crotamiton, thuốc xịt Spregal (có thành phần là esdepaletrin và piperonyl butoxid). Ngoài ra, kháng histamin tại chỗ hoặc toàn thân, corticoid tại chỗ được dùng để chống ngứa, giảm các triệu chứng do cơ thể nhạy cảm với kháng nguyên của KST ghẻ như mụn nước, chàm hóa…Các phương pháp dân gian điều trị ghẻ như lá cây ba chạc đen tắm hoặc dầu hạt máu chó. Ngoài thuốc điều trị, vấn đề vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường, cách ly, điều trị cho những người sống gần bị bệnh đóng vai trò quan trọng, quyết định kết quả điều trị bệnh ghẻ.
5.Phòng bệnh
– Vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ.
– Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.