Bạn có muốn tiếp tục tìm hiểu về bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính với nhiều thông tin cụ thể và chi tiết? Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu về bệnh viêm khớp phản ứng, hay còn gọi là bệnh Reiter. Bạn hãy tham khảo ngay để có thông tin đầy đủ nhất nhé!
Bệnh viêm khớp phản ứng là gì?
Viêm khớp phản ứng là một bệnh viêm khớp vô khuẩn xuất hiện sau một nhiễm trùng ở một cơ quan nào đó trong cơ thể (chủ yếu là nhiễm khuẩn hệ tiết niệu sinh dục và hệ tiêu hóa).
Bệnh viêm khớp phản ứng là một bệnh mang tính chất hệ thống không giới hạn tổn thương ở khớp mà còn gây tổn thương ở một số cơ quan khác như mắt, hệ tiết niệu sinh dục, hệ tiêu hóa…
Viêm khớp phản ứng do Hans Reiter mô tả lần đầu tiên vào năm 1916. Bệnh có tên gọi là bệnh Reiter với 3 triệu chứng điển hình là viêm kết mạc mắt, viêm niệu đạo và viêm khớp.
Bệnh viêm khớp phản ứng thường gặp ở người trẻ tuổi. 90% bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 – 40 tuổi. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ gần ngang nhau.
Mức độ và tiến triển của bệnh rất khác nhau. Khoảng 10 – 20% bệnh viêm khớp phản ứng là biểu hiện giai đoạn sớm của bệnh viêm cột sống dính khớp. Vì vậy việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh viêm khớp phản ứng sẽ giúp cho người bệnh tránh được những hậu quả nặng nề về chức năng vận động khớp và khả năng lao động.
Dịch tễ học
Do mức độ nặng nhẹ của bệnh viêm khớp phản ứng rất khác nhau nên những trường hợp nhẹ đều rất dễ bỏ qua. Vì vậy, tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp phản ứng rất khó được xác định chính xác. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả, tỷ lệ mắc bệnh sẽ ngày càng tăng cùng tốc độ tăng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như sự hiểu biết về bệnh và khả năng chẩn đoán bệnh của cán bộ y tế được nâng cao.
Ở Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp phản ứng là 40/100.000 dân và tỷ lệ mới mắc bệnh viêm khớp phản ứng hàng năm ở Mỹ là 3.5 trường hợp trên 100.000 dân.
Cơ chế bệnh sinh
Cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm khớp phản ứng hiện nay chưa được biết rõ. Viêm khớp phản ứng là một tình trạng viêm khớp vô khuẩn xảy ra sau một nhiễm khuẩn nào đó trong cơ thể mà không tìm thấy vi khuẩn tại khớp.
Viêm khớp phản ứng là hậu quả của quá trình tồn tại dai dẳng của kháng nguyên vi khuẩn và sự khuếch tán của kháng nguyên vi khuẩn hoặc phức hợp miễn dịch lắng đọng tại khớp. Đây chính là một trong trong những nhân tố khởi phát và duy trì phản ứng viêm tại màng hoạt dịch khớp.
Yếu tố gen cũng giữ một vai trò quan trọng trong bệnh sinh của viêm khớp phản ứng. Đặc biệt là yếu tố HLA-B27 dương tính ở 30 – 70% bệnh nhân viêm khớp phản ứng.
Triệu chứng viêm khớp phản ứng
Triệu chứng lâm sàng
- Tiền sử:
Bác sĩ cần phải khai thác kỹ tiền sử nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục, đường ruột trong thời gian 6 – 24 tháng. Đặc biệt, bác sĩ cần quan tâm đến thời quan 4 – 8 tuần trước khi xuất hiện viêm khớp.
- Viêm khớp:
Bệnh nhân thường viêm một hoặc vài khớp lớn, chủ yếu ở chi dưới và không đối xứng. Các khớp hay bị tổn thương nhất: khớp gối, khớp bàn cổ chân, khớp bàn ngón chân, khớp cùng chậu… Biểu hiện lâm sàng gồm: đau, viêm khớp, hạn chế vận động, có thể có tràn dịch khớp gối, khớp bàn cổ chân. Nhiều trường hợp bệnh nhân viêm khớp phản ứng có tổn thương khớp nhỏ: khớp bàn ngón tay, bàn ngón chân đơn độc tạo nên hình ảnh ngón tay, ngón chân hình khúc dồi (hình xúc xích).
- Viêm điểm bám gân:
Đây là đặc điểm lâm sàng điển hình của bệnh viêm khớp phản ứng. Các điểm bám gân hay bị tổn thương nhất bao gồm: viêm gân Achille, viên cân gan bàn chân, viêm điểm bám gân mào chậu…
- Hội chứng tiết niệu sinh dục:
Viêm niệu đạo (tiểu khó, tiểu buốt)thường gặp ở nam giới. Với nữ giới, bệnh nhân hay do viêm cổ tử cung nhưng thường diễn biến âm thầm không biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng.
- Hội chứng mắt:
Viêm kết mạc, viêm võng mạc thường kết hợp với đau mắt. Bệnh nhân sơ ánh sáng, đôi khi có thể giảm thị lực cấp tính.
- Hội chứng dạ dày, ruột:
Đau bụng, ỉa chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, không ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Tổn thương da và niêm mạc:
Tổn thương này xuất hiện ở da và móng, viêm loét bao quy đầu, viêm loét lưỡi, niêm mạc miệng…
- Tổn thương nội tạng:
Các tổn thương nội tạng rất hiếm gặp. Bệnh nhân có thể gặp viêm màng ngoài tim, hở động mạch chủ và thường là tiên lượng rất nặng.
Xét nghiệm
Không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán viêm khớp phản ứng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiến hành một số xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác:
- Máu: Công thức máu, máu lắng. Các xét nghiệm sinh hóa máu.
- Nước tiểu: protein, tế bào.
- Dịch khớp: màu sắc, số lượng bạch cầu…
- Nuôi cấy: nước tiểu, dịch khớp.
- Xét nghiệm miễn dịch xác định sự có mặt của các kháng nguyên, kháng thể của một số loài vi khuẩn: Chlamydia, Salmonella…
- X quang: chụp X quang các khớp tổn thương.
Chẩn đoán viêm khớp phản ứng
Chẩn đoán xác định
Có thể áp dụng 1 trong 2 tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh viêm khớp phản ứng:
- Tiêu chuẩn chẩn đoán của Amor.
- Tiêu chuẩn chẩn đoán của nhóm nghiên cứu bệnh lý cột sống châu Âu.
Chẩn đoán xác định:
a. Tiêu chuẩn chẩn đoán của Amor (1983)
Tiêu chuẩn này gồm các tiêu chuẩn sau:
+ Viêm vô khuẩn 1 hoặc vài khớp không đối xứng.
+ Ỉa chảy hay hội chứng lỵ.
+ Viêm màng tiếp hợp mắt.
+ Viêm niệu đạo, cổ tử cung.
+ Viêm loét trợt da, niêm mạc.
+ Cơ địa: HLA-B27 dương tính hoặc có tiền sử gia đình bệnh viêm khớp phản ứng.
+ Các xét nghiệm tìm thấy tác nhân gây bệnh trực tiếp hoặc gián tiếp.
Bệnh viêm khớp phản ứng được chẩn đoán khi có triệu chứng 4/7 triệu chứng trên. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chẩn đoán của Amor hiện nay ít được áp dụng vì độ nhạy thấp.
b. Tiêu chuẩn chẩn đoán của nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính
Tiêu chuẩn này gồm có:
+ Đau, viêm đốt sống hoặc
+ Viêm màng hoạt dịch khớp (chủ yếu là khớp ở chi dưới và không đối xứng).
Có kèm theo 1 trong các hội chứng sau đây:
- Có tiền sử gia đình bệnh viêm cột sống dính khớp.
- Bệnh viêm khớp vẩy nến.
- Bệnh lý ruột.
- Đau vùng chậu hông.
- Bệnh lý phần mềm quanh khớp.
- Viêm khớp cùng chậu.
- Viêm niệu đạo sinh dục.
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh viêm khớp phản ứng cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau:
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: Bệnh nhân sốt, các biểu hiện của nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân, viêm khớp cấp tính, tổn thương viêm thường lan tỏa cả tổ chức mềm cạnh khớp, có thể xác định được vi khuẩn gây bệnh bằng các xét nghiệm dịch khớp, máu…
- Bệnh gút: Bệnh gout thường gặp ở nam, tuổi trung niên, viêm khớp cấp tính hay gặp nhất là khớp bàn ngón chân cái, khớp bàn cổ chân, khớp gối, xét nghiệm acid uric máu tăng cao, có thể tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp… và đáp ứng tốt với điều trị bằng colchicin.
- Viêm khớp dạng thấp: đặc biệt với viêm khớp dạng thấp thể một khớp.
- Viêm khớp trong bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải ở bệnh nhân nhiễm HIV: bệnh nhân có tiền sử nghiện hút ma túy, mại dâm, thể trạng suy kiệt, sốt kéo dài, nhiễm lao, nhiễm nấm, hạch to, viêm loét da và niêm mạc, xét nghiệm có HIV dương tính…
Điều trị viêm khớp phản ứng
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid nhằm mục đích kiểm soát viêm màng hoạt dịch. Các thuốc sử dụng: Voltaren (50 – 100 mg/ngày), Indomethacin (50 – 100 mg/ngày), Mobic (7.5 – 15 mg/ngày).
- Sulfasalazin 1000 – 2000 mg/ ngày. Thuốc này có hiệu quả tốt trong điều trị, kiểm soát bệnh, đặc biệt ở những bệnh nhân có nhiễm Chlamydia trachomatis, thời gian điều trị phải kéo dài 3 – 6 tháng mới đạt được hiệu quả.
- Liệu pháp ức chế miễn dịch: Methotrexat, Azathioprin…
- Corticoid: chỉ có hiệu quả tốt khi điều trị tại chỗ: tiêm nội khớp, tiêm các điểm bám gân.
- Kháng sinh: chỉ điều trị khi xác định được nguyên lnhaan gây bệnh: Quinolon, Tetracyclin, Lymecyclin…
Tiên lượng
Tiên lượng viêm khớp phản ứng nhìn chung là tốt. Bệnh viêm có thể khỏi hoàn toàn. Mặc dù thời gian mắc bệnh có thể kéo dài từ vài tuần, vài tháng đến vài năm.
Tuy nhiên, bệnh viêm khớp phản ứng hay tái phát. Điều này không chỉ do tình trạng tái nhiễm khuẩn mà còn vì các stress, các chấn thương không đặc hiệu khác.
Một điều lưu ý là có khoảng 10 – 20% viêm khớp phản ứng là biểu hiện giai đoạn sớm của viêm cột sống dính khớp. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời bệnh viêm khớp phản ứng sẽ có hiệu quả tốt trong điều trị và kiểm soát bệnh nhân tránh được các tổn thương xương khớp, biến dạng khớp và nguy cơ bị tàn phế.
Bạn vừa được tìm hiểu về bệnh viem khop phan ung va cach dieu tri qua bài viết trên. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các bệnh khớp xương khác, hãy để lại thông tin phía dưới bài viết này. Thiết bị y tế iMedicare sẽ nhanh chóng phản hồi tới bạn.
iMedicare chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!