Mặc dù còn vài tuần nữa mới đến ngày dự sinh nhưng thai nhi 36 tuần tuổi đã phát triển đủ hoàn thiện để có cuộc sống bên ngoài bụng mẹ và có thể mẹ sẽ “bất ngờ” sinh con ở tuần thai 36. Tuy nhiên, mẹ bầu mang thai 36 tuần bắt đầu xuất hiện những cơn gò chuyển dạ giả, đôi khi những cơn gò này bị nhầm lẫn với quá trình chuyển dạ sinh con thật sự. Các mẹ hãy cùng iMediCare tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về sự phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi nhé.
Sự phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi
Lúc này, thai nhi 36 tuần trong bụng mẹ đã là một phiên bản trẻ sơ sinh hoàn chỉnh rồi. Cân nặng của thai nhi 36 tuần tuổi là 2,6kg và chiều dài cơ thể khoảng 47,4cm, tương đương với kích cỡ cua một quả dưa lê.
Với kích thước cơ thể lớn như vậy nên bé sẽ cảm thấy khá chật chội khi ở trong tử cung của mẹ và không còn cử động nhiều như trước nữa. Thay vào đó, bé sẽ dành nhiều thời gian hơn để ngủ.
Nhiều mẹ băn khoăn rằng nếu mẹ chuyển dạ trong tuần thai thứ 36 thì có sao không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể bởi lúc này tất cả các cơ quan, bộ phận của trẻ đều đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là phổi bé cũng đã có thể thích nghi được với môi trường bên ngoài, giúp bé chào đời an toàn và có một sức khỏe tốt nhất.
Lớp lông tơ và chất sáp bao phủ cơ thể giúp bảo vệ làn da của bé đã rụng dần đi, các chất này hòa vào trong nước ối cùng với các chất bài tiết khác, em bé nuốt phải hợp chất này vào bụng và sẽ kích thích hệ tiêu hóa của bé hoạt động. Đây cũng là đáp án lý giải nguyên nhân tại sao bé lại ra phân su ngay sau khi chào đời.
Với bộ não phát triển vượt trội kết hợp với các phương pháp thai giáo mà mẹ đã áp dụng thì khi thai nhi 36 tuần tuổi, mẹ sẽ cảm nhận được rõ ràng bé đang có phản xạ di chuyển hai chân như đang đi bộ và trẻ còn biết phản xạ lại với ánh sáng nữa. Đây là một trong những phản xạ nguyên thủy giúp bé nhanh chóng thích ứng với cuộc sống bên ngoài.
Cơ thể mẹ thay đổi như nào khi thai nhi 36 tuần tuổi?
Khi mang thai tuần thứ 36, mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy rằng cân nặng của mình đột nhiên “dậm chân tại chỗ”, không tăng lên nữa. Mẹ không cần lo lắng quá nhé, đây là một hiện tượng hết sức bình thường do lượng nước ối giảm đáng kể để chuẩn bị cho việc sinh con.
Những cơn co thắt giả (Braxton Hicks) xuất hiện ngày càng nhiều, đều đặn và kéo dài khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng tử cung của mẹ co thắt giả để “tập dượt” để quá trình chuyển dạ được thuận lợi hơn. Mẹ nên hết sức lưu ý phân biệt giữa những cơn co thắt giả và cơn đau chuyển dạ để có thể xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh nhé.
Thai nhi 36 tuần tuổi chiếm khá nhiều diện tích trong bụng khiến cho việc ăn uống của mẹ trở nên khó khăn
Mẹ không thể ăn nhiều như trước nữa bởi các triệu chứng ợ nóng, khó tiêu, táo bón…sẽ xuất hiện ngay. Vì thế, mẹ không nên ăn nhiều cùng một lúc mà nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ để cơ thể dễ tiêu hóa hơn.
Việc thai nhi 36 tuần tuổi di chuyển sâu xuống đáy tử cung giúp mẹ dễ thở hơn trong giai đoạn cuối thai kỳ. Ngược lại, việc này sẽ làm gia tăng áp lực lên vùng bụng dưới, đặc biệt là âm đạo khiến mẹ cảm thấy khó chịu và phải đi tiểu thường xuyên hơn.
Khi mang thai tuần thứ 36, bàn chân của mẹ ngày càng sưng to hơn. Mẹ nên áp dụng cách massage, ngâm chân vào nước ấm và đi bộ vài phút trước khi đi ngủ để giúp máu huyết lưu thông tốt hơn.
Lời khuyên dành cho mẹ khi thai nhi 36 tuần tuổi
Quan hệ vợ chồng vào thời điểm này là điều không nên bởi lúc này thai nhi đã di chuyển sâu xuống đáy tử cung, nếu quan hệ lúc này sẽ rất dễ gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Bổ sung khoảng 2000 calories cần thiết mỗi ngày để giúp tích lũy năng lượng bởi vì quá trình sinh con sẽ khiến mẹ mất rất nhiều sức lực. Đồng thời, mẹ cũng cần phải kiểm soát cân nặng, không nên ăn quá nhiều chất béo và đường để ngăn ngừa các chứng bệnh nguy hiểm trong thai kỳ.
Khi thai nhi 36 tuần tuổi, cũng là giai đoạn cuối của thai kỳ thì cơ thể của mẹ gần như kiệt sức khi phải đối mặt với muôn vàn triệu chứng mệt mỏi. Vì vậy, mẹ nên dành nhiều thời gian để ngủ, nghỉ ngơi và thư giãn để giúp cơ thể lấy lại năng lượng nhanh chóng.
Mẹ nên hết sức lưu ý các dấu hiệu chuyển dạ, trong trường hợp này khi thai nhi 36 tuần tuổi nhưng cơ thể mẹ lại bắt đầu xuất hiện 4 cơn co thắt đều đặn trong vòng một giờ đồng hồ thì tốt nhất mẹ nên đến bệnh viện ngay.
Giữ cho tâm trạng của bản thân được vui vẻ, thoải mái, đừng để áp lực sinh con làm ảnh hưởng đến tâm trạng của mẹ. Hãy dành thời gian ngồi thiền hay tập vài động tác yoga cho phụ nữ mang thai, điều này sẽ giúp mẹ thư giãn và có lợi cho sức quá trình sinh nở.