Bộ máy hô hấp bao gồm từ mũi, miệng, thanh quản, khí quản, phế quản, phế nang. Bệnh có thể xảy ra ở bất kì phần nào nên có rất nhiều bệnh hô hấp. Bệnh hô hấp ở người cao tuổi có thể do tổn thương thực thể, có thể do rối loạn chức năng. Chức năng bộ máy hô hấp chủ yếu cung cấp oxy và thải CO2 bảo đảm sự sống và hoạt động của mọi tế bào, mô; ngoài ra tham gia điều hoà thân nhiệt và quá trình hằng định nội môi- liên quan đến hầu hết các cơ quan bộ máy của cơ thể (tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, chuyển hoá, bài tiết…).
Tính chất và đặc điểm bệnh hô hấp ở người cao tuổi
Thực ra không có bệnh hô hấp riêng biệt ở người cao tuổi, chỉ có tính chất, đặc điểm, cách điều trị có thể khai như:
- Ít điển hình nên khó phát hiện.
- Thường kèm theo một số bệnh khác nên khó xác định, có khi là nguyên nhân hoặc biến chứng của bệnh khác.
- Diễn biến bất thường
Một số đặc điểm của tuổi già cũng ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và bênh hô hấp ở người cao tuổi:
Lồng ngực bị thu hẹp kém co giãn (lưng gù, canxi hoá các sụn sườn, cơ hô hấp teo, cơ hoành có xu hướng ở vị trí thấp…)
Biến đổi hoá già ngay ở phổi: xơ hoá, tăng tiết và ứ đọng chất nhầy nhưng tống ra khó khăn, biến đổi ở niêm mạc đường hô hấp và phế nang gây trở ngại lưu thông khí và thu hẹp diện tích hô hấp(khí – máu). Bình thường diện tích 2 lá phổi khoảng 72m2.
Ở những điều này là các lý do giải thích tại sao bộ máy hô hấp người cao tuổi dễ bị bệnh, đặc biệt bệnh phổi bị tác nghẽn mạn tính và bệnh ung thư phổi là đáng quan tâm.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
1.Một số khái niệm đặc điểm:
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive Pulmonary Disease: COPD) được mô tả lần đầu năm 1964 là tình trạng bệnh lý của viêm phế quản mạn, hen phế quản, khí phế thũng có tắc nghẽn lưu thông khí trong đường hô hấp. Bệnh tiến triển dần dần và không hoặc ít hồi phục, thường có những đợt bùng phát nặng lên.
Viêm phế quản mạn, hen phế quản và khí phế thũng là những bệnh hô hấp thường gặp trong cộng đồng dân cư, nên hàng năm trên thế giới có hàng triệu người bị COPD và trở thành một nguyên nhân tử vong đáng kể – ở Mỹ tử vong do COPD được xếp hàng thứ 4 sau bệnh tim, ung thư, tai biến mạch máu não; ở Pháp xếp thứ 5. Gặp nhiều ở tuổi >50, nam nhiều hơn nữ (liên quan với hút thuốc lá). Tuổi càng cao, bệnh cầng nặng và tỷ lệ tử vong càng tăng. Ở Việt Nam những năm gần đây COPD có chiều hướng tăng nhất là ở người cao tuổi.
2.Chẩn đoán:
Dựa vào dấu hiệu lâm sàng và một số xét nghiêm đặc trưng:
Lâm sàng:
– Ho dai dẳng kéo dài trên 2 năm.
– Ho khạc đờm giãi nhiều kéo dài hàng tháng
– Khó thở ngày càng nhiều (thở khò khè, thở bằng cả miệng, rít như thổi sáo, co rút lồng ngực, tư thế ngồi khom lưng và buông thõng hai tay…). Cần phân biệt với khó thở do bệnh tim cũng có thể gặp ở người già; khó thở thường xảy ra ban đêm trên một người đã có bệnh tim mạch và có thể là báo hiệu của cơn phù phổi.
– Nghe phổi thường chỉ gặp rì rào, phế nang giảm.
– Các triệu chứng lâm sàng thường ngày càng tăng và rầm rộ hơn khi có đợt bùng phát.
Xét nghiệm:
– Hình ảnh X quang có thể thấy hình ảnh phế quản đậm, giãn phế nang.
– Thăm dò chức năng hô hấp với dấu hiệu tắc nghẽn đường hô hấp có giá trị chẩn đoán quyết định và tiên lượng bệnh.
Thông số thường sử dụng và có giá trị là: Thể tích thở ra tối đa trong 1 giây (FEV1) – Có thể làm các xét nghiệm khí máu như: áp suất O2 (p O2), áp suất CO2 (pCO2), độ bão hoà máu (SaO2) để biết tình trạng tắc nghẽn ảnh hưởng đến trao đổi khí máu.
Mức độ bệnh được đánh giá theo FEV1 đo được so với trị số lý thuyết (theo Châu Âu)
FEV1 <70% : nhẹ
FEV1 = 50%-69% : trung bình
FEV1 <50% : nặng
Bệnh mức độ càng nặng tỷ lệ tử vong càng cao.
Các thông số về lưu thông khí thường dễ có biến động do tâm lý, môi trường, kỹ thuật. Lúc thăm dò nên cần cố gắng hạn chế các ảnh hưởng đó. Bệnh COPD thường chỉ được chẩn đoán khi ở mức độ trung bình.
3.Điều trị:
Tới nay điều trị COPD còn khó khăn vì bệnh còn dai dẳng hàng năm và có những đợt bùng phát. Tuỳ theo diễn biến để chỉ định:
- Chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trong đợt bùng phát (có sốt cao, đờm mủ). Có thể dùng Cephalosporin, gentamycin, augmentin… chú ý hiện tượng nhờn kháng sinh.
- Chống co thắt phế quản: Theophyllin, salbutamol, thuốc xịt atrovent…
- Corticosteoid: Thường chỉ dùng trong cơn bùng phát cấp tính loại tiêm theo chỉ định, lưu ý tác dụng phụ.
- Thở oxy khi thiếu oxy cấp
- Phục hối chức năng cả trong đợt bùng phát và lâu dài, như tập thở, vỗ run (kích thích tống đờm)…
4.Yếu tố nguy cơ và dự phòng:
Các yếu tố nguy cơ chính
- Hút thuốc được coi là nguy cơ chính của nhiều bệnh hô hấp trong đó có COPD và ung thư phổi, 80 – 90% người bị COPD có liên quan với hút thuốc lá.
- Môi trường bị ô nhiễm (khói bụi, chất độc hại, nước bẩn, ẩm thấp…)
- Viêm nhiễm đường hô hấp
Dự phòng
- Cơ bản là tránh các yếu tố nguy cơ trên, đặc biệt là không hút thuốc hoặc bở ngay hút thuốc.
- Nâng cao sức khoẻ :tập luyện dinh dưỡng hợp lý.
Tóm lại COPD là một bệnh khá phổ biến hiện nay, biểu hiện chính là tắc nghẽn đường hô hấp, bệnh tiến triển dần dần khó hồi phục, thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh dai dẳng hàng năm, có tỷ lệ tử vong cao bằng các đợt bùng phát nặng. Việc điều trị còn khó khăn nên các biện pháp dự phòng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt là không hút thuốc, giữ gìn môi trường và chủ động nâng cao sức khoẻ.