Da trên người, hay trên một bộ phận nào đó trên cơ thể bạn bỗng chốc nổi gồ lên, chúng ngứa ngáy và ửng đỏ, gọi là bệnh mề đay. Bạn lo lắng tình trạng nổi mề đay là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
>> Cách phòng tránh bệnh cho trẻ nhỏ vào mùa mưa tháng 7
>> Cách chữa viêm mũi dị ứng mùa hè không cần dùng thuốc
Nổi mề đay là bệnh gì?
Nổi mề đay là những vùng da nổi gồ lên, đỏ và ngứa do hậu quả của phản ứng dị ứng.
Nổi mề đay xảy ra như thế nào?
Các mảng mề đay xuất hiện là hậu quả của phản ứng trong cơ thể đối với tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như thức ăn, thuốc, côn trùng cắn- đốt. Nổi mề đay cũng xảy ra do phản ứng của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng hay căng thẳng tâm lý. Trong quá trình đáp ứng lại các chất kích thích, cơ thể sẽ tạo ra một hóa chất gọi là Histamin và phóng thích chúng, gây ra hiện tượng nổi mề đay. Histamine làm cho da đỏ, sưng và ngứa. Thường khó xác định được các kích thích tố gây nên nổi mề đay.
Triệu chứng nổi mề đay là gì?
Đó là các vùng da nổi gồ lên đó, rất ngứa, có thể thay đổi về hình dạng và kích thước. Bạn có thể có một hay nhiều nốt nổi mề đay. Nổi mề đay có thể xuất hiện bất cứ chỗ nào trên cơ thể. Thông thường nhất là chúng nổi trên cánh tay, chân và thân người. Mảng mề đay có thể kéo dài vài phút hoặc nhiều ngày. Nổi mề đay gây khó chịu và thường hay tái phát.
Nếu cơ thể phản ứng quá mạnh, như đối với vết ong chích chẳng hạn – thì gương mặt và cổ họng bạn sẽ sưng phù lên. Rất hiếm khi nổi mề đay gây trở ngại về đường thở, gây bộc phát cơn suyễn nghiêm trọng hoặc gây tắt nghẽn đường thở do sưng phù.
Làm sao để bạn biết là bạn bị nổi mề đay?
Bạn hãy xem mình có phản ứng gì với những điều sau không:
- Thức ăn (đặc biệt là trứng, sò, sữa, quả hạch, dâu, thuốc nhuộm hoặc các chất phụ gia khác)
- Các loại thuốc (như penicillin, aspirin, các loại thuốc sulfa ).
- Các loại thảo mộc và phấn hoa.
- Lông thú.
- Vết cắn hay đốt của côn trùng.
- Bạn phơi mình ở nơi quá nóng, quá lạnh hoặc nắng gắt.
Điều trị mề đay như thế nào?
Phương pháp điều trị mà bác sĩ đề nghị sẽ tùy vào mức độ của bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị bạn làm một hay nhiều cách theo hướng dẫn sau đây để giảm ngứa hay giảm sưng phù:
- Ngâm mình trong bồn nước ấm hay chườm mát.
- Tránh nhiệt độ cao hay chà xát chúng vì điều này làm phóng thích nhiều histamine hơn.
- Dùng thuốc kháng histamine theo toa để làm giảm phản ứng dị ứng.
Nếu các mảng mề đay là trầm trọng hoặc không đáp ứng với các điều trị trên, bác sĩ có thể cho bạn dùng steroid bằng đường uống (ví dụ như thuốc Prednisone).
Nổi mề đay kéo dài trong bao lâu?
Hiện tượng ngứa, sưng đỏ trong bệnh nổi mề đay có thể kéo dài hàng giờ, hàng tuần hoặc hàng tháng. Hầu hết các trường hợp nối mề đay cuối cùng đều tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng khi dùng các thuốc như kháng histamine hoặc corticoid sẽ giúp khỏi bệnh nhanh hơn. Điều trị bằng thuốc cũng làm giảm ngứa và ngăn ngừa các cơn nổi mề đay kế tiếp.
Nổi mề đay mãn tính thì kéo dài lâu hơn. Thông thường (hơn 50 % trường hợp) không xác định được nguyên nhân. Thuốc kháng histamin thường rất hiệu quả. Nổi mề đay tự động khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng nhưng chúng có thể tái đi tái lại nhiều lần.
Làm thế nào để ngăn ngừa mề đay tái phát?
Nếu bạn biết nguyên nhân bạn nổi mề đay, bạn nên tránh xa nguyên nhân đó. Bạn có thể dùng vài liều thuốc kháng histamine thông thường, thậm chí dùng hàng ngày để ngăn ngừa tái phát.
Chúc bạn luôn mạnh khỏe!