Hẹp động mạch phổi là một khuyết tật tim bẩm sinh, thường được chẩn đoán trong vòng vài giờ đầu tiên sau khi sinh. Trong bệnh hẹp động mạch phổi, van tim cho phép máu ra khỏi tim đến phổi của trẻ (van động mạch phổi) có cấu tạo không bình thường.
Tổng quan Hẹp động mạch phổi
Van động mạch phổi là một trong bốn van tim đảm nhiệm chức năng đóng mở khi có máu ra vào tim. Van động mạch phổi có cấu tạo hai lá mỏng. Trong mỗi nhịp tim đập, van mở ra khiến máu được đẩy ra khỏi tim lên phổi để trao đổi khí qua động mạch phổi. Kết thúc nhịp đập, van đóng lại để ngăn ngừa máu chảy ngược về tim. Khi xảy ra hẹp van tim, một hoặc cả hai lá van bị lỗi hoặc quá dày, các van không mở đúng cách khiến lưu lượng máu qua không đủ. Vì vậy, máu không thể di chuyển bình thường để lấy oxy từ phổi mà thay vào đó, một lượng máu đi đến phổi qua các con đường tự nhiên khác trong tim và các động mạch ở tim.
Bệnh hẹp van động mạch phổi là một khiếm khuyết hiếm gặp, xảy ra với tần suất ngang nhau giữa các bé trai và bé gái. Tình trạng này thường liên quan đến dị tật tim bẩm sinh được gọi là tứ chứng Fallot.
Nguyên nhân bệnh Hẹp động mạch phổi
Giống như hầu hết các bệnh tim bẩm sinh, nguyên nhân gây hẹp động mạch phổi chưa được biết rõ.
Nguyên nhân gây bệnh hẹp động mạch phổi thường có liên quan đến một số dị tật tim bẩm sinh như:
- Còn ống động mạch (PDA).
- Hẹp động mạch phổi với vách ngăn tâm thất còn nguyên vẹn (PA/IVS). Bệnh có thể đi kèm tình trạng van ba lá kém phát triển hoặc tâm thất phải kém phát triển và các mạch máu nuôi tim bất thường.
- Hẹp động mạch phổi với thông liên thất. Đây là mức độ nặng nhất của tứ chứng Fallot.
Triệu chứng bệnh Hẹp động mạch phổi
Nếu trẻ sinh ra với chứng hẹp động mạch phổi, các triệu chứng sẽ được nhận thấy ngay sau khi sinh. Triệu chứng hẹp động mạch phổi có thể xuất hiện trong vòng vài giờ đến vài ngày.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh hẹp động mạch phổi là:
- Da xanh hoặc xám (chứng xanh tím)
- Da lạnh, tái nhợt và ẩm ướt
- Thở nhanh hoặc khó thở
- Bú kém, khó thở tăng khi bú
Với trẻ nhỏ và người lớn bị hẹp van mức độ trung bình hoặc nặng, các triệu chứng sẽ xuất hiện khi gắng sức, bao gồm:
- Tức ngực
- Ngất
- Mệt mỏi
- Tăng cân chậm, chậm lớn ở những trẻ mắc bệnh nặng
- Khó thở, đặc biệt là khó thở khi gắng sức
- Chướng bụng
- Da xanh xao hoặc xanh tím ở một số bệnh nhân.
- Khám tim có âm thổi, mức độ to hay nhỏ tùy thuộc vào độ hẹp của van động mạch phổi cũng như các dị tật tim khác đi kèm.
Những người hẹp van tim mức độ nhẹ đến trung bình thường ít gặp phải biến chứng của bệnh nhưng khi hẹp van tim mức độ cao hơn, người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng sau:
- Nhiễm trùng do viêm nội tâm mạc: là bệnh thường xảy ra ở những người có bất thường trong cấu trúc tim bẩm sinh.
- Phì đại tâm thất phải: khi bị hẹp động mạch phổi nặng, tâm thất phải cần bơm với lực mạnh hơn để tăng lượng máu vào động mạch phổi, về lâu dài cơ tâm thất sẽ dày lên, làm tăng diện tích buồng tâm thất, cuối cùng cơ tim trở nên xơ cứng và suy yếu.
- Rối loạn nhịp tim: xảy ra do hẹp van ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền điện tim.
- Suy tim: xảy ra sau giai đoạn phì đại tâm thất phải, khiến tim khó bơm máu lên phổi và lấy máu từ các cơ quan về tim, gây tình trạng khó thở, mệt mỏi, phù chi.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hẹp động mạch phổi
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây hẹp động mạch phổi như:
- Mẹ bị nhiễm rubella hoặc các siêu vi khác trong thời kỳ đầu của thai kỳ
- Bố hoặc mẹ có dị tật tim bẩm sinh
- Uống rượu khi mang thai
- Hút thuốc trước hoặc trong khi mang thai
- Mẹ bị đái tháo đường không kiểm soát
- Mẹ bị lupus ban đỏ là một rối loạn tự miễn
- Sử dụng một số loại thuốc trong khi mang thai như isotretinoin trị mụn, một số loại thuốc chống co giật và một số loại thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, …
- Trẻ mắc hội chứng Down là một bệnh di truyền do thừa một nhiễm sắc thể số 21
Phòng ngừa bệnh Hẹp động mạch phổi
Các biện pháp phòng ngừa bệnh hẹp động mạch phổi diễn tiến nặng bao gồm:
- Có chế độ dinh dưỡng tốt: trẻ có thể trải qua một giai đoạn khó khăn để ăn đủ năng lượng cần thiết do trẻ dễ mệt khi ăn và nhu cầu năng lượng tăng lên. Hãy cho trẻ ăn thường xuyên và chia thành nhiều bữa nhỏ.
- Kháng sinh phòng ngừa: bác sĩ tim mạch có thể sẽ khuyên trẻ nên sử dụng thuốc kháng sinh phòng ngừa trước khi làm các thủ thuật nha khoa và các thủ thuật khác để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào máu và lây nhiễm cho lớp lót bên trong tim (gây ra bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng). Thực hành vệ sinh răng miệng tốt, đánh răng và dùng chỉ nha khoa, khám răng thường xuyên là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Giúp trẻ năng động: khuyến khích trẻ chơi và tham gia các hoạt động mà cơ thể trẻ chịu được, tạo nhiều cơ hội cho trẻ nghỉ ngơi và có thời gian ngủ trưa. Hoạt động thường xuyên giúp tim khỏe mạnh. Khi trẻ lớn, hãy trao đổi với bác sĩ tim mạch về những hoạt động tốt nhất cho trẻ. Nên tránh một số môn thể thao quá giới hạn cho phép như các môn đối kháng.
- Tuân thủ lịch chủng ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng như các vắc-xin dịch vụ khác như vắc-xin ngừa cúm, vắc-xin ngừa viêm phổi do phế cầu.