Khi cho con bú, mẹ thường hay gặp phải những vấn đề gì? Căng tức ngực, tắc tia sữa, hay viêm vú? Bài viết sau đây sẽ cùng bạn giải quyết những vấn để đó thật nhanh chóng.
4 vấn đề thường gặp khi cho con bú
Sữa mẹ là thức ăn hoàn thiện và tốt nhất cho trẻ từ khi sinh ra đến 6 tháng tuổi. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ đảm bảo trẻ phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, mẹ cũng hạn chế được những bệnh nguy hiểm ở trẻ như suy dinh dưỡng, các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp ở trẻ.
Tuy nhiên,trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, có những vấn đề xảy ra do kinh nghiệm của mẹ ít nên con bú không hiệu quả và chính mẹ cũng không thoải mái:
1.Căng sữa
Hiện tượng: Một vài ngày sau khi sinh, mẹ sẽ cảm thấy vú nóng, nặng và cứng. Đôi khi vú căng sữa và có cảm giác như nổi cục mặc dù sữa vấn chảy tốt. Đây là hiện tượng căng sữa thường gặp.
Xử lý: Mẹ hãy cho con bú thường xuyên để hút bớt sữa ra. Trong vòng 1 – 2 ngày, vú mẹ sẽ tự điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ và sẽ hết căng nhanh thôi.
2. Núm vú đau và nứt, rịn máu
Hiện tượng: Núm vú có thể đóng mày. Phần da tổn thương và đầu vú ửng đỏ. Mỗi lần cho con bú, mẹ cảm thấy rất đau.
Xử lý: Vệ sinh sạch sẽ núm vú. Mẹ hãy để vú thông thoáng, tiếp xúc với không khí, rồi nặn một ít sữa mẹ, thoa nhẹ nhàng để làm mềm đầu vú. Nếu trẻ mút làm mẹ quá đau, mẹcó thể dùng tay nặn sữa ra. Khi đã bớt đau, mẹ hãy tập cho trẻ bú lại và phải cho trẻ ngậm bắt núm vú đúng cách. Để nặn sữa ra, mẹ có thể sử dụng máy hút sữa chạy bằng điện cho nhanh chóng.
3.Cương tức tuyến vú, ống dẫn sữa bị tắc
Hiện tượng: Khi vú quá căng, một phần so sữa, một phần do các mô bị phù nề làm cản trở lưu thông sữa. Vú căng to, bóng phù nề; có thể thấy một khối u cứng đỏ,đau, thường là do một trong những ống dẫn sữa bị tắc.
Nguyên nhân: Điều này thường là do mẹ không cho con bú hoặc trẻ ngậm bắt vú không đúng cách, thời gian của mỗi cữ bú ngắn nên sữa không hút ra tốt.
Xử lý:Dùng khăn ấm chườm, xoa vú nhẹ nhàng, vắt sữa bằng tay hoặc dùng máy hút sữa để thoát lưu bớt sữa ra ngoài. Nếu mẹ không cho con bú trước đó, mẹ hãy cố gắng cho trẻ bú thường xuyên hơn.
4.Viêm vú
Hiện tượng: Mẹ sẽ thấy vú rất đau, có triệu chứng sốt, một phần vú bị sưng cứng, bề mặt da chỗ sưng ửng đỏ, sờ vào thấy nóng. Viêm vú dễ bị nhầm với cương tức tuyến vú. Tuy nhiên mẹ có thể phân biệt được. Viêm vú chỉ ở một phần của vú còn cương tức tuyến vú thường xuất hiện ở toàn bộ một hoặc hai bên vú.
Nguyên nhân: Đây thường là hậu quả của một tình trạng cương tức tuyến vú hoặc tắc ống dẫn sữa mà không được chữa trị kịp thời.
Xử lý: Để người mẹ nghỉ ngơi, đắp gạc ấm, dùng thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm.Tuy nhiên, việc quan trọng nhất khi điều trị là phải cải thiện sự lưu thông của sữa, nghĩa là phải chỉnh lại cách ngậm bắt vú cho trẻ, tư thế cho bú tốt, mặc áo rộng, không quá bó… Đặc biệt cố gắng ngăn ngừa không để diễn tiến thành áp xe vú, vì khi đa thành ổ áp xe chứa mủ sẽ phải phẫu thuật áp xe thoát lưu mủ.
Trẻ bú như thế nào là hiệu quả và đúng cách?
Để trẻ bú có hiệu quả, trẻ phải ngậm cả quầng vú và các mô bên dưới. Điều này nghĩa là trẻ ngậm cả phần có chứa các xoang sữa vào sâu họng để tạo ra một đầu vú dài,trong đó núm vú thật sự chỉ chiếm 1/3 chiều dài. Khi mút, lưỡi sẽ có nhu động làm ép “đầu vú” lên vòm miệng của trẻ, đẩy sữa từ các xoang sữa chảy vào miệng.Khi trẻ ngậm vú đúng cách thì miệng và lưỡi trẻ sẽ không chà sát vào da và núm vú, tránh làm trầy xước đầu vú của mẹ. Ngậm bắt núm vú đúng cách có thể nhận biết qua các biểu hiện sau:
- Miệng trẻ há rộng, cằm chạm vào bầu vú mẹ.
- Môi dưới của trẻ đưa ra ngoài.
- Phần vú còn lại ngoài miệng nhìn thấy được ở phí trên nhiều hơn phía dưới.
- Trẻ mút chậm, hai má phình đầu. Thỉnh thoảng mẹ nghe thấy tiếng nuốt ực ực. Nếukhông ngậm bắt vú đúng cách, trẻ sẽ phải cố gắng mút mạnh để nhận được sữa. Khi đó, miệng và lưỡi trẻ chà sát vào đầu núm vú, gây trầy xước da và nứt đầu vú; thậm chí vú bị ứ sữa gây cương tức và có thể gây ra các vấn đề trên.
Cho trẻ bú đúng cách có thể tránh những đau đớn, vấn đề khi cho con bú. Chính vì vậy, các mẹ cần chú ý đến việc cho trẻ ngậm bắt vú đúng cách, tư thế ngồi thoải mái… Khi đó, trẻ mới thật sự nhận được đầy đủ nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ.