Tầm soát tim mạch định kỳ, tránh nhiều hậu quả đáng tiếc

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý phổ biến, xuất hiện âm thầm nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ước tính, tại Việt Nam, cứ 4 người trưởng thành có ít nhất 1 – 2 người mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tỷ lệ tử vong do chứng bệnh này ngày càng tăng. Vì vậy, tầm soát tim mạch theo định kỳ, đặc biệt với những người từ 40 tuổi trở lên rất cần thiết nhằm phát hiện, phòng ngừa và giảm thiểu tối đa các biến chứng do bệnh gây ra.

Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường gặp

1.Một số bệnh tim mạch:

a.Tai biến mạch máu não:

Các thể tai biến mạch máu não (đột quỵ) thường gặp bao gồm nhồi máu não, co thắt mạch máu não, vỡ mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua hay xuất huyết não. Trong đó, thể tai biến nguy hiểm nhất là xuất huyết não vì gây ngập não thất, khiến bệnh nhân tử vong nhanh, chỉ trong 1-2 giờ.

Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não là những cơn đau đầu dữ dội, người bệnh cảm thấy chóng mặt, yếu tứ chi, hôn mê. Khả năng phục hồi sau tai biến của bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào từng thể tai biến. Ở những trường hợp tai biến nặng, người bệnh hôn mê sâu, khả năng phục hồi rất thấp, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 50%.

Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả nhất là tầm soát tốt bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch. Các đối tượng có nguy cơ tai biến cao cần phải thận trọng như người béo phì, hút thuốc lá, tiểu đường, người cao tuổi (trên 50 tuổi).

b.Bệnh động mạch vành:

tam-soat-tim-mach1

Là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp. Khi mắc bệnh, động mạch vành trở nên xơ cứng, bị thu hẹp bởi các mảng xơ vữa hoặc do co thắt mạch, cản trở máu tuần hoàn tới nuôi tim.

Bệnh động mạch vành gây tắc nghẽn máu tới nuôi tim

Các triệu chứng nhận biết sớm nhất bệnh động mạch vành rất mơ hồ. Người bệnh chỉ cảm thấy đau thắt ngực bên trái, nặng ngực, thường xuất hiện khi làm việc quá sức hay xúc động. Ngoài ra, bệnh có thể kèm theo những cơn đau đầu, chóng mặt hay khó thở. Nếu không điều trị kịp thời, tần suất xuất hiện các cơn đau thắt ở ngực ngày càng tăng, cường độ cơn đau ngày càng dữ dội. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây tử vong.

Bệnh động mạch vành tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học, rèn luyện thể dục thể thao ngay từ tuổi thanh niên. Với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như béo phì, cao huyết áp, tiền sử có người thân nhồi máu cơ tim…cần thăm khám theo định kỳ để theo dõi sức khỏe và tầm soát tim mạch sớm nhất nếu có.

c.Bệnh động mạch ngoại biên

Động mạch ngoại biên là hệ thống các động mạch vừa và nhỏ, có nhiệm vụ mang máu từ tim đến nuôi não và các cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh động mạch ngoại biên xảy ra khi các mảng bám (chất béo, mô sợi, canxi..) tích tụ trong động mạch gây xơ cứng, cản trở tuần hoàn máu.

Bệnh gồm có 2 thể:

– Bệnh Buerger: là tình trạng viêm nhiễm ở 3 lớp thành động mạch, thường xảy ra ở người trẻ tuổi, nghiện thuốc lá. Bệnh rất khó điều trị dứt điểm, kéo dài nhiều năm và có tỉ lệ đoạn chi rất cao, lên đến 95%.

– Viêm tắc động mạch: thường gặp ở người cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ. Nguyên nhân gây bệnh chính là do xơ vữa động mạch gây thiếu máu ngoại vi.

Các triệu chứng nhận biết của bệnh thường không rõ ràng, bắt đầu là những cơn đau nhói ở sau bắp chân khi vận động, đi bộ và có thể tự khỏi khi nghỉ ngơi. Về lâu dài, cơn đau ngày càng dữ dội, chân tay bắt đầu xuất hiện những vết loét, hoại tử.

d.Bệnh van tim hậu thấp

Bệnh van tim hậu thấp thường xảy ra ở những vùng khí hậu xích đạo ẩm ướt, do vi trùng Streptococus beta Hemolytique gây ra. Khi nhiễm loại vi trùng này, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, Streptococus beta Hemolytique có cấu trúc khá giống với cấu trúc của van tim và mô khớp. Vì vậy, các kháng thể cũng tấn công và gây tổn thương mô khớp và van tim.

Bệnh xảy ra ở người trẻ với các triệu chứng thường gặp là viêm họng, sốt cao, khó thở, mệt mỏi… Nếu tình trạng bệnh kéo dài mà không có phương pháp điều trị phù hợp, bệnh có thể dẫn đến suy tim, gây tử vong.

e.Bệnh tim bẩm sinh

Là bệnh lý tim mạch thường gặp ở Việt Nam, gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Triệu chứng nhận biết sớm nhất của bệnh là tình trạng khó thở, tím tái khi vận động, chạy nhảy, thường xuyên bị viêm phổi và suy dinh dưỡng nặng.

Bệnh tim mạch bẩm sinh có thể phát hiện qua siêu âm màu và phòng ngừa bằng cách trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu tuyệt đối không tiếp xúc với các hóa chất độc hại, X-quang, nhiễm siêu vi hay mắc bệnh Rubella…

d.Phình động mạch chủ bóc tách

Phình động mạch chủ bóc tách là một trong những biến chứng nặng của phình động mạch chủ. Nguyên nhân gây phình động mạch chủ bóc tách là do xơ vữa động mạch. Bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao, dù ở giai đoạn đầu với biểu hiện là các cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội, có thể khiến người bệnh ngất, hôn mê sâu.

g.Viêm cơ tim

Viêm cơ tim có thể xảy ra ở người khỏe mạnh, chưa từng mắc các bệnh lý về tim mạch và có tỉ lệ đột tử khá cao. Nguyên nhân gây bệnh có thể là các loại siêu vi trùng, nhất là siêu vi trùng loại Coxacki tấn công vào tim khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm hoặc ảnh hưởng hóa chất, hormone tuyến giáp tăng mất kiểm soát.

2.Nguyên nhân gây bệnh tim mạch phổ biến

– Tăng huyết áp

– Tăng cholesterol trong máu

– Tiểu đường

– Hút thuốc lá

– Ít hoạt động thể lực

– Thừa cân, béo phì

– Căng thẳng kéo dài

– Tuổi tác(nam giới trên 55 tuổi, nữ giới trên 65 tuổi)

Khi nào cần tầm soát sớm các bệnh tim mạch

Các triệu chứng của bệnh tim mạch thường không rõ ràng, khó nhận biết ngay từ giai đoạn đầu. Bệnh tiến triển âm thầm với các biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, cho đến khi có các dấu hiệu rõ ràng thì bệnh đã bước sang giai đoạn trầm trọng, khó điều trị và nhiều biến chứng. Do vậy, tầm soát tim mạch 2 lần/năm là cách kiểm soát bệnh hiệu quả nhất.

Những đối tượng sau cần tầm soát bệnh tim mạch sớm:

– Người luôn thấy mệt mỏi, khó thở, đau mỏi cơ bắp, thường bị chuột rút.

– Thường xuyên gặp tình trạng đánh trống ngực, hồi hộp không rõ nguyên nhân.

– Mạch đập quá nhanh hoặc quá chậm.

– Gia đình có tiền sử mắc bệnh tim.

– Người hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều.

– Người thừa cân, béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, ít vận động.

– Người thường tăng huyết áp hoặc tiểu đường.

Tầm soát tim mạch gồm những gì?

Khi tầm soát tim mạch, Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng sức khỏe, đưa ra phác đồ điều trị (nếu có bệnh) và theo dõi sau thăm khám. Các hạng mục khám tầm soát các bệnh lý về tim mạch bao gồm:

Khám lâm sàng:

Tìm hiểu tiền sử gia đình, đánh giá thể trạng, đo cân nặng, chiều cao, tính chỉ số khối cơ thể, khám tim mạch, đo huyết áp.

Chẩn đoán hình ảnh:

  • Đo điện tâm đồ ECG: Ghi lại hoạt động điện của tim, tìm ra nguyên nhân của triệu chứng đau ngực, đánh trống ngực.
  • Chụp X-quang tim phổi: Phát hiện các bất thường ở tim, phổi và các cơ quan lân cận.
  • Siêu âm tim: Kiểm tra cấu trúc và hoạt động của tim, bác sĩ có thể tìm ra nhiều điểm bất thường trong cơ tim, van tim, nhịp đập và kích cỡ to bất thường.

Thực hiện các xét nghiệm:

  • Công thức máu: Đánh giá sức khỏe tổng thể, phát hiện một số rối loạn bao gồm nhiễm trùng, thiếu máu, bệnh bạch cầu.
  • Đường huyết: Đo lượng glucose trong máu.
  • Mỡ máu: Quan tâm 4 chỉ số Triglyceride, Cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol (LDL-c) và HDL-cholesterol (HDL-c).
  • Acid Uric: Đánh giá nồng độ acid uric máu trong cơ thể.
  • Chức năng thận: Đo Creatinine huyết thanh, ure máu (BUN).
  • Men gan: Phản ánh tình trạng của gan thông qua chỉ số đo 2 loại ezym AST, ALT.
  • Tổng phân tích nước tiểu: thông qua 10 thông số.

Đo điện tim Holter ECG: 

  • Ghi điện tâm đồ liên tục trong khoảng thời gian nhất định (thường là 24 – 48 giờ), rất có giá trị để chẩn đoán bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, suy tim, bệnh cơ tim phì đại…

Bệnh tim mạch gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về lâu dài nếu không được điều trị kịp thời và là một trong những bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao hàng đầu thế giới. Vì vậy, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách thăm khám và tầm soát tim mạch theo định kỳ. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ít chất béo, đồ ngọt… thường xuyên tập luyện thể thao để kiểm soát cân nặng, huyết áp và tăng cường sức đề kháng.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top