Bệnh loãng xương là gì? Nguyên nhân, cách phòng và điều trị

Hàng ngày, bạn thấy rất nhiều quảng cáo về bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh loãng xương. Vậy bạn đã biết bệnh loãng xương là gì cùng với nguyên nhân, cách phòng chống và điều trị hiệu quả nhất? Bài viết sau, iMedicare sẽ giải đáp cụ thể các thông tin này.

A. Bệnh loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương là tình trạng bệnh lý của hệ thống xương được đặc trưng bởi sự giảm khối xương, gây tổn hại đến vi cấu trúc của tổ chức xương làm giảm độ chắc xương gây nguy cơ gãy xương.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh loãng xương theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dựa vào T-Score (phương pháp đo bằng máy DEXA tại cột sống và cổ xương đùi):

+ Bình thường: T-Score > -1,0

+ Giảm mật độ xương: -2,5 < T-Score ≤ -1

+ Loãng xương: T-Score ≤ -2,5

Tuy nhiên, khi chẩn đoán loãng xương cần lưu ý không dựa hoàn toàn vào mật độ xương mà cần kết hợp với đánh giá nguy cơ loãng xương.

B. Tác hại của bệnh loãng xương

Trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương và con số này tăng lên từng ngày.

30% phụ nữ từ 50 tuổi trở lên bị xẹp lún từ 1 đốt sống trở lên do loãng xương. Tại các nước châu Âu, cứ 30 giây lại có một người bị gãy xương do loãng xương. Ở Mỹ hàng năm có khoảng 25 triệu phụ nữ có nguy cơ loãng xương và 1,4 triệu người bị gãy xương đùi do loãng xương.

tac hai benh loang xuong

Mỗi năm, có 1/5 số trường hợp bị gãy cổ xương đùi và xẹp đốt sống do loãng xương bị tử vong. 1/3 số phụ nữ và 1/5 số nam giới có nguy cơ loãng xương. Tỷ lệ gãy xương hàng năm cao hơn tỷ lệ nhồi máu cơ tim cộng đột quỵ và ung thư vú. Nguy cơ gãy cổ xương đùi ở nam cao hơn nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Theo dự đoán, tỷ lệ gãy cổ xương đùi sẽ tăng từ 1,7 triệu người vào năm 1990 lên đến 6,3 triệu người và năm 2050, trong đó chiếm tới 50% sẽ là người châu Á.

Chi phí cho bệnh loãng xương rất tốn kém: hàng năm chi phí cho bệnh loãng xương ở Mỹ là 14 tỷ USD, ở châu Âu là 350 triệu EUR, ở Anh là 1 tỷ GBP.

Ở châu Á, tỷ lệ gãy xương do loãng xương cũng đang tăng lên đáng kể, đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển như Singapore, Hồng Kông.

Bảng chi phí trực tiếp hàng năm cho bệnh loãng xương tại Mỹ

Bệnh Tỷ lệ % Tỷ USD
Tim mạch 4,6 20,3
Loãng xương 10 13,8
Hen 15 7,5

C. Nguyên nhân gây bệnh loãng xương

6 yếu tố sau đây là những nguyên nhân gây bệnh loãng xương thường gặp:

  1. Tuổi tác, Giới tính, chủng tộc, di truyền, tiền sử gia đình

Từ 50 tuổi trở lên, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị loãng xương, cứ 5 đàn ông thì có 1 người mắc bệnh loãng xương. Tuổi càng cao, khả năng hoạt động của tạo cốt càng giảm và hoạt động của hủy cốt bào càng tăng. Trong khi đó, sự hấp thu canxi ở ruột giảm đi và sự tái hấp thu canxi ở ống thận cũng giảm theo sự tăng của tuổi tác. Ngoài ra, ở người già, nội tiết tố cũng giảm, sự hấp thu tiền vitamin D qua da cũng giảm…

Về chủng tộc, người da trắng và châu Á có nguy cơ loãng xương cao hơn người da đen.

Về di truyền, có một số gen liên quan đến làm giảm mật độ xương và gây loãng xương.

Tiền sử gia đình thể hiện ở người có mẹ và chị gái bị loãng xương thì người đó có nguy cơ cao bị loãng xương.

2. Thể chất: người thấp bé nhẹ cân có chỉ số BMI < 19, gầy sút nhanh.

3. Lối sống: tĩnh tại, hút thuốc lá nhiều, uống rượu nhiều cũng có nguy cơ loãng xương cao hơn.

4. Dinh dưỡng: Chế độ ăn không đủ chất dinh dưỡng, thiếu canxi và các vitamin D, C…

5. Bệnh lý:

Các tình trạng gây giảm hormon sinh dục: mãn kinh, cắt buồng trứng, mất kinh nguyệt kéo dài, không sinh con…

Cường cận giáp, cường tuyến giáp, đái tháo đường phụ thuộc insulin.

Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, biến dạng cột sống.

Hội chứng Cushing, đa u tủy xương (Multiple Myeloma).

Bệnh dạ dày ruột gây rối loạn hấp thu, chán ăn, bệnh lý gan mật, suy thận, tăng canxi máu, suy tủy, sau ghép phủ tạng, bất động kéo dài, ung thư, thiếu máu huyết tán, bệnh hemoglobin, bệnh tạo xương bất toàn…

6. Sử dụng một số thuốc: Các thuốc corticoid, heparin, pheyltoin, điều trị thyroid quá liều, thuốc hóa trị liệu, tia xạ, thuốc chống động kinh, tetracyclin, cyclosporin, rifampicin…

D. Phân loại bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương được chia làm 3 loại chính:

 1.Tiên phát: do tuổi tác và tình trạng mãn kinh

2.Loãng xương thứ phát: xuất hiện do các bệnh lý và sử dụng một số thuốc gây bệnh loãng xương.

3.Loãng xương bẩm sinh: trường hợp này xảy ra do thiếu gen tổng hợp vitamin D và các loại gen khác.

E. Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán loãng xương:

1. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh loãng xương biểu hiện kín đáo, tiến triển thầm lặng và không có triệu chứng sớm cho đến khi có biểu hiện gãy xương. Các triệu chứng cơ năng đầu tiên của loãng xương có thể liên quan đến quá trình xẹp đốt sống, gãy xương đùi hoặc xương ngoại vi như xương cẳng tay, xương dưới đòn.

  • Đau cột sống do xẹp các đốt sống: Triệu chứng này xuất hiện tự nhiên hoặc liên quan tới gắng sức hoặc chấn thương nhỏ. Triệu chứng này thường biểu hiện đau cột sống cấp tính, khởi phát đột ngột, không lan, không có triệu chứng chèn ép thần kinh kèm theo. Đau có tính chất cơ học: giảm rõ rệt khi nằm và giảm dần rồi biến mất trong vài tuần. Đau xuất hiện khi có một đốt sống mới bị xẹp hoặc đốt sống ban đầu bị xẹp nặng thêm. Khoảng 60% trường hợp có xẹp đốt sống do loãng xương nhưng không có biểu hiện lâm sàng.
  • Đau cột sống mãn tính do rối loạn tư thế cột sống: Sau các đợt đau cột sống cấp tính tương tự, dần dần, các đợt đau mới này sẽ xuất hiện trên nền đau cột sống mãn tính do các rối loạn tư thế cột sống gây nên. Bệnh nhân dần xuất hiện sự giảm chiều cao, gù đoạn lưng, có thể các xương sườn cuối cùng chạm vào cánh xương chậu. Các biến dạng này làm cho bệnh nhân đau cột sống và đau do cọ sát sườn và chậu.
  • Gãy xương: Các vị trí thường gặp là đầu trên xương đùi, xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay.
  • Bên cạnh đó bệnh nhân có thể có các biểu hiện khó thở do hội chứng dạ dày ruột do các xương sườn bị yếu, không đảm nhiệm được chức năng làm điểm bám cho các cơ liên sườn và cơ bụng.

Và hậu quả là bệnh nhân có thể trở thành người tàn phế, biểu hiện về tâm thần như trầm cảm…

2. Phương pháp chẩn đoán loãng xương

Để chẩn đoán loãng xương, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện 3 phương pháp sau:

Phương pháp 1: X-quang quy ước

  • Giai đoạn sớm: Bạn có thể thấy hình ảnh tăng thấu quang, hình ảnh đốt sống răng lượ, tương ứng với sự tồn tại của các bè xương đứng thẳng. X-quang cho phép khẳng định sự mất xương chỉ khi đã có biến chứng gãy hoặc lún đốt sống. Vì khi khối lượng xương đã mất từ 30% trở lên, người bệnh mới phát hiện được. Do đó không dùng X-quang để chẩn đoán sớm.
  • Giai đoạn muộn: Thấy các biến dạng cột sống , xẹp lún đốt sống là biểu hiện rất hay gặp trong loãng xương. Đây cũng là nguyên nhân gây đau thắt lưng và tàn phế. Vấn đề xác định có xẹp lún đốt sống hay không rất quan trọng để có biện pháp điều trị kịp thời. Lý do chính là nếu bệnh nhân có một đốt sống bị xẹp thì 20% sẽ có nguy cơ bị xẹp lún đốt tiếp theo trong vòng 12 tháng và nguy cơ gãy cổ xương đùi là 2 lần.

Triệu chứng âm tính quan trọng trên hình ảnh X-quang là không có các vùng hủy xương của thân đốt sống. Các đốt sống có mật độ đồng nhất, kết đặc ở vùng mâm đốt sống.  Khi đĩa đệm không bị hẹp và các cung sau hầu như bình thường.

Chỉ định X-quang cột sống khi giảm chiều cao, gù, vẹo cột sống, lâm sàng nghi ngờ có xẹp đốt sống.

Phương pháp 2: Đo mật độ xương

Để đo mật độ xương, các bác sĩ có thẻ sử dụng 1 trong 3 phương pháp sau:

  • Phương pháp hấp thụ năng lượng tia X kép (Dual Energy Xray-Absorptionmetry – DEXA): Nguyên lý hoạt động: Hai chùm tia phát ra với bước sóng khác nhau phát đi qua vùng xương định đo mật độ xương. Khi người bệnh vị loãng xương, sự hấp thụ tia sẽ giảm. Phương pháp này sẽ thực hiện đo mật độ xương cổ xương đùi, cột sống và ở ngoại biên như xương cẳng tay, xương gót. Đặc biệt, đo mật độ xương cổ xương đùi và cột sống là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương. Phương pháp đánh giá xẹp lún đốt sống bằng kết hợp với DEXA giúp phát hiện được những trường hợp xẹp lún đốt sống mà không phát hiện được bằng X-quang thường quy.
  • Phương pháp siêu âm chỉ có ý nghĩa sàng lọc là chính.
  • Phương pháp chụp cắt lớp vi tính định lượng (QCT) cho phép bác sĩ đánh giá khối lượng xương ở vùng cột sống. Tuy nhiên, phương pháp này có giá thành đắt và bệnh nhân chịu tia xạ nhiều.

Phương pháp 3: Các xét nghiệm máu

Những xét nghiệm thường quy:

  • Tốc độ lắng máu.
  • Công thức máu.
  • Canxi, phốt pho, protein toàn phần, albumin toàn phần, phosphatase kiềm, men gan, điện giải đồ.
  • Canxi niệu.

Phương pháp này được thực hiện khi có các dấu hiệu nghi ngờ như: nam giới bị loãng xương, gãy xương không giải thích được, chỉ số Z (Z-score) thấp dưới -2, đáp ứng điều trị kém, nhiều yếu tố nghi ngờ bị loãng xương thứ phát trên lâm sàng thì bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm sau:

  • TSH
  • Testosteron máu với nam giới.
  • FSH máy, estradiol máu với nữ giới.
  • PTH máu.
  • Chất chuyển hóa vitamin D.
  • Điện di protein máu và tổng phân tích nước tiểu.
  • Sinh thiết xương.

Các dấu ấn hóa sinh:

Tạo xương Hủy xương
Huyết thanh: alkalin phosphatase đặc hiệu cho xương (BAP), amino terminal of type I collagen (PINP), osteocalcin. Propeptid C và N của clollahen typ I Những liên kết chéo pyrinium và những đoạn collagen liên quan (telopeptid C và N: CTx, NTx).

Acit phosphatase kháng tartrat hydroxyprolin

Hydroxylysin glycosid

Giá trị của dấu ấn hóa sinh:

  • Đánh giá hoạt động luân chuyển xương hoặc hiện tượng mất xương.
  • Đánh giá nguy cơ gãy xương, đặc biệt có thể sử dụng kết hợp phương pháp đo mật độ xương để đánh giá nguy cơ gãy xương.
  • Đánh giá hiệu quả điều trị ngắn hạn.
  • Cải thiện sự tuân thủ điều trị.

F. Các thuốc điều trị bệnh loãng xương

Các thuốc điều trị loãng xương có tác dụng tăng khối lượng xương, cải thiện cấu trúc và độ chắc của xương, giảm nguy cơ gãy xương. Sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử bị gãy xương do loãng xương. Ngoài ra, bệnh nhân được chẩn đoán bị loãng xương bằng phương pháp đo mật độ xương kết hợp có yếu tố nguy cơ.

dieu tri benh loang xuong

  1. Nhóm bisphosphonat

Các thuốc thuộc nhóm bisphosphonat được sử dụng rộng rãi trên thế giới như:

  • Các thuốc sử dụng qua đường uống: Alendeonat, Risedronat, Ibandronat.
  • Các thuốc sử dụng qua đường tính mạch: Pamidronat, Acid zoleddronic, Zometa.

2. Calcitonin:

Calccitonin có dạng xịt và dạng tiêm. Calcitonin do các tế bào nang tuyến giáp sản xuất, là một polypeptid gồm 32 axit amin.

Thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động của hủy cốt bào, kích thích hoạt động của tạo cốt bào. Bên cạnh đó, miacalcic có tác dụng giảm đau mạnh, giảm tổng hợp chất trung gan gây đau như prostaglandin…

Thuốc này có tác dụng phụ: gây dị ứng (rất hiếm gặp), bừng mặt, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng này hầu như sẽ hết sau 1 – 2 ngày điều trị. Thuốc dạng xịt đôi khi gây viêm mũi cho bệnh nhân.

3. Các tác nhân điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc

Raloxifen (Evista) là một chất tổng hợp có tác dụng giống estrogen nhưng chỉ tác động trự tiếp lên thụ thể estrogen tại mô xương mà không tac động lên thụ thể này tạo mô vú, nội mạc tử cung. Vì vậy thuốc này không gây tác dụng phụ như estrogen tự nhiên. Tuy nhiên, thuốc này không cải thiện được trình trạng sau mãn kinh ở một số bệnh nhân có biển hiện rối loạn sau mãn kinh.

Một số tác dụng phụ cần lưu ý của thuốc: chuột rút, bốc hỏa, nguy cơ huyết khối sâu…

  1. Hormon thay thế

Các hormon thay thế có tác dụng phòng mất xương, giảm nguy cơ gãy xương. Các thuốc này có thể xem xét sử dụng trong những trường hợp mãn kinh sớm trước 45 tuổi hoặc có những biểu hiện rối loạn sau mãn kinh.

2 loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm: estrogen và tibolon. Các thuốc này có tác dụng phụ nên chỉ định dùng thuốc cần được tư vấn bởi bác sĩ.

  1. Những thuốc khác:

Các thuốc sử dụng khác bao gồm: vitamin K (đặc biệt là vitamin K2), Parathyroid hormon, Strontiumranelate, RANKL, Hormon tăng trưởng (GH), Isoflavon.

  1. Những thuốc điều trị phối hợp

Canxi cùng với vitamin D và dẫn xuất vitamin D là những thuốc điều trị phối hợp cho người bệnh loãng xương. Canxi điều trị phối hợp cho phụ nữ có thai và trên 60 tuổi. Vitamin D và dẫn xuất vitamin D cần thiết cho sự hấp thu canxi, tăng trưởng lực cơ, phòng nguy cơ ngã.

7. Điều trị ngoại khoa khi gãy xương

– Điều trị ngoại khoa đối với gãy cổ xương đùi và các xương ngoại vi

– Điều trị ngoại khoa những trường hợp xẹp lún đốt sống do loãng xương.

G. Phòng bệnh loãng xương

Việc phòng bệnh loãng xương cần được đặt ra ngay từ khi còn nhỏ ở tất cả các lứa tuổi:

dinh duong benh loang xuong

  • Dinh dưỡng: Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, protein, canxi, vitamin D, C, vi lượng.
  • Rèn luyện thể lực: Tập thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn. Hoạt động cơ thể này sẽ giúp tăng sức chịu tải cho cơ thể ở mọi lứa tuổi, giúp xương chắc khỏe, tăng mật độ xương, giảm sự mất chất xương.
  • Tránh hút thuốc lá: Bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi 40%.
  • Tránh uống rượu: Uống rượu làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi.
  • Phòng tránh ngã: Tập luyện thể dục thể thao để tăng độ chắc cơ bắp. Khám và kiểm tra thị lực thường xuyên, tránh tác dụng phụ của những thuốc có thể gây ngã.
  • Điều trị dự phòng loãng xương bằng vitamin D và canxi. Điều này áp dụng cho người có chế độ ăn uống không đầy đủ và những bệnh nhân mắc bệnh loãng xương hoặc sử dụng các thuốc liên quan đến loãng xương, đặc biệt là khi sử dụng glucocorticoids từ 3 tháng trở lên.
  • Kiểm tra mật độ xương đối với người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Khi chỉ số T-Score giảm đi 1 SD thì nguy cơ gãy xương do loãng xương tăng lên gấp 2 lần.

Vậy là bạn đã tìm hiểu được benh loang xuong la gi kèm theo các thông tin chi tiết liên quan đến căn bệnh này. Bạn hãy tìm hiểu thêm các thông tin chi tiết về các bệnh cơ xương khớp để bảo đảm sức khỏe cho gia đình tại imedicare.vn/benh-xuong-khop/ nhé.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top