Động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ ở ngực, đi lên 2 bên cổ (gồm động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải) và đưa nhánh vào não. Chức năng của động mạch cảnh là đưa máu từ tim lên nuôi dưỡng não. Động mạch cảnh bị hẹp hoặc tắc nghẽn được gọi là bệnh động mạch cảnh hoặc hẹp động mạch cảnh.
Hẹp động mạch cảnh xảy ra khi mảng xơ vữa (hình thành từ cholesterol, calcium, và mô xơ) phát triển dày lên từ thành mạch, làm giảm lưu lượng dòng máu tới não. Mảng xơ vữa có thể gây huyết khối, tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển làm tắc mạch máu não. Vì vậy, bệnh hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân gây nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua.
Nguyên nhân bệnh Hẹp động mạch cảnh
Bệnh động mạch cảnh gây ra bởi sự tích tụ các mảng bám trong động mạch làm giảm lượng máu cung cấp cho não. Các mảng bám được hình thành bởi cholesterol, canxi, mô sợi và các mảnh vụn tế bào. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây hẹp động mạch cảnh như:
- Phình mạch.
- Viêm động mạch.
- Bóc tách động mạch.
- Chứng loạn sản của sợi cơ (fibromuscular dysplasia).
- Tổn thương mô sau xạ trị (hoại tử do bức xạ).
- Sự co thắt của các mạch máu.
Triệu chứng bệnh Hẹp động mạch cảnh
Hầu hết người bị bệnh hẹp động mạch cảnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi mức độ hẹp của động mạch trở nên trầm trọng hơn. Số khác có một số triệu chứng điển hình của thiếu máu não thoáng qua như sau:
- Yếu, tê hoặc liệt chân, tay; không kiểm soát được vận động của tay, chân.
- Mờ hoặc mù một mắt trong vài giây, vài phút hoặc vài giờ.
- Khó nói hoặc không nói được.
- Lú lẫn.
- Khó nuốt.
Có bệnh nhân chỉ bị một triệu chứng, số khác bị nhiều triệu chứng cùng lúc. Nếu bệnh nhân tự phục hồi hoàn toàn trước 24 giờ thì tình trạng này được gọi là thiếu máu não thoáng qua. Còn nếu tình trạng này tồn tại hơn 24 giờ và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm thì được gọi là tai biến mạch máu não.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hẹp động mạch cảnh
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh hẹp động mạch cảnh. Trong đó, có những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đó là:
- Người cao tuổi: tỷ lệ mắc bệnh động mạch cảnh cao hơn khi tuổi tác tăng lên.
- Người béo phì, uống nhiều rượu, bia: có nguy cơ cao tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và dẫn tới hẹp động mạch cảnh.
- Người hút thuốc lá nhiều: nicotin trong khói thuốc gây kích ứng lớp lót bên trong động mạch, làm tăng nhịp tim, cao huyết áp, dễ gây bệnh động mạch cảnh.
- Người mắc bệnh tiểu đường: bệnh đái tháo đường làm giảm khả năng tiêu thụ chất béo, khiến bệnh nhân có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và hẹp động mạch cảnh.
- Người bệnh tăng huyết áp: áp lực quá lớn trên thành động mạch làm suy yếu động mạch, khiến chúng dễ bị tổn thương, bị hẹp.
- Bệnh nhân mỡ máu cao: mức cholesterol lipoprotein thấp và triglyceride cao trong máu làm tích tụ mảng bám trong động mạch, gây hẹp động mạch cảnh.
- Tiền sử gia đình: nguy cơ mắc bệnh động mạch cảnh cao hơn nếu trong gia đình có người bị xơ vữa động mạch hoặc mắc bệnh mạch vành.
- Người ít vận động, tập thể dục.
Phòng ngừa bệnh Hẹp động mạch cảnh
Để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh động mạch cảnh, bệnh nhân cần:
- Không hút thuốc.
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh.
- Hạn chế cholesterol và chất béo trong chế độ ăn, tốt nhất là không ăn các thực phẩm chế biến sẵn.
- Tăng cường ăn rau, trái cây và các loại hạt. Tỏi, dâu, táo, hành, nước ép nho, trà xanh,… là các loại thực phẩm có thể làm giảm mức cholesterol trong máu và giảm tình trạng đông máu hiệu quả.
- Ăn ít muối.
- Luyện tập thể dục thường xuyên để cải thiện sự dẻo dai của hệ thống tim và mạch máu, có thể đảo ngược quá trình tắc nghẽn động mạch, giúp tim khỏe hơn và giảm huyết áp
- Hạn chế uống rượu bia.
- Thư giãn, thả lỏng bằng những bài tập thở sâu, ngồi thiền hay yoga để giảm căng thẳng, mệt mỏi.
- Kiểm soát các bệnh mạn tính, điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp cao,…
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc hoặc ngừng thuốc.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý mới xuất hiện.