Tim là một trong những cơ quan phát triển sớm nhất (khoảng 7 tuần tuổi) vì tim giúp bơm và truyền máu cho toàn bộ sự phát triển của thai nhi. Do đó, ngay từ rất sớm, người mẹ đã có thể nghe được tim thai và cảm nhận sự tồn tại của đứa bé trong bụng mình. Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng nên lưu ý những dấu hiệu lạ để sớm phát hiện những bất thường ở tim thai nhé!
Những nguy hiểm mẹ bầu cần biết về bệnh tim bẩm sinh ở thai nhi
Tim thai được hình thành từ rất sớm và thực hiện các nhiệm vụ nặng nề không kém tim của người lớn. Trong suốt thai kỳ, nhịp tim thai còn là một trong những dấu hiệu cho biết mầm sống lớn lên từng ngày trong cơ thể mẹ có khỏe mạnh và phát triển bình thường hay không.
1.Tim thai hình thành và phát triển như thế nào?
Tim thai đã bắt đầu hình thành từ ngày thứ 16 của thai kỳ. Lúc này, phôi thai xuất hiện hai mạch máu tạo thành hai ống dẫn của tim. Mặc dù lúc này hình dáng của tim thai vẫn chưa hình thành, nhưng nó đã bắt đầu đập do hoạt động co bóp như một quả tim thực thụ. Vào tuần thứ 4, tim thai cũng hoàn thiện hơn. Đến cuối tuần thai thứ 5, phôi thai hình thành nhiều tế bào hơn và bắt đầu có hình hài, thì một hạt nhỏ ở giữa phôi sẽ phát triển thành tim thai. Đây là cột mốc rất quan trọng bởi một khi thai nhi có tim thai chứng tỏ đã có sự trỗi dậy của một mầm sống!
– Đến tuần thứ 7, tim thai lớn dần lên và bắt đầu phân chia thành buồng trái và buồng phải.
– Tim thai bắt đầu đập nhẹ ở tuần thai thứ 11 và và đến khoảng tuần 12 thì gần như đã hoàn thiện.
– Ở tuần thai thứ 14, tim thai đập rõ ràng hơn. Đến tuần thứ 16 đã có thể bơm máu với lượng khoảng 24 lít/ngày và số lượng này sẽ tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của bé. Lúc này, tim đã hoàn chỉnh về mặt cấu tạo và đảm nhiệm chức năng của mình.
– Từ các tuần thai tiếp theo cho đến lúc bé chào đời, tim của thai nhi tiếp tục lớn hơn về kích thước, khối lượng. Bình thường tim thai đập từ 120–160 lần /phút.
2.Khi nào mẹ nghe được tim thai?
Ngay từ tuần thứ 6–7 thai kỳ, bác sĩ đã có thể giúp bà bầu nghe được tim thai của con mình. Tuy nhiên, ở một số thai nhi, đến khoảng tuần 8–10 của thai kỳ, bạn mới có thể nghe được tim thai.
Đến tuần thai thứ 20 thì nhịp đập của tim thai càng mạnh hơn và bạn chỉ cần dùng tai nghe bình thường là có thể nghe thấy được. Nhịp đập bạn nghe được càng to và dễ dàng chứng tỏ thai nhi đang rất khoẻ mạnh và phát triển bình thường.
3.Những điều thú vị khác về tim thai
– Trong lần khám thai tuần 10-12, mẹ có thể nghe được nhịp tim của bé bằng ống nghe Doppler – một thiết bị siêu âm mà bác sĩ cầm đặt trên bụng của bạn. Nhiều phụ nữ mang thai nói rằng các nhịp đập trái tim nhỏ bé của con nghe như tiếng sấm của ngựa phi nước đại. Và đây là thời điểm rất xúc động, vì lần đầu tiên qua ống nghe bạn nghe được nhịp tim của con yêu đang đập đều đều.
– Nhiều người tin rằng, tim của thai nhi mang giới tính nữ sẽ đập nhanh hơn tim của bé mang giới tính nam, theo đó trẻ trai có tim thai dưới 140 nhịp/ phút, còn trẻ gái là từ 140 nhịp/ phút trở lên. Phương pháp này có vẻ dễ nhận biết nên các mẹ bầu cũng thường tin vào lý thuyết dựa vào tim thai để đoán giới tính thai nhi. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận chính xác cho lý thuyết này.
– Nhịp tim thai bình thường dao động từ 120–160 lần/phút, khi “bé” cựa quậy nhiều thì tim có thể đập nhanh đến 180 lần/phút. Tuy nhiên, nếu vượt quá con số này, mẹ cần phải được thăm khám, theo dõi. Bởi có thể là do mẹ mắc bệnh (bị rối loạn nhịp tim, sốt cao,…) hoặc do thai nhi có bệnh lý về tim mạch.
Lưu ý quan trọng là nhịp tim thai chậm gây nguy hiểm cho thai nhi hơn là nhịp thai nhanh, bởi có thể đó là biểu hiện suy thai. Thế nên, khi nhịp tim đập quá chậm chỉ 80 lần/phút, mẹ cần phải biết đó là sự nguy hiểm để được đi cấp cứu ngay.
4.Những yếu tố ảnh hưởng tới tim thai
Mặc dù cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến sự bất thường tim thai gây ra dị tật bẩm sinh nhưng có những yếu tố liên quan đến những bất thường này:
– Bất thường nhiễm sắc thể: Có đến 50% bất thường tim thai đến từ hội chứng Down. Cùng với đó, các bé mắc hội chứng rối loạn di truyền Turner, hội chứng Klinefelter,… cũng là những đối tượng dễ bị dị tật tim bẩm sinh.
– Bất thường về gene di truyền: Chỉ cần trong bản đồ gene có một gene bất thường cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến dị tật tim bẩm sinh.
– Tiểu đường thai kỳ: Người mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ không kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ dị tật tim ở thai nhi.
– Rubella: Trong 3 tháng đầu thai kỳ, người mẹ nhiễm Rubella sẽ làm tăng nguy cơ khiếm khuyết tim bẩm sinh. Do đó cần thiết phải được tiêm phòng Rubella trước lúc mang thai.
– Người mẹ khi mang thai sử dụng thuốc ngủ hoặc thuốc điều trị chứng động kinh: Chất dilantin trong thuốc chống động kinh cũng giống như cocaine và Accutane (một chất có trong thuốc trị mụn trứng cá) có thể là nguyên nhân dẫn đến sự bất thường tim thai.
– Người mẹ tiếp xúc với hóa chất độc hại: Mùi sơn tường, thuốc trừ sâu, không khí mang chất ô nhiễm trichloroethylene, khói thuốc lá,… là những tác nhân làm ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển tim thai.
5.Các bất thường tim thai thường gặp
Thật may mắn vì tỷ lệ thai nhi gặp bất thường về tim thai rất thấp, chỉ khoảng 8/1.000 ca sinh.
Bất thường tim thai thường quy vào bốn dạng sau:
– Tim chưa đạt đến sự phát triển hoàn chỉnh.
– Khiếm khuyết tim.
– Mạch bất thường.
– Sự thất lạc của các cấu trúc trong quá trình phát triển tim.
Như vậy, phương pháp điều trị những bất thường tim bẩm sinh ra sao còn tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh khác nhau.
6.Phòng ngừa khuyết tật tim
Những đứa trẻ được sinh ra với dị tật tim bẩm sinh luôn phải thoi thóp trước ranh giới sống còn. Vì thế, là những người mẹ, nếu không thể ngăn chặn dị tật này đến với con, ít nhất hãy giúp bé giảm thiểu nguy cơ mắc phải.
– Bằng cách ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, sinh hoạt lành mạnh trong thai kỳ bạn có thể tạo một môi trường phát triển tốt cho đứa bé trong bụng mình.
– Cần thiết phải thực hiện tiêm phòng trước lúc mang thai để tránh nhiễm những bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến thai nhi.
– Duy trì một lối sống không rượu bia, thuốc lá, không chất gây nghiện và tuyệt đối không tiếp xúc với môi trường có hóa chất độc hại.
– Nên sinh con trong độ tuổi sinh đẻ lý tưởng để tránh những bất thường nhiễm sắc thể có thể xảy ra.
– Khi muốn sử dụng loại thuốc nào trong thai kỳ kể cả thuốc bổ đều phải cẩn trọng và được sự chỉ định của bác sĩ.
– Điều quan trọng hơn cả là hãy cố gắng tạo cho bản thân một tinh thần lạc quan, tươi vui để đứa trẻ trong bụng có thể cảm nhận được tất cả những gì tốt đẹp nhất.