Thông thường, trái tim có nhịp đập từ 60 – 100 nhịp/phút. Tuy nhiên, với người bệnh rung nhĩ, con số này có thể tăng cao hơn nhiều.
>> Tim phì đại
>> Nhịp nhanh kịch phát trên thất
Rung nhĩ là gì?
Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim nhanh thường gặp, xảy ra khi nhịp tim bắt nguồn từ nhiều khu vực khác nhau trong tâm nhĩ, thay vì chỉ bắt nguồn từ nút xoang như bình thường. Do hoạt động điện của trái tim bị xáo trộn, nhịp tim có thể trở nên không đều, đập rất nhanh tới 100 – 200 nhịp/phút.
Người bệnh rung nhĩ có thể gặp phải các triệu chứng khó chịu như đánh trống ngực, hay thấy mệt mỏi, choáng váng, khó thở. Nếu các cơn rung nhĩ, đánh trống ngực xảy ra thường xuyên, người bệnh có thể phải đi khám để được tư vấn dùng thuốc, điều trị kịp thời.
Nguyên nhân là bởi nếu không được kiểm soát, rung nhĩ có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cục máu đông này có thể di chuyển trong cơ thể, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ lên gấp 5 lần, tăng nguy cơ tử vong lên gấp 2 lần.
Nguyên nhân gây bệnh rung nhĩ
Những nguyên nhân phổ biến nhất gây rung nhĩ bao gồm:
– Tăng huyết áp.
– Bạn mắc các bệnh tim mạch khác.
– Chức năng bơm máu của tim bị suy yếu.
– Hẹp hở van tim.
– Ngoài ra, những nguyên nhân như tuổi cao, uống nhiều rượu bia, béo phì, mắc bệnh tuyến giáp, bệnh phổi… cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ.
Người có nguy cơ cao mắc bệnh rung nhĩ
Tuổi trên 60: khoảng 1% trường hợp rung nhĩ ở các bệnh nhân tuổi < 60 trong khi đó có tới 12% ở tuổi từ 75 – 84 tuổi và thậm chí lên đến hơn 1/3 số bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên có rung nhĩ.
- Tăng huyết áp
- Bệnh động mạch vành
- Suy tim
- Bệnh lý van tim
- Tiền sử phẫu thuật tim mở
- Bệnh tim bẩm sinh
- Ngừng thở khi ngủ
- Bệnh lý tuyến giáp
- Đái tháo đường
- Bệnh phổi mạn tính
- Lạm dụng rượu/sử dụng chất kích thích
- Nhiễm trùng/bệnh lý nội ngoại khoa nặng
Bệnh rung nhĩ thường đi kèm theo với những bệnh nêu trên, do đó những người đang mắc các căn bệnh hoặc người trên 60 tuổi nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát rung nhĩ sớm.
Rung nhĩ được điều trị thế nào?
Để xây dựng kế hoạch điều trị rung nhĩ phù hợp, hiệu quả, các bác sỹ sẽ đánh giá nguyên nhân gây bệnh của bạn. Thông thường, người bệnh rung nhĩ sẽ được kê đơn các loại thuốc hạ nhịp tim để lấy lại nhịp xoang bình thường. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát các triệu chứng đau tức ngực, khó thở…
Người bệnh rung nhĩ cũng sẽ phải dùng thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông gây đau tim, đột quỵ. Đa số người bệnh rung nhĩ sẽ phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời, kể cả những người có tần suất xuất hiện cơn rung nhĩ thưa.
Trong những trường hợp người bệnh rung nhĩ trẻ tuổi, các bác sĩ có thể cho bạn thực hiện phương pháp đốt điện tim để điều trị rung nhĩ. Các bác sĩ sẽ sử dụng năng lượng sóng có tần số radio để đốt các ổ gây rối loạn nhịp tim, đốt các đường dẫn truyền điện phụ trong trái tim… Phương pháp đốt điện tim thường chỉ kéo dài từ 1 – 3 tiếng và người bệnh có thể ra viện ngay ngày hôm sau.
Nhìn chung, việc dùng thuốc và áp dụng phương pháp điều trị nào còn phải phụ thuộc vào tình trạng bệnh, nguy cơ hình thành cục máu đông… của từng người bệnh. Với biện pháp điều trị phụ hợp, bạn hoàn toàn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, kiểm soát tốt bệnh rung nhĩ.