Bệnh tay – chân – miệng đang bùng phát vào đúng dịp tựu trường của các bé. Bố mẹ cần lưu ý đường lây truyền của bệnh cũng như chú ý khi có con đang trong độ tuổi đến trường nhé.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt có thể từ 1 – 3 ngày hay 5 – 7 ngày tùy từng diễn biến của bệnh, kèm theo trẻ nổi nốt loét trong miệng khiến trẻ đau, quấy khóc, kém ăn và nổi hồng ban bóng nước ở những vị trí đặc trưng khác như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, đùi, bẹn hay bộ phận sinh dục ngoài.
Biến chứng của bệnh
Virus gây bệnh tay chân miệng đa phần là lành tính nhưng nó cũng có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và sẽ dẫn đến tử vong nếu như không được điều trị sớm
Tại sao cần chú ý bệnh tay chân miệng mùa tựu trường?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ thường xuất hiện vào thời tiết giao mùa ẩm ướt, rất dễ lây lan trong môi trường đông người như trường học, có thể gây biến chứng co giật, suy hô hấp, phù phổi và nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Trong khi đó bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc… Khi đi học, trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi.
Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, ly chén, khăn, quần áo. Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.
Chính vì những lý do đó mà mùa tựu trường các bé đi học ba mẹ và cô giáo cần hết sức lưu ý bệnh tay chân miệng. Bệnh này có thể lây trực tiếp và gián tiếp dễ dàng:
– Lây trực tiếp: Thông qua đường tiêu hoá khi các bé ăn uống chung hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ trẻ mắc bệnh.
– Lây gián tiếp: Qua bàn tay hoặc cầm, nắm vật dụng bị nhiễm virus (thường là đồ chơi, bàn ghế hay tay nắm cửa), sau đó trẻ vô tình cho tay vào miệng.
Bệnh tay chân miệng khiến bé sốt cao
Đề phòng bệnh tay – chân – miệng
Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, cả cha mẹ cô giáo tại trường phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày. Đôi bàn tay của cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là thời điểm trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã… Cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi.
Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tay chân miệng ở trẻ
Vệ sinh cá nhân kém: Điều này làm tăng cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể.
Thường xuyên tiếp xúc với nhiều trẻ ở nơi công cộng: Làm tăng nguy cơ mắc bệnh do tính chất truyền nhiễm dễ lây lan.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng khi nào hết lây?
Thông thường những vết mụn nước sẽ tự biến mất sau 1-2 tuần. Như vậy gần như là bé đã khỏi bệnh.
Để tránh lây lan bệnh sang người khác, cha mẹ nên cách ly con mình từ 1 tuần đến 10 ngày không cho bé đi học, bé sẽ khỏe hẳn và khỏi bệnh hoàn toàn, không còn khả năng lây truyền bệnh cho những đối tượng khác.
Bố mẹ cần làm gì khi con bị bệnh?
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ bị tay chân miệng, cha mẹ nên cho con đến các cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, phụ huynh cần cẩn thận theo dõi, quan sát trẻ, đồng thời cũng nên xin phép cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan.
Các dấu hiệu nặng của bệnh bao gồm trẻ quấy khóc, sốt cao liên tục, li bì, vật vã, hôn mê, da xanh tái hay khó thở, thở nhanh, run tay chân, nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng, không ăn uống được.
Các con đi học sẽ khiến bệnh tay chân miệng càng dễ lây lan, vì vậy cả phụ huynh và giáo viên cần đặc biệt chú ý hơn nữa vì sức khỏe của các bé.