Bạn đã biết về bệnh viêm cơ tim – một trong những căn bệnh nguy hiểm có thể gây suy tim chưa? Cùng TBYT iMediCare tìm hiểu những điều cần biết về bệnh viêm cơ tim dưới đây để có những thông tin hữu ích, đáng giá về căn bệnh tim mạch này nhé.
Bệnh viêm cơ tim là gì?
Viêm cơ tim là tình trạng lớp cơ ở thành tim bị viêm, thường là do nhiễm trùng. Nếu không được phát hiện và điều trị phù hợp, viêm cơ tim có thể dẫn tới nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm khác như rối loạn nhịp tim, suy tim…
Nguyên nhân gây viêm cơ tim
Viêm cơ tim có thể xảy ra khi bạn bị nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, tiếp xúc với các chất độc hoặc một số loại thuốc. Bệnh cũng có thể xảy ra do phản ứng tự miễn của cơ thể. Tuy nhiên, nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới bệnh viêm cơ tim.
Những điều cần biết về bệnh viêm cơ tim
Triệu chứng cảnh báo viêm cơ tim
Nếu nhận thấy mình có các dấu hiệu, triệu chứng sau, bạn nên cảnh giác với bệnh viêm cơ tim: Hay thấy đau tức ngực, nặng ngực, khó thở, thở hổn hển, rối loạn nhịp tim, khó ngủ.
Hãy đi khám ngay nếu thấy mình có những triệu chứng này vì nếu không được điều trị, bệnh viêm cơ tim có thể gây rối loạn chức năng cơ tim nghiêm trọng, dần dần dẫn tới suy tim. Người bệnh suy tim có thể thấy khó thở khi đang nghỉ ngơi, khó thở ngay cả khi nằm xuống, bị sưng phù chân… rất khó chịu.
Ngoài ra, viêm cơ tim cũng có thể gây rối loạn nhịp tim, khiến bạn bị nhịp tim nhanh, trống ngực, choáng ngất và thậm chí là ngừng tim đột ngột.
Viêm cơ tim được chẩn đoán thế nào?
Cách chẩn đoán viêm cơ tim chính xác nhất là làm sinh thiết cơ tim. Tuy nhiên, do đây là thủ tục xâm lấn, các bác sỹ sẽ ít khi sử dụng cách này để chẩn đoán viêm cơ tim.
Thay vào đó, họ thường đề nghị bạn chụp cộng hưởng từ (MRI), đo điện tâm đồ (ECG) hoặc siêu âm tim… để đo hiệu quả của cơ tim, kiểm tra chức năng van tim, từ đó chẩn đoán viêm cơ tim.
Điều trị viêm cơ tim
Trong đa số các trường hợp viêm cơ tim do virus, cơ thể sẽ dần tự phục hồi chức năng bơm máu của tim và việc điều trị sẽ chỉ nhắm mục đích kiểm soát triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, nếu chức năng bơm máu của tim không cải thiện hoặc có xu hướng suy yếu dần, các bác sỹ có thể cho bạn dùng thêm thuốc để cải thiện khả năng bơm máu, giảm áp lực cho tim…
Trong trường hợp viêm cơ tim nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần phải sử dụng các thiết bị trợ giúp tuần hoàn để hỗ trợ chức năng tim, cấy ghép máy khử rung tim để phòng ngừa tình trạng ngừng tim đột ngột, thậm chí là cấy ghép tim.
Biện pháp phòng ngừa viêm cơ tim
Tiêm vaccine cúm hàng năm có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus, từ đó bảo vệ bạn khỏi bệnh viêm cơ tim. Bạn cũng nên tránh sử dụng các loại thuốc kích thích, hạn chế uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá vì chúng có thể làm suy yếu cơ tim.
Để phòng ngừa bệnh viêm cơ tim, phòng ngừa suy tim, bạn cũng nên duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống tốt cho tim mạch (ăn nhiều rau củ, trái cây tươi)… để tăng cường miễn dịch, chống lại các virus gây viêm cơ tim.
Theo dõi nhịp tim hàng ngày là cách tốt nhất
Để theo dõi tim mạch cũng như sức khỏe, bạn nên dùng máy theo dõi nhịp tim hàng ngày hoặc bất cứ lúc nào thấy cơ thể thay đổi. Nhịp tim là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá dấu hiệu sinh tồn của con người, vì vậy thiết bị theo dõi nhịp tim là rất cần thiết. Bạn cũng có thể dùng thiết bị theo dõi nhịp tim tích hợp theo dõi huyết áp bằng máy đo huyết áp iMediCare, hoặc máy SPO2 iMediCare. Hai thiết bị này đều có kèm theo dõi nhịp tim rất tiện dụng và dễ dàng.
Hy vọng bạn đã có thêm kiến thức về bệnh viêm cơ tim cũng như cách chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh hàng ngày sau khi đọc bài viết trên đây. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng kênh sức khỏe của TBYT iMediCare.