Bệnh thoái hóa khớp – Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh thoái hóa khớp gây đau đớn ở sụn khớp cho bệnh nhân. Vậy bạn đã hiểu rõ bệnh thoái hóa khớp là gì và chi tiết thông tin cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng tránh? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cụ thể thông tin này dành cho bạn.

A. Bệnh thoái hóa khớp là gì?

Bệnh thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn.

Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hóa và chấn thương.

Thoái hóa khớp liên quan đến tất cả các mô của khớp động, cuối cùng biểu hiện bởi các thay đổi hình thái, sinh hóa, phân tử và cơ sinh học cua tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hóa, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương ở rìa khớp và hốc xương dưới sụn.

B. Khả năng mắc bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp gặp ở mọi chủng tộc, dân tộc, mọi điều kiện khí hậu, kinh tế, địa lý. Tần số mắc bệnh thoái hóa khớp tăng lên theo độ tuổi.

Khả năng mắc bệnh giữa nam và nữ ngang nhau. Tuy nhiên tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở nữ cao hơn ở nam, nhưng tỷ lệ thoái hóa khớp háng ở nam cao hơn ở nữ.

C. Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp

Tổn thương cơ bản trong thoái hóa khớp xảy ra ở sụn khớp. Có 2 giả thuyết được đưa ra:

  • Thuyết cơ học: Do ảnh hưởng của các yếu tố cơ học, các vi chấn thương gây suy yếu các đám collagen, tổn hại các chất proteoglycan (PG) trong tổ chức sụn khớp.
  • Thuyết tế bào: Các tế bào sụn bị cứng lại do tăng áp lực, giải phóng các enzim tiêu protein. Những enzim này hủy hoại dần dần các chất cơ bản trong tổ chức sụn, là nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp.

D. Cơ chế sinh bệnh thoái hóa khớp

Bệnh thoái hóa khớp hình thành dựa trên cơ chế sau:

  • Vai trò của các cytikines tiền viêm: interleukin-1β (IL-1β) và yếu tố hoại tử u (TNFα) là những cytokin tiền viêm chủ yếu gây nên quá trình dị hóa trong thoái hóa khớp. IL-1β là yếu tố chính trong việc phá hủy sụn khớp, kích hoạt các enzim. Trong khi đó TNFα gây ra quá trình viêm.
  • Vai trò của nitric ocid (NO): các gốc tự do tham gia quá trình dị hóa sụn. NO được tổng hợp từ L-ariginin dưới tác động của men nitric oxid synthase cảm ứng (NOS), các men này được tổng hợp nhanh sau khi các tế bào bị kích thích do một cytokin nhất định. Trong bệnh thoái hóa hớp, sụn khớp tiết nhiều NO so với sụn bình thường. NO thúc đẩy IL-1β gây bệnh thoái hóa khớp chủ yếu bằng cách ức chế tổng hợp các chất căn bản sợi collagen và tăng hoạt tính của metalloprotease.
  • Thay đổi sinh hóa học và cơ học lớp xương dưới sụn: Các proteoglycan chất căn bản bị mất dần và các lưới sợi collagen bị thoái hóa làm tổn thương cấu trúc và sự toàn vẹn chức năng của tổ chức. Đồng thời làm tăng bất thường các enzim proteolytic đặc biệt là metalloprofease (MMPs). Bề mặt sụn bị bào mòn dần dần và xơ hóa. Các mảng vỡ rơi vào dịch khớp và bị các tế bào đại thực bào màng hoạt dịch thực bào nên thúc đẩy quá trình viêm xảy ra nhanh hơn.

E. Phân loại bệnh thoái hóa khớp

Theo nguyên nhân xảy ram bệnh thoái hóa khớp được chia làm 2 loại: nguyên phát và thứ phát

  1. Bệnh thoái hóa khớp nguyên phát

Nguyên nhân bệnh thoái hóa khớp nguyên phát do:

  • Sự lão hóa là nguyên nhân chính nhưng xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi. Bệnh nhân bị tổn thương nhiều vị trí, tiến triển chậm, mức độ không nặng.
  • Yếu tố di truyền: Những yếu tố như hàm lượng collagen và khả năng tổng hợp PG của sụn được mang tính di truyền. Mới đây, các bác sĩ đã phát hiện sự đa dạng về hình thể của gen collagen typ 2 trong một gia đình mắc bệnh thoái hóa khớp ở giai đoạn sớm.
  • Yếu tố nội tiết và chuyển hóa: thời kỳ mãn kinh, bệnh đái tháo đường, bệnh loãng xương do nội tiết.
  1. Bệnh thoái hóa khớp thứ phát

Phần lớn bệnh thoái hóa khớp thứ phát là do các nguyên nhân cơ giới, bệnh phát sinh do những rối loạn làm thay đổi đặc tính của sụn và làm tổn thương bề mặt khớp. Bệnh hay gặp ở mọi lứa tuổi (thường ở người trẻ dưới 40), khu trú một vài vị trí, nặng và bệnh tiến triển nhanh.

  • Tiền sử chấn thương: Các chấn thương như gãy xương khớp, cal lệch, đứt dây chằng khớp vai, tổn thương sụn chêm hoặc sau cắt sụn chêm, vi chấn thương liên tiếp do nghề nghiệp (khớp bàn tay, khớp vai của võ sĩ quyền anh, khớp khuỷu của công nhân vận hành búa máy, khớp gối của vận động viên bóng rổ hoặc cử tạ, khớp cổ chân của diễn viên múa bale, cột sống của thợ mỏ than…)…
  • Những dị dạng bẩm sinh và rối loạn phát triển như loạn sản và trật khớp háng bẩm sinh, lồi ổ cối.
  • Tiền sử phẫu thuật: cắt sụn chêm…
  • Tiền sử bệnh xương: Bệnh Paget hoặc hoại tử xương.
  • Rối loạn chảy máu: 90% bệnh nhân Hemophilie có tràn máu khớp, gặp ở khớp gối, cổ chân, khuỷu tay. Trán máu tái phát gây tăng sinh màng hoạt dịch, thúc đảy sự tiến triển bệnh thoái hóa khớp thứ phát.
  • Bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa:

+ Bệnh to đầu chi: tăng hormon quá mức làm sụn khớp dày lên, mất tính đàn hồi chịu lực.

+ Bệnh Cushing và sử dụng corticosteroid kéo dài: corticosteroid ức chế chức năng tạo cốt bào gây cường cận giáp thứ phát, kích thích hoạt động hủy cốt bào và thúc đẩy quá trình hủy xương dưới sụn.

+ Các tinh thể lắng đọng trong dịch khớp: tinh thể urat (bệnh Gout), Calciumpyropphosphat dihydrate (CPPD).

+ Bệnh da xạm nâu hay alcapton niệu: do một enzim bị khiếm khuyết dẫn đến tích tụ sắc tố trong sụn gây thoái hóa tế bào sụn.

+ Bệnh nhiễm sắc tố có sự lắng đọng sắt trong sụn khớp và màng hoạt dịch.

F. Triệu chứng lâm sàng bệnh thoái hóa khớp

Bệnh thoái hóa khớp biểu hiện với các triệu chứng sau đây:

  • Đau khớp: thường liên quan đến vận động. Người bệnh đau âm ỉ, cơn đau tăng khi vận động, thay đổi tư thế, giảm đau về đêm và khi nghỉ ngơi. Cơn đau diễn biến thành từng đợt, có thể dài hoặc ngắn tùy theo từng trường hợp. Khi đợt đau kết thúc, bệnh nhân có thể hết đau. Sau đó lại táu phát đợt đau khác hoặc có thể đau liên tục tăng dần.
  • Hạn chế vận động: các động tác của khớp bước lên hoặc xuống cầu thang, đang ngồi ghế đứng dậy, ngồi xổm, đi bộ lâu thì xuất hiện cơn đau…
  • Biến dạng khớp: Thường do mọc các gai xương, do lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch.
  • Có tiếng lục khục khi vận động khớp.
  • Dấu hiệu “phá rỉ khớp” là dấu hiệu cứng khớp buổi sáng kéo dài không quá 30 phút.
  • Có thể sờ thấy các “chồi xương” ở quanh khớp.
  • Teo cơ: do ít vận động.
  • Tràn dịch khớp: đôi khi gặp, do phản ứng viêm thứ phát của màng hoạt dịch.
  • Bệnh thoái hóa khớp thường không có biểu hiện toàn thân.

G. Phương pháp chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp qua thăm dò hình ảnh

  1. X quang quy ước

Bệnh thoái hóa khớp chẩn đoán qua hình ảnh X quang quy ước có 3 dấu hiệu cơ bản:

  • Hẹp khe khớp: khe không đồng đều, bờ không đều.
  • Đặc xương dưới sụn: gặp ở phần đầu xương, trong phần xương đặc thấy một sô hốc nhỏ sáng hơn.
  • Mọc gai xương: Ở phần tiếp giáp giữa xương, sụn, và màng hoạt dịch. Giai xương có hình thô và đậm đặc, một số mảnh rơi ra nằm trong ổ khớp hay phần mềm quanh khớp.

2. Chụp cộng hưởng từ – CHT (MRI)

Phương pháp này có thể quan sát được hình ảnh khớp một cách đầy đủ, rõ ràng trong không gian 3 chiều. Từ đó bác sĩ có thể phát hiện được các tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.

Về lý thuyết, các kết quả đối chiếu giữa cộng hưởng từ (MRI) với nội soi khớp cho thấy có sự tương ứng giữa 2 phương pháp này trong việc đánh giá tình trạng thương tổn sụn. Tuy nhiên, nội soi khớp vẫn được lựa chọn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp.

3. Nội soi khớp (Athroscopy)

Nội soi khớp (NSK) là một thủ thuật cho phép quan sát trực tiếp ổ khớp nhờ hệ thống thấu kính với nguồn ánh sáng lạnh qua một ống dẫn nhỏ, bằng cách quan sát trực tiếp bằng mắt trên một màn hình vô tuyến màu, cho phép đánh giá rất chính xác về mức độ, tình trạng, phạm vi và định khu được các tổn thương của sụn, màng hoạt dịch, dây chằng… Các tổn thương không thể phát hiện được trên X quang thông thường.

NSK còn cho biết mức độ canxi hóa của sụn khớp, điều mà khó nhìn thấy khi chụp X quang cũng như lấy bệnh phẩm xét nghiệm. Nội soi khớp còn cho phép phân tích tổng thể phần xương dưới sụn, đặc biệt là khi tổn thương có chiều hướng bị loét. Đôi khi thương tổn này cứng như ngà voi mà ta có thể cảm nhận được thông qua que thăm dò. Hoặc nhìn thấy trực tiếp bằng mắt những mảnh sụn thoái hóa bong ra, trôi nổi trong dịch khớp.

Sinh thiết màng hoạt dịch kết hợp khi nội soi để làm các xét nghiệm tế bào, sinh hóa, miễn dịch cho phép chẩn đoán chính xác hơn các tổn thương bệnh lý trong khớp.

4. Siêu âm khớp

Thực hiện phương pháp siêu âm khớp, bác sĩ có thể phát hiện được:

  • Hẹp khe khớp.
  • Gai xương: hình tăng âm có bóng cản liên tục với vỏ xương ở ngoại vi của khớp.
  • Tràn dịch khớp: thường thấy ở túi cùng trên trong, trên ngoài và túi cùng trên xương bánh chè.
  • Mảnh xương sụn tự do trong ổ khớp: thường gặp ở túi cùng trên xương bánh chè, biểu hiện hình tăng âm kèm bóng cản, di động.
  • Dày bao hoạt dịch.
  1. Chụp cắt lớp vi tính CT scanner

Phát hiện các tổn thương của sụn khớp. Tuy nhiên không thấy rõ tổn thương của màng hoạt dịch.

  1. Chụp xạ hình xương Scintigraphie

Hình ảnh tăng hấp thu phóng xạ tại xương dưới sụn ở khớp bị thoái hóa.

  1. Chụp bơm thuốc cản quang vào ổ khớp

Hiện nay, phương pháp này ít được ứng dụng.

H. Phương pháp chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp qua xét nghiệm

Các bác sĩ thường thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu và sinh hóa: tốc độ lắng máu bình thường, số lượng bạch cầu bình thường, CRP có thể tăng khi có viêm thứ phát màng hoạt dịch.
  • Dịch khớp: Bình thường hoặc có tính chất viêm mức độ ít trong các đợt tiến triển. Dịch thường có màu vàng, độ nhớt hình thường hoặc giảm nhẹ, có dưới 1000 tế bào trên 1mm3.

I. Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán xác định dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp theo hội thấp khớp y học Mỹ (American College of Rheumatology) năm 1991:

Thoái hóa khớp gối Thoái hóa khớp háng Thoái hóa khớp bàn ngón tay
1.       Mọc gai xương ở rìa khớp (X quang)

2.       Dịch khớp là dịch thoái hóa

3.       Tuổi trên 38

4.       Cứng khớp dưới 30 phút

5.       Lục khục khi cử động

1.       Đau khớp háng hầu như cả ngày

2.       Tốc độ máu lắng < 20 mm ở giờ thứ nhất.

3.       X quang chỏm xương đùi và/hoặc ổ cối có gai xương

4.       Hẹp khe khớp háng

1.       Đau và/hoặc cứng bàn tay trong các tháng trước đó.

2.       Kết đặc xương tối thiểu 2 trong 10 khớp đã được lựa chọn.

3.       Sưng tối thiểu 2 khớp bàn ngón

a-      Kết đặc xương tối thiểu một khớp ngón xa hoặc

b-      Biến dạng tối thiểu 1 trong 10 khớp

Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1,2,3,4 hoặc 1,2,5 hoặc 1,4,5 Chẩn đoán xá định khi có yếu tố 1,2,3 hoặc 1,2,4 hoặc 1,3,4 Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1,2,3a hoặc b

K. Chẩn đoán phân biệt

  1. Viêm khớp dạng thấp

– Viêm khớp dạng thấp thể một khớp:

Khi viêm khớp dạng thấp thể một khớp (VKDT) chỉ ở 1 khớp lớn, chẩn đoán phân biệt với thoái hóa khớp đôi khi khó khăn, cần dựa vào các yếu tố sau:

+ Dịch khớp: dịch chứa nhiều bạch cầu trên 5000/1mm3, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính cao. Độ nhớ giảm so với khớp thoái hóa và mucintest (+).

+ Xét nghiệm máu: tốc độ máu lắng tăng, CRP tăng, yếu tố dạng thấp dương tính, anti CCP (+).

+ X quang có hiện tượng bào mòn và mất khoáng ở đầu xương thành dải, khe khớp hẹp, nham nhở.

  • Viêm khớp dạng thấp thể nhiều khớp

Viêm khớp dạng thấp hay gặp ở khớp ngón gần và khớp cổ tay.

Bệnh thoái hóa khớp: khớp ngón xa, khớp ngón 1 bàn tay.

Những dấu hiệu lâm sàng của viêm khớp dạng thấp để chẩn đoán phân biệt:

+ Biểu hiện viêm khớp và giảm chức năng vận động nhiều.

+ Nhiều khớp cùng bị tổn thương, thường ở khớp bàn tay, đối xứng.

+ Tiến triển nhanh hơn.

+ Dấu hiệu cứng khớp buổi sáng trên 1 giờ.

+ Có biểu hiện toàn thân: sốt, thiếu máu do viêm.

2. Bệnh cột sống huyết thanh âm tính

– Viêm khớp vảy nến: bệnh lý kết hợp thương tổn vảy nến ở da hoặc móng và tình trạng viêm khớp ở chi và/hoặc cột sống.

– Bệnh Reiter: biểu hiện một tam chứng gồm viêm khớp, viêm niệu đạo, viêm kết mạc mắt. Đôi khi kèm tổn thương ngoài da (ban đỏ dạng nốt).

– Viêm cột sống dính khớp: Viêm khớp cùng chậu và cột sống, khớp háng, khớp gối.

  1. Bệnh khớp liên quan đến bệnh lý ruột

– Viêm loét đại tràng hay gặp ở khớp gối cổ chân. Đặc điểm viêm khớp không bào mòn kết hợp viêm đại tràng.

– Bệnh Crohn: Viêm khớp cùng chậu, viêm cột sống hoặc các  chi dưới phối hợp với viêm loét đại tràng.

  1. Viêm khớp vi tinh thể

– Bệnh Gout: thường biểu hiện viêm khớp cấp tính ở khớp chi dưới (khớp ngón cái, cổ chân, khớp gối). Xét nghiệm tăng axit uric máu, có tinh thể hình kim trong dịch khớp.

– Bệnh giả gút (Pseudogout):  có thể cùng tồn tại với bệnh thoái hóa khớp. Nguyên nhân do sự lắng đọng của các tinh thể Calcium pyrophosphate dihydrate ở khớp. X quang có những vết vôi hóa ở sụn khớp. Dịch khớp có các tinh thể hình thoi.

L. Các thể bệnh thoái hóa khớp lâm sàng

1. Thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối chiếm 80% trường hợp ở nữ.

thoai hoa khop goi

Nguyên nhân:

  • Các dị tật của trục khớp gối
  • Khớp gối quay ra ngoài
  • Khớp gối quay vào trong
  • Khớp gối quá duỗi
  • Các di chứng của bệnh khớp gối: di chứng chấn thương, vi chấn thương do nghề nghiệp. Ngoài ra còn có di chứng viêm (viêm khớp dạng thấp, lao xương, lao khớp, viêm mủ…), chảy máu trong khớp (hemophilie)…

Triệu chứng:

  • Đau khớp gối khi nghỉ và ban đêm.
  • Cứng khớp khi không vận động vào buổi sáng dưới 30 phut.
  • Giảm khả năng vận động (khó khăn trong vận động một vài động tác).
  • Có tiếng lục khục khi cử động.
  • Tăng cảm giác đau xương.
  • Sờ thấy ụ xương.
  • Nhiệt độ da vùng khớp bình thường hoặc ấm lên không đáng kể.

2. Thoái hóa khớp háng

Nam thường mắc bệnh thoái hóa khớp háng nhiều hơn nữ. Châu Á ít gặp thoái hóa khớp háng nhiều hơn châu Âu.

Nguyên nhân:

Thoái hóa khớp háng thứ phát chiếm 50% với những nguyên nhân sau:

  • Loạn sản và trật khớp háng bẩm sinh.
  • Chỏm khớp dẹt là hậu quả của loạn sản sụn chỏm xương đùi (bệnh Legg – Perthes – Calve).
  • Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi do viêm tắc động mạch nuôi dưỡng đầu xương đùi…
  • Lồi ổ cối bẩm sinh.
  • Di chứng chấn thương, vi chấn thương.
  • Di chứng viêm như lao, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm mủ…

Triệu chứng:

  • Cơ năng:

+ Đau ở vùng bẹn và phần trên mông, lan xuống đùi, có khi chỉ đau ở trước đùi và khớp gối. Đau xuất hiện từ từ tăng dần, đau tăng khi đi lại, đứng lâu, thay đổi thời tiết. Cơn đau giảm khi nghỉ ngơi. Có thể có dấu hiệu “phá rỉ khớp” khi khởi động.

+ Hạn chế vận động: lúc đầu khó làm một số động tác như ngồi xổm, lên xe đạp, bước lên các bậc thang… Về sau, các hoạt động này bị hạn chế nhiều, đi khập khiễng, phải chống gậy.

  • Thực thể:

+ Các điểm đau ở mặt trước khớp và phần trên mông.

+ Đo thấy chân bệnh ngắn hơn chân lành trong một số trường hợp.

+ Hạn chế vận động một số động tác: lúc đầu là duỗi cố và quay, về sau hạn chế các động tác khác nhất là gấp.

  • X quang:

+ Hẹp khe khớp phần ngoài

+ Đặc xương dưới sụn

+ Mọc gai xương

3.Thoái hóa khớp bàn tay

Thoái hóa khớp bàn tay thường gặp ở khớp bàn ngón xa (hạt Heberden), hoặc khớp ngón gần (hạy Bouchard), hoặc ở khớp bàn ngón cái.

Triệu chứng: thường ít đau, hạn chế vận động khớp.

4.Thoái hóa khớp bàn ngón chân I

Triệu chứng: đau, viêm khớp bàn ngón I cho viêm bao khớp

Chụp X quang có gai xương.

5.Gai xương gót

Triệu chứng: đau vùng gót chân đặc biệt khi ngủ dậy, khi đặt gót chân xuống đất.

Chụp X quang có hình ảnh mọc gai xương gót chân.

M. Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp

Việc điều trị bệnh thoái hóa khớp chủ yếu hướng đến mục tiêu: giảm đau; duy trì và tăng khả năng vận động; hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp; tránh các tác dụng phụ của thuốc; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

1. Điều trị nội khoa:

– Vận động hợp lý: tránh cho khớp bị quá tải vận động và trọng lượng, giảm trọng lượng cơ thể với các bệnh nhân béo phì. Sửa chữa các tư thế xấu gây lệch trục khớp.

– Vật lý trị liệu: nhằm giảm đau, duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị đau gân và cơ kết hợp.

– Nhiệt điều trị: siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao.

– Sử dụng thuốc điểu trị triệu chứng như thuốc giảm đau, corticosteroid

– Sử dụng thuốc điều trị theo cơ chế bệnh sinh: cần được duy trì trong thời gian dài (trung bình 1 tháng). Sử dụng Glucosamin sulfat, Chondroitin sulfat và những chế phẩm kết hợp 2 loại này.

– Sử dụng thuốc ức chế cytokin, thuốc ức chế phả hủy sụn, bổ sung chất nhày dịch khớp, nhóm bisphosphonat.

2. Điều trị ngoại khoa

Việc điều trị ngoại khoa thường được chỉ định khi hạn chế chức năng nhiều hoặc đau khớp không đáp ứng với các phương thức điều trị nội khoa. Các phương thức điều trị ngoại khoa được sử dụng:

  • Nội soi khớp
  • Đục xương chỉnh trục (Osteotomy)
  • Cấy tế bào sụn tự thân – ghép sụn
  • Vi gãy
  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo

N. Phòng bệnh thoái hóa khớp

Để phòng tránh bệnh thoái hóa khớp, bạn hãy thực hiện:

  • Chống tư thế xấu trong lao động và sinh hoạt.
  • Tránh các tác động quá mạnh, đột ngột.
  • Kiểm tra định kỳ đối với những người lao động nặng.
  • Chống béo phì với chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý.
  • Chế độ vận động thể dục thể thao hợp lý: Tập các bài tập chạy bộ khi khớp chưa tổn thương (chụp X quang khe khớp còn bình thường). Đi bộ hoặc đạp xe tại chỗ là biện pháp tập luyện tốt nhất.
  • Phương pháp thủy trị liệu (tập luyện dưới nước và bơi) là phương pháp tốt đối với người mắc bệnh thoái hóa khớp. Đặc biệt là khi đã có tổn thương trên hình ảnh X quang.

phong tranh benh thoai hoa khop

  • Với nghề nghiệp của bệnh nhân: tìm các biện pháp để bệnh nhân thích nghi với điều kiện làm việc và tình trạng bệnh, dựa trên nguyên tắc tránh cho khớp tổn thương, không bị quá tải.
  • Phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp để điều trị kịp thời.

Thiết bị y tế Việt Mỹ hy vọng với bài viết này, bạn đã được tìm hiểu về benh thoai hoa khop cùng các thông tin chi tiết về bệnh này. Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top