Bạn có biết 60% số người mắc bệnh lao cột sống trong độ tuổi 20 – 40? Đây là con số đáng cảnh báo khiến nhiều người không thể thờ ơ với căn bệnh xương này. Bạn cũng cần tìm hiểu thật kỹ về căn bệnh này để có hướng phòng tránh và điều trị tốt nhất!
Tìm hiểu lao cột sống
Bệnh lao cột sống là gì?
Theo y văn thế giới, lao cột sống là một trong những bệnh lâu đời nhất. Các tổn thương lao cột sống được phát hiện ở những xác ướp Ai cập vào khoảng 3400 năm trước Công nguyên. Đến năm 1779, bác sĩ Percivall Pott là người đầu tiên đã mô tả bệnh lao cột sống với biểu hiện liệt hai chi dưới và gù lưng. Do đó, bệnh lao cột sống còn gọi là bệnh Pott.
Đầu thế kỷ 20, bệnh lao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Ngày nay, sự ra đời của các thuốc điều trị lao cùng với điều kiện kinh tế – xã hội được cải thiện đã làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong dao lao. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, do điều kiện vệ sinh thấp và tình trạng dinh dưỡng kém, bệnh lao vẫn còn chiếm một tỷ lệ tương đối cao.
Cơ chế bệnh sinh
Trong các bệnh lao xương khớp, lao cột sống hay gặp nhất và chiếm khoảng 50% các bệnh xương khớp. Lao cột sống luôn thứ phát sau lao ở các cơ quan khác như phổi, hạch, thận. Vi khuẩn lao sẽ theo đường máu đi đến cột sống. Trung bình khoảng 2 – 3 năm kể từ khi có lao nguyên phát đến khi xuất hiện các triệu chứng của lao cột sống. Lao cột sống nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến liệt hai chi dưới do chèn ép tủy, phá hủy xương và gây biến dạng nặng (gù) ở cột sống.
Phân loại
Lao cột sống thường hay gặp nhất ở cột sống ngực và cột sống thắt lưng, trong đó:
- Đoạn dưới của cột sống ngực chiếm tỷ lệ cao nhất (40 – 50%).
- Tiếp theo là cột sống thắt lưng (chiếm 35 – 45%).
- Lao ở cột sống cổ chỉ gặp khoảng 10%.
Bệnh lao cột sống gặp ở cả hai giới nam và nữ với tỷ lệ mắc bệnh như nhau. Lứa tuổi từ 20 – 40 chiếm tới 60% số bệnh nhân bị lao cột sống.
Tác hại
Tổn thương cơ bản trong bệnh lao cột sống là sự kết hợp của viêm xương tủy và viêm đĩa đệm đốt sống, thường bị tổn thương ở 2 đốt sống liền nhau. Khởi đầu, tổn thương ở phía trước của thân đốt sống, chỗ tiếp giáp với sụn khớp, từ đó vi khuẩn lao sẽ đi đến đĩa đệm liền kề và gây viêm đĩa đệm đốt sống.
Ở người lớn, viêm đĩa đệm đốt sống xảy ra thứ phát sau viêm ở thân đốt sống. Ở trẻ em, do đĩa đệm đốt sống có nhiều mạch mau nên viêm đĩa đệm do lao có thể là vị trí nguyên phát. Khi tổn thương lao tiễn triển sẽ dẫn đến phá hủy cột sống và gây gù.
Ống tủy có thể bị hẹp và bị chèn ép bởi abcess, tổ chức hạt hay do vi khuẩn lao xâm nhập trực tiếp vào màng nhện tủy. Tổn thương lao ở cột sống ngực thường gây gù nhiều hơn ở cột sống thắt lưng. Khi tổn thương lao lan đến các dây chằng kế cận và tổ chứ phần mềm xung quanh sẽ tạo nên abcess lạnh. Ở cột sống thắt lưng, abcess lạnh có thể lan xuống vùng bẹn theo bao cơ thắt lưng chậu và dò ra ngoài da.
Triệu chứng
1. Lâm sàng
a. Các biểu hiện lâm sàng ở bệnh lao cột sống phụ thuộc vào:
- Giai đoạn tiến triển của bệnh.
- Vị trí tổn thương.
- Các biến chứng: tổn thương thần kinh do chèn ép, abcess.
b. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp gồm:
- Đau lưng xuất hiện sớm nhất và hay gặp nhất. Đau lưng có thể là đau tại chỗ hoặc đau kiểu rễ.
+ Đau tại chỗ: đau tại cùng cột sống bị tổn thương. Giai đoạn đầu, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Sau đó, đau liên tục cả ngày, đau kiểu viêm, đau ngày càng tăng, đau tăng về đem, dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol ít có kết quả.
+ Đau kiểu rễ: do tổn thương lao chèn ép vào một vài nhánh của rễ thần kinh, đau lan theo đường đi của các rễ và dây thần kinh. Ở cột sống cổ, đau lan xuống vai và tay theo đám rối thần kinh cánh tay; ở lưng, đau lan theo dây thần kinh liên sườn. Ở thắt lưng, đau lan xuống mặt trước bụng hoặc xuống 2 chân theo dây thần kinh tọa. Đau tăng lên khi ho, hắt hơi, rặn mạnh.
- Các triệu chứng toàn thân: sốt, gầy sút cân.
- Các triệu chứng thần kinh do chèn ép tủy sống: gặp ở khoảng 50% bệnh nhân lao cột sống, biểu hiện yếu – liệt 2 chi dưới, giảm – mất cảm giác, hội chứng đuôi ngựa, rối loạn cơ tròn.
Lao cột sống cổ ít gặp hơn lao cột sống lưng – thắt lưng nhưng tiên lượng nặng hơn vì bệnh nhân thường bị các biến chứng thần kinh nhiều hơn. Bệnh nhân có thể bị liệt tứ chi do chèn ép tủy cổ. Khi tổn thương ở phần dưới của cột sống cổ bệnh nhân có thể khó nuốt, thở rít và có thể có các triệu chứng như vẹo cổ, giọng khàn.
c. Khám lâm sàng
- Cột sống: Một đoạn cột sống cứng đờ, độ giãn cột sống giảm, các động tác của cột sống bị hạn chế. Cơ cạnh cột sống co cứng, khi gõ vào vùng gai sau của cột sống có thể bị đau chói tại vùng tổn thương. Giai đoạn muộn, lồi đốt sống ra sau.
- Abcess lạnh: phụ thuộc vào vị trí tổn thương:
+ Cột sống cổ: khối abcess đi ra phía trước ngay thành sau họng (có thể nhìn thấy khi khám họng), hoặc có thể đi xuống tới hõm thượng đòn theo các cơ cạnh cổ.
+ Cột sống lưng: khối abcess có thể đi ra phía sau nổi ngay dưới da.
+ Cột sống thắt lưng: khối abcess nổi ngay dưới da vùng thắt lưng, vùng mông hoặc đi ra phía trước xuống bẹn, có thể dò ra vùng mông hoặc vùng đáy chậu.
+ Khối abcess mềm, không đau, có thể bị vỡ, chảy nước vàng và bã đậu, để lại vết loét và lỗ dò dai dẳng không liền.
Lao ở phần trên của cột sống cổ: thường tiến triển nhanh, hầu hết bệnh nhân bị abcess ở thành sau họng, các triệu chứng thần kinh thường xuất hiện sớm với biểu hiện liệt nửa người hoặc liệt tứ chi.
Có thể tìm thấy tổn thương lao phối hợp: lao phổi, hạch, thận,… Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân bị lao cột sống (theo một số nghiên cứu, con số này là 62 – 90%) không có biểu hiện lao ở ngoài cột sống.
2. Cận lâm sàng
a. Xét nghiệm máu
Tốc độ máu lắng tăng.
Protein – C phản ứng (CRP) tăng.
b. Phản ứng Mantoux:
Dương tính ở khoảng 84 – 95% bệnh nhân lao cột sống.
c. X quang thường quy
Rất quan trọng trong chẩn đoán:
- Giai đoạn sớm: đĩa đệm đốt sống hẹp. Giai đoạn muộn: đĩa đệm bị phá hủy gần như hoàn toàn.
- Hình ảnh hủy xương ở phần trước của thân đốt sống. Khi bị phá hủy nhiều thân đốt sống có hình chêm.
- Phần mềm quanh đốt sống hơi mờ đậm hơn. Giai đoạn muộn, có hình abcess lạnh (hình mờ quanh tổn thương – hình thoi hoặc hình củ hành, mờ không đồng đều, có chỗ vôi hóa đậm hơn.
d. CT Scanner
- Giúp xác định chính xác các tổn thương: hủy xương không đồng đều, kết đặc xương, hẹp khe đốt sống.
- Phát hiện các tổn thương phần mềm, đặc biệt ở xung quanh đốt sống và ngoài màng cứng.
- Giúp phát hiện các tổn thương ở giai đoạn sớm và xác định hình dạng – tính chất của ổ abcess (hình ảnh calci hoă trong ổ abces, hay gặp trong tổn thương lao).
e. Chụp cộng hưởng từ
- Là phương pháp rất có giá trị trong chẩn đoán các bệnh viêm đĩa đệm – đốt sống do vi khuẩn và lao, giúp đánh giá sự tiến triển của bệnh, mức độ tổn thương phần mềm quanh đốt sống.
- Phương pháp này có giá trị nhất trong phát hiện các chèn ép thần kinh do tổn thương lao.
- Giúp chẩn đoán phân biệt lao cột sống với viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn.
f. Mô bệnh học
- Sinh thiết qua da vào vùng đốt sống bị tổn thương dưới hưới dẫn của CT Scanner lấy ra bệnh phẩm để làm xét nghiệm: mô bệnh học, nuôi cấy, PCR-BK.
- Mô bệnh học: thấy tổ chức, tế bào đặc hiệu do lao: lympho bào, tế bào bán liên, tế bào khổng lồ, chất bã đậu.
g. Tìm tổn thương lao phối hợp
- X quang phổi, CT Scanner phổi, soi phế quản tìm BK.
- BK đờm.
- Sinh thiết hạch.
Chẩn đoán
1. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng.
2. Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh gây tổn thương cột sống:
- Viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn (tụ cầu,…): bệnh nhân có hội chứng nhiễm trùng nặng, tìm thấy đường vào của vi khuẩn (abcess cơ, viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa – tiết niệu), X quang – CT Scanner – MRI: không có hình anhe abcess lạnh, mô bệnh học.
- Các tổn thương ác tính (Ung thư di căn xương, Kahler): Xquang – CT Scanner – MRI: không có hình ảnh abcess, tủy đồ, định lượng Ig, Scintigraphy xương, mô bệnh học.
Điều trị
1. Nội khoa
Dùng các thuốc chống lao từ 9 – 12 tháng tùy theo từng bệnh nhân cụ thể.
2 tháng đầu tiên dùng 4 thuốc, trong đó 2 thuốc nên lực chọn đầu tiên là isoniazid và rifampicin, kết hợp với 2/3 loại thuốc sau: pyrazinamid, ethambutol, streptomycin.
Sau đó duy trì với 3 thuốc: isoniazid, rifampicin, pyrazinamid.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị lao cột sống cần được theo dõi thường xuyên gồm: đáp ứng với điều trị, tác dụng phụ của thuốc điều trị lao.
Khi bệnh nhân đáp ứng với điều trị kém: đau cột sống ngày càng tăng – không thuyên giảm, các triệu chứng thần kinh do chèn ép tiến triển nặng hơn, biến dạng cột sống (gù) nhiều hơn, máu lắng không giảm có thể do vi khuẩn lao kháng thuốc, cần xem xét khả năng phẫu thuật cho bệnh nhân.
2. Ngoại khoa
a. Trường hợp chỉ định điều trị ngoại khoa
Chỉ định điều trị ngoại khoa trong các trường hợp sau:
- Tổn thương thần kinh do chèn ép tủy: liệt 2 chi dưới, yếu 2 chi dưới, liệt tứ chi, hội chứng đuôi ngựa.
- Biến dạng cột sống nhiều gây hạn chế vận động của cột sống.
- Bán trật khớp hoặc trật khớp do tổn thương lao phá hủy đốt sống nhiều.
- Abcess cạnh đốt sống.
- Không đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Khi sinh thiết vào vùng đốt sống bị tổn thương, hình ảnh mô bệnh học không đặc hiệu, không giúp cho chẩn đoán xác định.
b. Phương pháp phẫu thuật
- Phụ thuộc vào: vị trí và mức độ tổn thương cột sống, biến dạng cột sống, mức độ chèn ép tủy sống.
- Phương pháp mổ: lấy ổ abcess, lấy xương chết, giải phóng chèn ép, làm cứng khớp.
c. Vấn đề cố định
- Khi tổn thương cột sống nhẹ, bệnh nhân nên nằm nhiều, tránh vận động và mang vác nặng, không cần cố định bằng bột.
- Trong thời gian bệnh tiến triển, bệnh nhân cần nằm nhiều, nên dùng giường bột để bệnh nhân có thể thay đổi tư thế nhiều lần trong ngày, tránh cứng khớp và teo cơ. Thời gian cố định 3 – 6 tháng.
- Bó bột khi tổn thương nặng ở cột sống cổ hoặc cột sống bị di lệch nhiều có thể gây chèn ép.
Tiên lượng
Các bệnh nhân lao cột sống nếu không bị các biến chứng nặng thường có tiên lượng tốt.
Các biến chứng trong quá trình điều trị và tình trạng kháng thuốc là những yếu tố quan trọng quyết định tiên lượng của bệnh nhân.
Điều trị bệnh lao cot song có thể mất tới 12 tháng, thậm chí lâu hơn. Bệnh nhân có thể cần phẫu thuật mới đem lại kết quả tốt hơn. Bạn hãy lưu ý các thông tin này để phòng ngừa hiệu quả và điều trị kịp thời bệnh xương khớp này nhé!
>>> Xem thêm: