Người bệnh suy tim có tập thể dục hay không?

Nhiều người lầm tưởng rằng đã bị mắc bệnh tim, đặc biệt là suy tim, thì không nên tập thể dục. Tuy nhiên, sự thực là đối với bất kỳ loại bệnh nào, việc tập thể dục cũng rất cần thiết và là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Các bạn hãy cùng iMediCare tìm hiểu bệnh suy tim có tập thể dục hay không nhé.

Vì sao người bệnh suy tim cần tập thể dục?

Việc tập thể dục thường xuyên có nhiều lợi ích đối với sức khỏe tổng thể và sức khỏe tim mạch. Theo các chuyên gia tại Cleveland Clinic (Mỹ), tập thể dục đem lại những lợi ích sau:

– Tăng cường sức khỏe trái tim và chức năng của hệ tim mạch.

– Giảm các yếu tố nguy cơ đối với tim mạch như béo phì và tăng huyết áp.

– Giúp máu lưu thông tốt hơn và tăng khả năng sử dụng oxy của cơ thể.

– Làm giảm triệu chứng của bệnh suy tim.

– Giúp tăng sức bền, nhờ đó, người bệnh có thể thực hiện thêm nhiều hoạt động mà không bị mệt mỏi hoặc khó thở.

– Cải thiện sức khỏe cơ bắp và hệ xương, tăng khả năng giữ thăng bằng và sự linh hoạt của khớp.

– Giảm mỡ thừa trong cơ thể và giúp duy trì trọng lượng khỏe mạnh.

– Giảm stress, lo âu, căng thẳng và trầm cảm.

– Cải thiện giấc ngủ

– Giúp thư giãn cơ thể và tinh thần.

– Cải thiện sức khỏe tổng thể.

Nên tập thể dục bao lâu một lần?

Nói chung, để đạt được lợi ích tối đa từ việc tập thể dục, bạn không nên quá nóng vội mà chỉ tập từ dễ đến khó, thời gian tập từ 20 – 30 phút, ít nhất 5 lần/tuần.

Nguyên tắc tập luyện để không ảnh hưởng đến bệnh suy tim

Chọn đúng bài tập và tuân thủ các nguyên tắc an toàn không chỉ giúp bảo vệ tim mà còn khiến nó khỏe hơn. Mỗi buổi tập cần phải đầy đủ ba giai đoạn: Khởi động (warm-up), điều hòa (conditioning phase) và “làm nguội” (cool-down)

– Năm phút khởi động là thời gian để cơ thể điều chỉnh và thích nghi dần với trạng thái tập dục sau đó. Khởi động đúng cách giúp giảm áp lực cho tim cũng như cơ bắp, làm tăng nhịp thở, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể một cách chậm rãi nhưng an toàn. Khởi động cũng giúp cải thiện tính linh hoạt và giảm đau nhức cơ bắp. Bài tập tốt nhất để khởi động là bài tập kéo giãn, vận động nhẹ thực hiện từ dễ đến khó.

– Điều hòa là giai đoạn quan trọng và quyết định hiệu quả tập luyện, thường kéo dài trong vòng 20-30 phút. Trong giai đoạn này, cơ thể tăng cường đốt cháy năng lượng và hưởng lợi từ việc tập thể dục. Người bệnh suy tim nên chủ động theo dõi để điều chỉnh mức độ, cường độ tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Bạn nên bắt đầu với thời lượng tập ngắn, sau đó tăng dần lên theo thời gian tập luyện khi cơ thể đã quen dần và thích nghi tốt với chế độ luyện tập.

– “Làm nguội” trong vòng 5 phút là giai đoạn cuối cùng của buổi tập. Giai đoạn này cho phép cơ thể  dần phục hồi về trạng thái nghỉ ngơi, đặc biệt là nhịp tim và huyết áp. Không ngồi, đứng yên hoặc nằm ngay sau khi tập thể dục bởi nó sẽ khiến bạn bị chóng mặt, choáng váng và đánh trống ngực. Cách “làm nguội” tốt nhất là giảm từ từ cường độ bài tập, hoặc bạn có thể thực hiện các động tác kéo giãn như trong bài khởi động.

Lưu ý chung khi tập thể dục cho người bệnh suy tim

– Chỉ tập aerobic sau bữa ăn ít nhất 90 phút.

– Tập từ dễ đến khó, không đốt cháy giai đoạn, đặc biệt là những người không tập thể dục thường xuyên.

– Tập thể dục để khỏe chứ không phải để “hành xác”, vì vậy nên chọn bài tập mà bạn cảm thấy có hứng thú với nó.

– Luôn luôn khởi động trước khi tập và làm nguội sau khi tập

– Cần xác định rõ mục tiêu của việc tập luyện ( chẳng hạn để giảm cân, tăng cường sức bền, tăng độ linh hoạt,…)

– Chọn chương trình tập phù hợp nhất theo hướng dẫn của bác sỹ.

– Tập thể dục gây đổ mồ hôi và có thể khiến bạn thèm uống nước, tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng mình cần giới hạn lượng nước đưa vào cơ thể

– Đi giày thể thao trong quá trình tập.

– Lên lịch trình rõ ràng cho việc tập luyện, nên tập vào một giờ nhất định trong ngày, tốt nhất là buổi sáng, khi bạn có nhiều năng lượng.

– Kết hợp nhiều bài tập để tránh nhàm chán.

– Kiên trì tập luyện và ghi “nhật ký tập thể dục” để có thể thấy được kết quả sau quá trình dài bền bỉ của mình.

Thận trọng khi tập thể dục cho người bệnh suy tim

– Khi có gián đoạn trong lịch tập thể dục, bạn nên bắt đầu lại ở cường độ thấp, sau đó tăng dẫn lên cường độ cao phù hợp.

– Khi bạn ốm hoặc sốt, nên chờ một vài ngày cho cơ thể phục hồi trước khi bắt nhịp lại với thói quen tập luyện.

– Ngoài ra, bạn nên ngừng tập thể dục và nghỉ ngơi nếu có các triệu chứng trong quá trình tập như: mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, đau/ tức ngực, cổ, cánh tay, hàm, vai hoặc bất kỳ triệu chứng nào khiến bạn cảm thấy lo lắng. Nếu các triệu chứng không mất đi sau đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ để được chỉ dẫn cụ thể.

– Nếu bạn có nhịp tim nhanh bất thường hoặc hồi hộp, nên ngừng tập, nghỉ ngơi và giữ bình tĩnh. Đo lại nhịp tim sau khi nghỉ ngơi khoảng 15 phút. Nếu nhịp tim của bạn vẫn cao(120 – 150 nhịp/phút), hãy thông báo ngay cho bác sỹ.

– Không nên coi nhẹ nếu có cơn đau. Nếu cảm thấy đau ngực hoặc đau ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể trong quá trình tập, bạn nên ngừng tập thể dục. Tập luyện trong khi đau có thể gây căng cơ và làm hại khớp. Tham khảo ý kiến bác sỹ để có hướng dẫn cụ thể.

GIỎ HÀNG

ĐÓNG
Scroll To Top